Đánh thức di sản nghệ thuật cổ truyền Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa

Bài 2: Tìm kiếm “hệ sinh thái” nghệ thuật cổ truyền

Khánh Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội hiện có một kho tàng vô giá các loại hình âm nhạc cổ truyền không chỉ khai thác cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, mà còn là chất liệu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển và khai thác các loại hình nghệ thuật này vẫn còn gặp nhiều thách thức, chưa thực sự hình thành một “hệ sinh thái” nghệ thuật cổ truyền vững chắc.

Bài 2: Tìm kiếm “hệ sinh thái” nghệ thuật cổ truyền - ảnh 1
Một buổi biểu diễn nghệ thuật cổ truyền của Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phục vụ du khách.

Cấp thiết xây dựng “hệ sinh thái” âm nhạc cổ truyền Hà Nội 
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Giám đốc Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam (VICH) cho biết, các loại hình văn hóa nghệ thuật biểu diễn dân gian thường sẽ không tồn tại độc lập mà gắn bó mật thiết với các hoạt động cộng đồng của một làng xã hoặc địa phương nào đó. Như hát Dô, chèo tàu hay múa trống bồng… là những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật gắn với lễ hội của làng xã; ca trù, chầu văn… thì gắn với không gian của ca quán, đình, đền… 

Tuy nhiên trong bối cảnh đời sống đô thị hiện nay, hệ sinh thái nơi xuất phát những loại hình nghệ thuật đó đang dần mai một hoặc ít hiện diện trong đời sống đương đại. 

Theo bà Quyên, lý do là vì cấu trúc dân cư, nền nếp sinh hoạt và cách cố kết cộng đồng của đời sống người Việt nói chung, ở những đô thị phát triển mạnh mẽ như Hà Nội nói riêng đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Làng xã không phải là câu chuyện sống cùng với nhau qua 2, 3, 4, thậm chí nhiều thế hệ hơn nữa, mà hiện giờ trở thành đô thị mới, khu dân cư phức hợp có cả những yếu tố của thành thị và yếu tố lưu giữ của làng xã. Môi trường sinh ra các loại hình nghệ thuật đó biến đổi, đương nhiên sự tồn tại và phát triển các loại hình nghệ thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Do đó, kiến nghị tạo nên một hệ sinh thái dành cho các loại hình biểu diễn dân gian truyền thống là có cơ sở khi chúng ta đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống đó thành chất liệu, thành tố trong môi trường sống nghệ thuật của xã hội đương đại. 

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, Hà Nội còn nhiều giá trị âm nhạc nói riêng, nghệ thuật cổ truyền nói chung chưa được biết đến nhiều, chưa được nhìn nhận đánh giá cho đúng vị thế của nó. Vì vậy, việc làm cấp thiết lúc này là cần có một cuộc thống kê để biết được tổng quan chung về các giá trị văn hoá - nghệ thuật liên quan đến nghệ thuật cổ truyền trên địa bàn Hà Nội, nhằm nhận biết rõ hơn về sự phong phú trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội từ xa xưa đến nay, trước hết là để bảo tồn, nghiên cứu và sau đó là hồi sinh. Từ cuộc thống kê và hồi sinh như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng tạo nên một sự kết nối, một hệ sinh thái nghệ thuật cổ truyền, đưa nó trở thành sản phẩm văn hoá tiêu biểu, tinh hoa, riêng có, làm đậm đà hơn bản sắc văn hoá ngàn năm của Hà Nội. 

Đồng quan điểm này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, Hà Nội đang sở hữu kho tàng văn hoá phi vật thể độc đáo đặc sắc, trong đó có những loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc trưng riêng và những loại hình kết tụ từ tinh hoa của Đồng bằng Bắc Bộ đang có nguy cơ mai một, thất truyền trong đời sống hiện đại như dân ca Hà Đông, trống cổ bộ…

 “Khi cuộc sống thay đổi, đời sống thay đổi không còn cố kết như xưa thì chúng ta buộc phải tạo nên một hệ sinh thái mới cho đời sống nghệ thuật cổ truyền. Tức là chúng ta phải kết nối các giá trị của các loại hình này. Thành phố Hà Nội đang rất quan tâm đến bảo tồn, phát triển nghệ thuật cổ truyền nhưng cảm giác vẫn còn manh mún, rời rạc, mỗi loại hình bảo tồn, phát triển một kiểu mà chưa có một chính sách liên kết tổng thể để xây dựng một cộng đồng, một hệ sinh thái cho các loại hình nghệ thuật cổ truyền. Khi chúng ta phát triển công nghiệp văn hoá, phát triển du lịch, việc xây dựng hệ sinh thái này vô cùng quan trọng vì sẽ làm đa dạng sắc màu văn hoá Hà Nội, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu toàn diện về văn hoá của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến”- nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói. 
Cần có những hướng đi đúng lộ trình phát triển
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đưa ra các lý do khiến Hà Nội chưa xây dựng được hệ sinh thái nghệ thuật cổ truyền cần thiết. “Đầu tiên là do nhận thức và quan tâm của công chúng. Mặc dù có giá trị văn hóa cao, chứa đựng những thông điệp quan trọng về lịch sử, văn hóa dân tộc, nhưng nghệ thuật cổ truyền đôi khi không nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía công chúng, đặc biệt là giới trẻ, khi họ bị bủa vây bởi rất nhiều các loại hình giải trí và chưa hiểu hết về vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật cổ truyền” - ông Bùi Hoài Sơn nói. 

