Thận trọng khi mua rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc

Bài và ảnh: HÀ LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Còn gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng tình hình buôn lậu rượu, vận chuyển và kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bắt đầu “nóng” trên cả nước nói chung và địa bàn Hà Nội nói riêng.

Thận trọng khi mua rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc - ảnh 1
Người tiêu dùng nên lựa chọn tìm mua rượu ở những nơi uy tín, có thương hiệu

Điểm qua các sản phẩm rượu trên thị trường hiện nay, có đa dạng sản phẩm rượu khác nhau. Phải kể đến như các loại rượu gạo tẻ truyền thống, rượu nếp, rượu nếp cẩm, rượu vang… Đặc biệt, bên cạnh rượu nội sản xuất trong nước thì xu hướng ưa chuộng rượu nhập ngoại những năm gần đây bắt đầu nở rộ.

Chính vì vậy, thị trường rượu Tết phong phú, song cũng khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” giữa hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm. Từ đây, nhiều gian thương với mục đích trục lợi, bất chấp sản xuất, phân phối rượu nhái các thương hiệu có tiếng, rượu kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng xuất hiện ngày càng nhiều.

Tình trạng ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây gây chết người, đặc biệt toàn bộ là rượu không rõ nguồn gốc. Để chấn chỉnh công tác kinh doanh và sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, ngày 1/8/2022, tại Thông báo số 221/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: “Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, có giải pháp phù hợp xử lý tình trạng ngộ độc rượu; tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt xử lý nghiêm các cơ sở dùng cồn công nghiệp pha chế thành rượu gây ngộ độc”...

Ngay sau chỉ đạo này, lực lượng quản lý thị trường cả nước, đặc biệt là của TP Hà Nội đã tích cực, kịp thời vào cuộc để kiểm tra, giám sát tình trạng sản xuất và kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh rượu ngâm tại phòng 0916 và 2602 toà nhà The Pride CT1, khu đô thị mới An Hưng (quận Hà Đông).

Kết quả kiểm tra cả 2 căn hộ cho thấy, tổng số 916,8 lít rượu đều là rượu ngâm cá thể động vật và thực vật các loại không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 15/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ của cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng thuộc Công ty TNHH Hằng Nhiệm, có địa chỉ tại số 3 tổ 4 khu nhà nổi Thạch Bàn (quận Long Biên), và hộ kinh doanh Rừng Vàng Thủ đô tại địa chỉ số 70 ngõ Ga (quận Hà Đông). Tổng số rượu vi phạm không có nguồn gốc xuất xứ của 2 cơ sở này lên tới 645 lít.

Hiện nay, thời điểm Tết cận kề càng được các đường dây, cơ sở sản xuất, buôn lậu rượu kém chất lượng đẩy mạnh hoạt động. Tại nhiều địa phương có đường biên giới ở phía Bắc và miền Trung, các đối tượng sản xuất, buôn bán rượu lậu, rượu giả âm thầm sản xuất, tập kết và ém hàng tìm cách đưa vào tiêu thụ sâu trong nội địa, trong đó có thị trường Hà Nội. Và không đâu xa, rất nhiều vụ kinh doanh rượu “rởm” đã được Đội quản lý thị trường TP. Hà Nội triệt phá trong giời gian qua như đã nêu ở trên.

Đứng trước thực trạng này, người tiêu dùng cần khôn khéo, cẩn trọng trong việc lựa chọn, mua các loại rượu trên thị trường hiện nay. PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội khuyên rằng, người dùng cần lưu ý khi lựa chọn mua các loại rượu sử dụng trong dịp Tết, nên chọn các loại rượu có thương hiệu và được bày bán tại các siêu thị lớn, các đại lý chính hãng để giảm thiểu tối đa việc mua phải rượu giả. Không nên mua ở những quán vỉa hè không được đảm bảo hay các cơ sở không uy tín, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tránh mua phải rượu giả. 

Khảo sát tại các siêu thị, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua đa dạng các loại rượu từ rượu ngoại đến rượu nội với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, rượu Vodka Thăng Long, Hà Nội, Men’s 500ml có giá từ 70-120 nghìn đồng; Vodka Skyy có giá 280-415 nghìn đồng; loại Vodka Absolut Elyx 1 lít có giá 1.730 nghìn đồng; rượu Chivas 12 700ml giá 780 nghìn đồng; Chivas 13 giá 900 nghìn đồng; Chivas 18 có giá 1,8 đến 2,1 triệu đồng tùy loại; giá cao nhất phải kể đến loại rượu Whisky Royal Salute có giá lên đến 3.8 triệu đồng; ngoài ra còn có các loại vang Đà Lạt 750ml có giá từ 70-145 nghìn đồng tùy loại…

Cũng theo các chuyên gia, khi mua hàng ở những nơi uy tín, có đầy đủ nguồn gốc, nhãn mác, chứng từ, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn. Nhưng mọi giải pháp chỉ là tình thế, cái gốc vẫn là trình độ và ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình. Đó là không nên uống nhiều rượu, dù đó là rượu “xịn”. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục