Công nghiệp văn hóa - đột phá để bứt tốc

Bài 2: Kỳ vọng những “làn sóng mới“

MỘC Miên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Công nghiệp văn hóa được xem là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng cho những ý tưởng, cách làm sáng tạo. Song để khẳng định được vị thế, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đang cần một cuộc chuyển mình mạnh mẽ, đón những “làn sóng mới”...

Bài 2: Kỳ vọng những “làn sóng mới“ - ảnh 1
Phố bích hoạ Phùng Hưng từng là không gian sáng tạo thu hút đông đảo du khách của Hà Nội. ảnh: NLĐ

Giấc mộng làm giàu từ công nghiệp văn hóa 

Hiện nay, nhìn vào cách làm, nhận thức về công nghiệp văn hóa (CNVH) đang trên đà khởi sắc của các tỉnh, thành, địa phương, nhiều tín hiệu tích cực đã mang đến niềm tin rằng giấc mộng làm giàu từ CNVH sẽ không còn xa, nếu như tất cả cùng chung tay, nhập cuộc. Điều này được minh chứng từ chính cuộc chuyển mình của Hà Nội - thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Sau hơn 4 năm ghi tên, năm 2023, CNVH ở Thủ đô đã có sự bứt phá mạnh mẽ với Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Gần 300 ngàn lượt khách tham gia chỉ trong 12 ngày diễn ra lễ hội, với hàng chục sự kiện hấp dẫn, mới mẻ, cuốn hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với những địa chỉ tưởng chừng đã cũ và thiếu sức sống, nhưng hóa ra lại cuốn hút không tưởng. Điều đó cũng phần nào hé mở cánh cửa để đưa kho tàng di sản công nghiệp văn hóa từ những “mỏ quặng” được khai thác, phát huy giá trị.

GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng, nhìn vào thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 cho thấy những nơi hoang vắng, cũ kỹ được thay áo mới bởi những ý tưởng độc đáo, táo bạo là những bước đi đột phá tạo nên những điểm đến hấp dẫn, lý tưởng. 

Như thế, câu trả lời rất rõ ràng, đổi mới sáng tạo, tìm lối đi riêng chính là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thúc đẩy sự phát triển CNVH, không chỉ của Hà Nội mà suy rộng ra cả nước. Cách khai thác các không gian sáng tạo hiện nay của Hà Nội cũng chính là con đường của nhiều nước có nền công nghiệp phát triển, chuyển đổi những nhà máy cũ thành không gian cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật. Mấy năm nay, các hoạ sĩ Việt đã rất tích cực trong việc tìm kiếm dự án để “thay da đổi thịt” cho các không gian cũ như ở Nhật Tân hay phố Phùng Hưng cũng được người dân đón nhận, thích thú. Tuy ở thời điểm hiện tại, do yếu tố thời gian và thời hạn dự án nên nhiều không gian này không còn giữ được sức hấp dẫn điển hình như đoạn đường bích hoạ Phùng Hưng, nhưng rõ ràng, qua đó, chúng ta thấy được Thành phố đang “khát” những không gian sáng tạo. Và, chúng ta cần nhiều hơn những chiến lược khai thác, biến nó thành “mỏ vàng” hấp dẫn du khách thập phương trên hành trình CNVH như ở Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023. 

Để tạo nên những làn sóng phát triển mạnh mẽ, các nhà sáng tạo, chuyên gia nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam cho rằng, CNVH đang đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo trong VHNT, đem lại nhiều cơ hội cho văn nghệ sĩ. Sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu quan trọng để phát triển các ngành CNVH. Tuy nhiên, tác phẩm VHNT tốt, hấp dẫn vẫn chưa đủ, văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức trí tuệ sáng tạo tác phẩm mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng, trực tiếp tham gia vào chuỗi CNVH. Một phần nguyên nhân khiến VHNT chưa phát huy đúng tiềm năng được chỉ ra là do sự thiếu hụt về đội ngũ sáng tạo cũng như những cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, những ý tưởng, sản phẩm chất lượng.

Cũng từ hơn một năm nay, với những chương trình tour đêm tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, số khách tham quan tăng mạnh so với trước. Giám đốc Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, tour đêm Văn Miếu với chủ đề “Tinh hoa đạo học” là những nỗ lực, sáng tạo của khu di tích nhằm mang đến trải nghiệm mới mẻ dành cho du khách, góp phần quan trọng vào sự phát triển của CNVH Thủ đô. Ngay sau khi ra mắt, tour đêm “Tinh hoa đạo học” đã tạo hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, thường xuyên “cháy vé”. 

