Âm nhạc lan tỏa tình yêu đất nước

Bài và ảnh: Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, âm nhạc mảng đề tài ca ngợi Tổ quốc, Đảng, lãnh tụ, về các anh hùng liệt sĩ… có sự tham gia của giới trẻ phát triển rất mạnh, góp phần khích lệ tình yêu, lòng tự hào về quê hương đất nước trong công chúng, đặc biệt là đối tượng khán giả trẻ.

Âm nhạc lan tỏa tình yêu đất nước - ảnh 1
Tình yêu tổ quốc luôn được bồi đắp trên các sân khấu âm nhạc.

Cần khích lệ thêm người trẻ sáng tác về tình yêu Tổ quốc
Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, không thể thống kê được hết số lượng nhạc phẩm về mảng đề tài (tạm gọi) là chính luận xoay quanh chủ đề ngợi ca quê hương, đất nước, về Đảng, về lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ… do các nhạc sĩ trẻ thế hệ 8x, 9x sáng tác gần đây, nhưng có thể nói là vô cùng sôi động. Nếu những năm trước, lâu lâu chúng ta mới có một sáng tác nổi bật và chủ yếu là viết về đất nước ở góc độ ca ngợi vẻ đẹp, khích lệ du lịch, thì gần đây các ca khúc mới được phổ biến khá nhiều. 

“Điều đặc biệt là phần lớn các ca khúc mảng đề tài này đến từ các nhạc sĩ hoạt động tự do trên thị trường âm nhạc, họ viết vì chính cảm xúc, tình yêu trong trái tim họ chứ không lệ thuộc vào đơn đặt hàng nào hết”- Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết. 

Có thể kể ra gần nhất là nhạc sĩ trẻ Kiên Ninh ra mắt ca khúc “Thiên hùng ca bất tử” nhân dịp 27/7, hay trước đó là “Việt Nam ơi ta bước tiếp”, “Lá thư trong balô”… đều là những ca khúc khơi gợi tình yêu, lòng tự hào Tổ quốc rất cao và khá thành công. Một nhạc sĩ trẻ đang được coi là “hiện tượng tạo hit” thị trường như Đông Thiên Đức cũng gây bất ngờ với ca khúc “Một vòng Việt Nam” rất ý nghĩa về tổ quốc Việt Nam được ca sĩ Tùng Dương thể hiện thành công, đông đảo ca sĩ cover và đang được lan tỏa sâu rộng trong công chúng. Hoặc gần nhất trong thời gian vừa rồi khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần đã làm xúc động nhiều trái tim nhạc sĩ về những đóng góp của ông cho quê hương đất nước, từ đó có rất nhiều ca khúc được ra đời, trong đó có sự tham gia của thế hệ nhạc sĩ 9X. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, trong các hải trình đi Trường Sa thời gian qua, cũng có rất nhiều sáng tác mới về tình yêu biển đảo Tổ quốc được ra đời từ những người trẻ tuổi. Đáng chú ý là sáng tác “Hát về anh người chiến sĩ Trường Sa” của tác giả Ngô Sỹ Tùng đến từ Hà Giang. Chứng kiến các hoạt động gian khổ, khó khăn, tình yêu trách nhiệm của những người lính đảo, tác giả này đã viết nên ca khúc khá xúc động, sử dụng câu slogan trên đảo “Biển cả là nhà, đảo là quê hương” một cách mềm mại, đi vào lòng người.  

“Chúng ta thường nghĩ với cuộc sống hiện đại, với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với sự phát triển rầm rộ của công nghệ thông tin, sống trong cuộc sống của xu hướng, trào lưu, các nghệ sĩ trẻ sẽ lao vào những cái mới, lao vào cơm áo gạo tiền mà không quan tâm đến những vấn đề lớn lao hơn, đó là trách nhiệm, hay ít nhất là thể hiện tình cảm của mình với quê hương, đất nước… Nhưng, sự xuất hiện liên tiếp nhiều tác phẩm, nhiều tác giả tham gia mảng đề tài này hiện nay là một tín hiệu rất đáng mừng. Thậm chí, với tài năng của họ cùng việc nhạy bén với thị hiếu, thị trường, lại tài giỏi trong sở hữu các công cụ truyền thông, các ca khúc này nhanh chóng tạo nên sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, góp phần thổi bùng lên tình yêu Tổ quốc trong những giai đoạn, kỳ cuộc quan trọng của đất nước”- nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long nêu bật. 

