Xem xét phương án tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị

Theo TTXVN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 để thống nhất cách làm và đề xuất hướng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Phát biểu khai mạc hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 sáng 25/11, Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ lớn mà Trung ương 10 đã xác định. Đó là tăng tốc bứt phá, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu năm 2024, năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội 13 của Đảng đã đề ra, tạo nền tảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 của Đảng.

Theo Tổng Bí thư, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 12, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18 về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc triển khai đã đạt một số kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, đến nay nhiều việc chưa làm được, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Thực tế đặt ra yêu cầu phải khẩn trương tổng kết toàn diện Nghị quyết số 18 để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là ở cấp Trung ương. Bộ Chính trị đã nhất trí cao về việc này và khẳng định đây là công việc "phải làm nhanh, sớm hoàn thành trước Đại hội Đảng lần thứ 14".

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương sáng 25/11. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương sáng 25/11. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều ủng hộ, mong muốn chủ trương này sớm được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngay sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, các công việc đã được triển khai tích cực với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng. Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18; ban hành Quy chế hoạt động phân công trách nhiệm, kế hoạch thực hiện; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết theo đề cương và có định hướng cụ thể.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là vấn đề đặc biệt hệ trọng, tác động đến sự phát triển của đất nước, tâm tư tình cảm, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Do vậy, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương về chủ trương triển khai tổng kết để thống nhất những vấn đề về định hướng cách làm và bước đi, lộ trình cụ thể, kết quả tổng kết và đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào những vấn đề quan trọng này, từ đó tạo sự thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, quyết tâm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. 

Xem xét phương án tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị - ảnh 2
Hội nghị Trung ương khóa 13, sáng 25/11. Ảnh: TTXVN

Về chủ trương tái khởi động nghiên cứu triển khai một nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Tổng Bí thư khẳng định phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng cần phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế xã hội với tầm nhìn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030-2045.

Ông nhấn mạnh việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân hiện nay là "rất cần thiết để chuẩn bị cho tương lai". Chủ trương này trước đây đã được đưa ra và triển khai bước đầu, nhưng do một số khó khăn nên Trung ương đã quyết định dừng. Hiện nay, khi các điều kiện cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ, Bộ Chính trị báo cáo Trung ương cho phép tiếp tục triển khai để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị cũng sẽ báo cáo và trình Trung ương quyết định một số vấn đề về công tác cán bộ theo thẩm quyền.

Theo Tổng Bí thư, nội dung báo cáo của Trung ương tại Hội nghị "là quan trọng, cần có sự thống nhất cao để khẩn trương thực hiện". Vì vậy ông đề nghị các Ủy viên Trung ương và đại biểu dự Hội nghị tập trung trí tuệ, tham gia vào các nội dung để Hội nghị đạt được mục tiêu đề ra.

 

Tin cùng chuyên mục

 Đảng bộ Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm

Đảng bộ Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm

(PNTĐ) - Khẳng định, với vai trò Thủ đô, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu thực hiện, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội mong muốn toàn Đảng bộ thống nhất về nhận thức, quyết liệt trong hành động, triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm, chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tất cả vì mục tiêu cao cả là góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Tất cả vì mục tiêu cao cả là góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

(PNTĐ) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì chủ động, tích cực tham gia, đồng hành, ủng hộ cùng thành phố thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chủ trương lớn của Trung ương và Thành ủy. Tất cả vì mục tiêu cao cả là góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tập trung tổng kết, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  ​

Tập trung tổng kết, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả ​

(PNTĐ) - Năm 2024, mặc dù Hà Nội cùng cả nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, có lúc ngoài dự báo đã gây tổn thất lớn về người và tài sản do cơn bão số 3, song Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đạt kết quả khá toàn diện.
Rút ngắn thời gian xử lý đơn rút vốn ​giải ngân ​đầu tư công​ nguồn vốn nước ngoài xuống còn một ngày

Rút ngắn thời gian xử lý đơn rút vốn ​giải ngân ​đầu tư công​ nguồn vốn nước ngoài xuống còn một ngày

(PNTĐ) - Rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn rút vốn (trong vòng 1 ngày làm việc đối với rút vốn trực tiếp và tạm ứng); Trực tiếp làm việc với các ban quản lý dự án, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân… là một số giải pháp do Bộ Tài chính đề xuất để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024.