Thứ hai là, những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, khi một số chính sách bảo tồn và phát triển nghệ thuật cổ truyền còn thiếu cụ thể và chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các cộng đồng, nghệ nhân và các tổ chức nghệ thuật. 

Thứ ba là, hạn chế về nguồn lực khiến cho nhiều dự án bảo tồn nghệ thuật cổ truyền thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực, dẫn đến việc triển khai chưa hiệu quả. 

Trước sự cấp thiết cần xây dựng “hệ sinh thái” nghệ thuật cổ truyền nhằm bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại, đồng thời trở thành nguồn lực mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp văn hoá, giúp công chúng, du khách nhìn thấy rõ hơn bề dày cùng kho tàng nghệ thuật cổ truyền phong phú của Hà Nội, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, bên cạnh việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với sự phát triển văn hóa nói chung, âm nhạc cổ truyền nói riêng, chúng ta cần có những nỗ lực không ngừng với 7 hướng đi.

Một là, cần tập trung đẩy mạnh truyền thông, tăng cường nhận thức về ý nghĩa, vai trò của nghệ thuật cổ truyền nói chung, âm nhạc cổ truyền nói riêng. Theo đó, chúng ta cần đưa âm nhạc cổ truyền vào chương trình giáo dục từ tiểu học đến đại học để học sinh, sinh viên hiểu và trân trọng giá trị của nghệ thuật truyền thống, cũng như sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền hình, radio, internet để giới thiệu và quảng bá âm nhạc cổ truyền. Tổ chức các chương trình, phim tài liệu về nghệ thuật cổ truyền. 

Thứ hai, tổ chức sự kiện và lễ hội văn hóa như các lễ hội âm nhạc cổ truyền thường niên tại Hà Nội để thu hút du khách trong và ngoài nước. Các nhà hát, nhà văn hóa có thể tổ chức các buổi biểu diễn định kỳ các loại hình nghệ thuật cổ truyền như ca trù, xẩm, hát văn, chèo tàu... 

Thứ ba, quan tâm hỗ trợ nghệ nhân bằng cách mở các lớp học và khóa đào tạo để truyền dạy kỹ năng và kiến thức âm nhạc cổ truyền cho thế hệ trẻ. Cung cấp hỗ trợ tài chính và pháp lý cho các nghệ nhân, giúp họ duy trì và phát triển sự nghiệp. 

Thứ tư, chú ý nhiều hơn đến phát triển công nghiệp văn hóa. Chúng ta cần khuyến khích sản xuất các sản phẩm âm nhạc cổ truyền dưới dạng đĩa CD, DVD, và trên các nền tảng trực tuyến. Phát triển các tour du lịch văn hóa, trong đó du khách có cơ hội trải nghiệm âm nhạc cổ truyền thông qua các buổi biểu diễn trực tiếp và tham quan các làng nghề truyền thống. 

Thứ năm, xây dựng hệ thống hạ tầng văn hóa qua các trung tâm văn hóa và bảo tàng chuyên về âm nhạc cổ truyền để lưu giữ, trưng bày và giới thiệu đến công chúng. Đồng thời, tạo ra các không gian biểu diễn chuyên nghiệp và thân thiện, phù hợp với các loại hình nghệ thuật cổ truyền.

 Thứ sáu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp trong việc bảo tồn và phát triển âm nhạc cổ truyền. Các doanh nghiệp có thể tài trợ và đồng hành cùng các dự án văn hóa, thành lập các câu lạc bộ và nhóm tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát triển nghệ thuật cổ truyền.

Cuối cùng là, tăng cường hợp tác quốc tế bằng cách tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế để giới thiệu âm nhạc cổ truyền của Hà Nội ra thế giới và học hỏi kinh nghiệm bảo tồn từ các quốc gia khác, và tham gia và phát triển các dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển nghệ thuật cổ truyền.

Bài cuối: Khai thác, đánh thức hiệu quả “sức mạnh” tinh hoa nghệ thuật cổ truyền 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.