Theo các chuyên gia, với đà phát triển này, cần sớm có sự ghi nhận, khích lệ cụ thể, hiệu quả hơn người trẻ nhằm thúc đẩy họ tiếp tục duy trì mảng sáng tác vốn không hề dễ dàng này, nhằm nối dài tinh thần sáng tác âm nhạc cách mạng đã trở thành truyền thống, là chứng nhân của dân tộc trước mọi thăng trầm của thời đại. Các biện pháp được đề xuất có thể là trao các giải thưởng sáng tác tầm quốc gia cho các nhạc sĩ có sáng tác hay sức lan tỏa cao, thiết kế các cuộc thi, nêu gương những người trẻ có sáng tác tốt…
Thu hút người nước ngoài yêu hơn Việt Nam 
Tại cuộc họp báo giới thiệu Hòa nhạc Quốc gia “Điều còn mãi 2024”, nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine liên tục nói: “Tôi yêu Việt Nam” khiến ai nấy đều rất tự hào. Theo thông lệ, Hòa nhạc “Điều còn mãi” chào mừng Quốc khánh 2/9 được tổ chức đúng 14h ngày 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhưng đặc biệt hơn khi có sự tham gia của “yếu tố quốc tế” là nhạc trưởng Olivier Ochanine và dàn nhạc giao hưởng “Mặt trời”- dàn nhạc có sự tham gia của nhiều tài năng âm nhạc cổ điển xuất sắc đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Họ sẽ cùng chơi các bản nhạc cách mạng của Việt Nam, những giai điệu hùng tráng mà trữ tình của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam, giúp người xem được sống lại những năm tháng hào hùng và gian khổ của dân tộc cũng như khám phá vẻ đẹp tâm hồn người Việt. 

Nói về việc sẽ chơi các bản nhạc cách mạng của Việt Nam, nhạc trưởng người Pháp chia sẻ: “Tôi đã làm việc và sinh sống ở Việt Nam 7 năm, tôi yêu và trân trọng từng khoảnh khắc sống ở nơi đây. Tuy nhiên tiếng Việt rất khó nên tôi phải dành thời gian để nghiên cứu tổng phổ và ý nghĩa của lời các bài hát, học mọi lúc mọi nơi. Tôi cảm động và vinh dự khi tham gia Điều còn mãi”.

 Vị nhạc trưởng cũng cho biết, cảm nhận của anh là người Việt Nam rất ấm áp, anh luôn cảm thấy người Việt đối xử rất tốt với mình. “Có một điều làm tôi ấn tượng ở Việt Nam là bạn có thể nói chuyện với bất kỳ ai trên đường, điều mà ở Pháp và Mỹ không thể làm vậy”- nhạc trưởng Olivier Ochanine nói. 

Tình yêu Việt Nam của vị nhạc trưởng người Pháp cũng như các nghệ sĩ nước ngoài tham gia là một ấn tượng thú vị trong Hòa nhạc Quốc gia dịp Quốc khánh năm nay, không chỉ lan tỏa nhiều hơn tình yêu Việt Nam ở các nghệ sĩ quốc tế, mà còn góp phần đưa các ca khúc cách mạng Việt Nam hòa nhập với đời sống âm nhạc đương đại thế giới. 

Bên cạnh đó, Hòa nhạc cũng có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, trong đó có ca sĩ Nguyễn Bảo Yến (Quán quân Sao Mai 2015 dòng Thính phòng; Giải nhì Cuộc thi Thanh nhạc quốc tế ''Academia'' 2014 tại Perm, LB Nga). Bảo Yến đi du học đã nhiều năm, sự trở về này khẳng định tình cảm với quê hương của cô. “Dù đi du học 10 năm, học hát những bài nhạc quốc tế nhưng tôi luôn nhận thức mình là người Việt Nam phải hát nhạc Việt Nam, không được đánh mất bản sắc dân tộc”- Bảo Yến bày tỏ. 

Những tình yêu ấy đang ngày càng được phát huy, nhân lên, tiếp thêm ngọn lửa của niềm tự hào, kiêu hãnh của dân tộc trong thời đại mới.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ đạo diễn 9X Dương Diệu Linh: Khát khao khám phá thế giới nội tâm của phụ nữ trung niên

Nữ đạo diễn 9X Dương Diệu Linh: Khát khao khám phá thế giới nội tâm của phụ nữ trung niên

(PNTĐ) - Bộ phim “Mưa trên cánh bướm” của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh đã bất ngờ nhận 2 giải tại Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice lần thứ 81 diễn ra vừa qua gồm giải “Bộ phim sáng tạo nhất” (Most Innovative Film) và giải “Phim hay nhất” (IWONDERFULL Grand Prize).
Ngày 2/10 diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Ngày 2/10 diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Hội thảo có chủ đề: “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu”.dự kiến tổ chức vào ngày 02/10/2024 theo hình thức trực tiếp, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Số 1, Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội với
Tùng Dương hát về bản lĩnh của người đàn ông trong cuộc đời

Tùng Dương hát về bản lĩnh của người đàn ông trong cuộc đời

(PNTĐ) - Hôm nay, 18/9/2024, ca sĩ Tùng Dương chính thức ra mắt MV ''Đàn ông không cần khóc'' và lập tức nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn cũng như khán giả về âm nhạc, về hình ảnh giàu ý nghĩa của MV. Đây là sáng tác của nhạc sĩ trẻ sinh năm 1998 Antoine Lai, hiện đang sống và làm việc tại Pháp. Bài hát là góc nhìn của một nhạc sĩ trẻ về những phẩm chất đặc trưng của người đàn ông trong cuộc đời.