Á Nam Trần Tuấn Khải: "Văn có non sông mới có hồn"

Chia sẻ

PNTĐ-Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc vừa tổ chức Hội thảo khoa học về Á Nam Trần Tuấn Khải-Danh nhân văn hóa dân tộc, nhà yêu nước, bậc chí sĩ của dân tộc.

 
Trong không khí lịch sử kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của đất nước, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã tổ chức Hội thảo khoa học giá trị về Á Nam Trần Tuấn Khải - Danh nhân văn hóa dân tộc, nhà yêu nước, bậc chí sĩ của dân tộc. 
 
Á Nam Trần Tuấn Khải:
Á Nam Trần Tuấn Khải - Danh nhân văn hóa dân tộc

 
Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 - 1983), sinh tại làng Quan Xáng, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định trong một gia đình có truyền thống nho học yêu nước, là hậu duệ thứ 18 của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cụ thân sinh cũng từng tham gia các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Sau năm 1954, Trần Tuấn Khải vào Nam làm báo, dịch thuật Hán văn, là nhân viên Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn. Ông tham gia phong trào chống văn hóa nô dịch, đòi hòa bình và dân chủ dân sinh (1966 - 1967); là Chủ tịch danh dự lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc… Sau 30/4/1975, ông và gia đình định cư tại TP. Hồ Chí Minh.
 
Như lời đánh giá của GS Sử học Trần Văn Giàu về Á Nam Trần Tuấn Khải: “Nhớ thuở chúng tôi còn là học trò, khi chưa có Đảng Cộng sản mạnh để tuyên truyền, khi chưa có đảng viên giác ngộ, chính thơ Á Nam làm sứ mạng tuyên truyền lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước, nhân dân dần dần giác ngộ cách mạng, để sau này góp phần cùng Đảng ta làm nên cuộc cách mạng tháng Tám thành công”.
 
Nhắc tới Á Nam Trần Tuấn Khải không ai không nói đến bài Xẩm Bài hát anh khóa có sức lan tỏa kỳ lạ đến mọi tầng lớp người dân đất Việt những năm 20 của thế kỷ XX. GS.NGND Nguyễn Đình Chú, nguyên Giảng viên cao cấp khoa Ngữ Văn, đại học Sư phạm Hà Nội kể: Ở Hà Nội, từ Bờ Hồ cho đến chợ Đồng Xuân, ga Hàng Cỏ, chợ Hàng Da, chợ Bưởi… và cả thôn quê nơi bến đò, kẻ chợ, đâu đâu những người hát xẩm kiếm sống cũng ca Bài hát anh khóa.  “Khóa” ở đây là khóa sinh, tức những nho sinh đã trúng kỳ sát hạch để có tư cách đi thi Hương trong chế độ thi cử của Hán học ngày trước.
 
Bài hát là câu chuyện một người vợ sau khi tiễn chồng xuống tàu đi xa để rồi vò võ một mình và nhớ thương chồng da diết trong đạo thủy chung. Còn người chồng đi xa ở đây chính là những chí sĩ bỏ nhà xuất dương tìm đường cứu nước trong những năm đầu thế kỷ XX. Sau này, non sông quy về một mối, Bắc nam sum họp một nhà, Á Nam lại làm thơ Mừng anh khóa về.
 
Quan điểm sống và sáng tác xuyên suốt của Á Nam Trần Tuấn Khải gói gọn trong hai câu Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn có non sông mới có hồn. Bước chân vào văn đàn ở giai đoạn giao thời của văn học dân tộc đang quá độ từ phạm trù văn học trung đại sang phạm trù văn học hiện đại, thơ ca Trần Tuấn Khải cũng đi theo khuynh hướng “tắm mát trong dòng suối dân ca ngàn đời của dân tộc”. Ông vẫn sáng tác thơ Đường luật, thơ song thất lục bát, lục bát, văn tế…
 
Nhưng phần nổi trội nhất là viết bằng nhiều thể loại dân ca. Chính ở bộ phận này mà thơ của Á Nam có sức lan tỏa trong dân gian một cách rộng rãi. Có hiện tượng, một số câu phong dao của Á Nam, ví như: Rủ nhau xuống bể mò cua/ Đem về nấu quả mơ chua trên rừng/ Em ơi chua ngọt đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau; hay bài Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao… về sau này nhiều sách vẫn cho là ca dao của dân gian. 
 
Trong suốt cuộc đời của mình, Trần Tuấn Khải đã để lại một kho tàng sáng tác đồ sộ với nhiều thể loại: dịch thuật, sáng tác thơ, kịch bản sân khấu (chèo, tuồng), xẩm… Tới nay, các tác phẩm của ông vẫn trường tồn cùng thời gian. 
 
Hải Yến 

Tin cùng chuyên mục

Khi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” hòa nhịp cùng “Đất nước trọn niềm vui”

Khi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” hòa nhịp cùng “Đất nước trọn niềm vui”

(PNTĐ) - Tối 25/4/2025, trong không khí rộn ràng cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại vườn hoa Vạn Xuân - góc phố lịch sử Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui” và vòng chung khảo Hội thi “Phụ nữ Thủ đô khỏe đẹp - Chào kỷ nguyên mới” đã được tổ chức trang trọng, ấm cúng rực rỡ sắc màu.
Thạch Thất tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”

Thạch Thất tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Thạch Thất, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, tối 22/4, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thạch Thất long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật “Áo dài Việt Nam - Hào khí non sông”. Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đến dự cùng đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất và đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ, nhân dân trên địa bàn huyện.
“Hẹn ước Bắc - Nam”- khi lịch sử, nghệ thuật và tinh thần dân tộc giao hòa

“Hẹn ước Bắc - Nam”- khi lịch sử, nghệ thuật và tinh thần dân tộc giao hòa

(PNTĐ) - Tối 22/4, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình trở thành tâm điểm ánh nhìn của cả nước khi chương trình chính luận nghệ thuật “Hẹn ước Bắc - Nam” được dàn dựng công phu, hoành tráng, diễn ra dưới bầu trời Hà Nội - nơi kết nối mạch nguồn truyền thống và khát vọng tương lai.
“Đất ơi nở hoa” - khúc hát mừng kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung

“Đất ơi nở hoa” - khúc hát mừng kỷ niệm 50 năm ngày non sông liền một dải của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung

(PNTĐ) - Ca khúc “Đất ơi nở hoa” - sáng tác mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung, qua phần thể hiện đầy xúc cảm của NSƯT Hoàng Tùng và bản phối tinh tế của nhạc sĩ Đức Thụy - đã đưa người nghe trở lại những miền ký ức thiêng liêng, nơi có mẹ, có quê hương, có đất trời hun đúc bao kỷ niệm sâu sắc. Đây là món quà tri ân giàu cảm xúc mà người nhạc sĩ dành cho đất mẹ, cho Tổ quốc thân yêu nhân dịp tháng Tư lịch sử - thời điểm cả dân tộc hân hoan kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).