Hay như gần đây, hoạt động triển lãm tại Hà Nội bỗng dưng trở thành một xu hướng về điểm đến văn hoá hot trong giới trẻ cũng là điều rất đáng chú ý. Chưa bao giờ, các triển lãm vốn dĩ là những không gian câm lặng lại trở nên hấp dẫn đến thế nhờ sự đổi mới, sáng tạo không ngừng khi đánh thức mọi giác quan của khách tham quan, khiến họ chìm đắm vào thế giới riêng có của từng triển lãm, vừa thưởng thức, lại vừa mở rộng tầm nhìn. Đặc biệt, các triển lãm còn rất ưu tiên trưng bày để giới trẻ tha hồ có các góc độc lạ check-in - một cách lan toả sự kiện hữu hiệu thời nay.   

Những ví dụ đó cho thấy nếu biết cách làm, nếu mạnh dạn đổi mới thì không khó để “mỏ vàng” CNVH ngày càng sinh sôi, phát triển.
Đầu tư cho nhân lực chất lượng cao
So với tiềm năng, sự phát triển của CNVH còn chưa tương xứng. Một trong những thách thức được nêu rõ, phát triển CNVH liên quan nhiều đến yếu tố sáng tạo và con người, nhưng thực tế, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đủ sức cạnh tranh với quốc tế. Cùng với đó, chính sách đãi ngộ các ngành CNVH còn chưa thực sự khuyến khích và thu hút nhân lực vào lĩnh vực này.

Ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, địa hạt giàu tiềm năng, theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, để có một mẫu mã đẹp không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là cả một quá trình tìm kiếm, chắt lọc và sáng tạo. Có những nghệ nhân suốt đời làm nghề chỉ tạo ra được một vài mẫu mã có giá trị, để đời. Nhiều nghệ nhân kinh nghiệm và kỹ thuật tinh xảo có thừa, song lại không có khả năng sáng tạo. “Hiện số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi thì hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, luôn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Những người trẻ được học hành bài bản, năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có kỹ năng, kỹ xảo với nghề, hạn chế hiểu biết những chuẩn mực về giá trị truyền thống, thích chạy theo sự tân kỳ, bắt chước, sao chép mẫu sẵn có và cải biên chút ít để… làm mới” - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề nhận định.

Trước bối cảnh này, hoàn thiện thể chế, đầu tư cho nguồn nhân lực được xác định là giải pháp quan trọng. TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam cho biết: “Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Nhà nước về CNVH để các tổ chức thành viên đổi mới sáng tạo, thể hiện sự đa dạng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật; nhất quán quan điểm khuyến khích tác giả thử nghiệm các ý tưởng mới, tạo nên tác phẩm độc đáo, mang phong cách riêng biệt, đóng góp vào phát triển CNVH”. 

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh: “Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sẽ phải đối diện với cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cùng với sự lựa chọn khắt khe của người tiêu dùng. Vì vậy cần tạo sự khác biệt và đẳng cấp của sản phẩm, thể hiện đặc trưng văn hóa quốc gia…”. 

Tại nhiều địa phương, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, để phát triển CNVH, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực và các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hóa, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển CNVH, quảng bá, hợp tác quốc tế… là trọng tâm. Ông Phan Văn Mãi khẳng định, nên lấy doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực sáng tạo nói riêng, CNVH nói chung làm trọng tâm mang tính định hướng.

Với Thủ đô Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng để Thủ đô phát triển các ngành CNVH. Hiện Thành phố đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, chế độ khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; các quy hoạch, đề án về văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển dài hạn trên địa bàn Thủ đô được chú trọng.

 “Việc vinh danh những nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến được thực hiện theo đúng quy định. Hà Nội là địa phương có số lượng NNND, NNƯT cao nhất cả nước, với 18 NNND, 113 NNƯT. Số lượng NSND, NSƯT cũng ở mức cao…” - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà cho biết. 

Lãnh đạo Thành phố chia sẻ, trong nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nằm ở vị trí ưu tiên. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNVH có trình độ chuyên môn cao; thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; ưu đãi và vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế có đóng góp tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa và CNVH Thủ đô.

Bài cuối: Để công nghiệp văn hoá sẵn sàng đột phá! 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.