Phát triển nguồn lực văn hóa Thủ đô trong thời kỳ mới

Bài cuối: Chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm

Bài và ảnh: Mạc Vy
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đảng bộ Hà Nội xác định phát triển văn hóa phải được đặt trong tính tổng thể, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định chính trị, vì sự tiến bộ hạnh phúc của con người, có như thế sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô mới hiệu quả, bền vững.

Bài cuối: Chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm - ảnh 1
Xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển Thủ đô.

Coi việc khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội thảo “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Lý luận và thực tiễn”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Đảng bộ Thành phố luôn nhận thức sâu sắc trách nhiệm gương mẫu đi đầu trên các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam trong tiến trình hội nhập, thích ứng với xu hướng văn hóa của khu vực và thế giới.

Theo đó, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng và xác định xây dựng, phát triển văn hóa là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm, các chủ trương, đường lối, chính sách về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô luôn nhất quán, không ngừng hoàn thiện trong suốt tiến trình phát triển của Thủ đô.

Một trong những khâu trọng yếu chính là sự chuyển biến về nhận thức ngày một rõ nét về mối quan hệ lớn giữa xây dựng, phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác đặc biệt là trong nhiệm vụ xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị. 

Theo PGS.TS Lê Quý Đức - Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, để khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội phải nhận diện được nó một cách rõ ràng. Nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội truyền thống và hiện đại đang hiện diện trong đời sống xã hội hiện nay rất phong phú và đa dạng; nếu biết khai thác sẽ trở thành nguồn vốn to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội trước mắt và lâu dài.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội có nhiều “dư địa” để phát huy sức mạnh mềm. Trong tương lai, Hà Nội hướng tới trở thành Kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, trở thành một trong những “điểm sáng” văn hóa của khu vực và thế giới. “Thành phố sáng tạo” là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo. Việc phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế của Thủ đô có tiềm năng to lớn và không chỉ góp phần tạo ra nhiều doanh thu, việc làm; mà còn phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô trong thời đại toàn cầu hóa. Để làm được điều đó cần có sự đồng lòng, quyết tâm cao của các cấp, các ngành; sự đồng hành, chung tay, góp sức của các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân sáng tạo, các cơ quan của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định, với quan điểm, chủ trương coi khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, có thể thấy thành phố Hà Nội đã tập trung các nguồn lực văn hóa phát triển đời sống văn hóa Thủ đô theo định hướng đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thăng Long, phát huy sự đa dạng, bản sắc độc đáo của các tiểu vùng văn hóa trong mối quan hệ thống nhất trong đa dạng, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long, biến những tiềm lực văn hóa thành sức mạnh nội sinh góp phần phát triển toàn diện Thủ đô.

“Hà Nội đã tăng cường đầu tư kinh phí ngân sách thành phố kết hợp với mở rộng xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững, tăng cường mở rộng và đa dạng hóa công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, hình thành các doanh nghiệp văn hóa, xây dựng ngành công nghiệp giải trí, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, gắn kết du lịch, dịch vụ với văn hóa, tạo điều kiện để Hà Nội trở thành một trong những địa bàn phát triển các ngành dịch vụ văn hóa. Qua đó, chúng ta thấy rõ rằng, Hà Nội đã xác định nguồn lực văn hóa là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế” - PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Hiến kế những giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa
Những năm qua, Hà Nội rất chú trọng việc tìm kiếm những giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững Thủ đô bằng việc tập hợp trí tuệ, nhiệt huyết của đội ngũ chuyên gia, các nhà trí thức, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ… thông qua các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm. 

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững như Chương trình số 06-CTr/TU “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” cùng với Kế hoạch số 176/KH-UBND của UBND Thành phố đã đề ra. 

ThS. Hà Đỗ Quyên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, xây dựng con người Hà Nội văn minh là yếu tố cốt lõi góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng văn minh đô thị Hà Nội. Việc này đang được Hà Nội thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, vẫn cần nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam của toàn xã hội; phải khẳng định con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

Vì vậy, cần kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Xây dựng chiến lược phát triển con người Hà Nội hiện đại, văn minh, thanh lịch, vừa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, vừa mang những nét đặc trưng của Hà Nội ngàn năm văn hiến. 

ThS. Hà Đỗ Quyên nhấn mạnh: “Phải xây dựng được bộ tiêu chí về con người Hà Nội văn minh, có tính bao quát, thể hiện rõ cả trong đời sống gia đình, công việc và quan hệ xã hội. Song song với việc xây dựng chiến lược con người Hà Nội hiện đại, văn minh cần xây dựng các thiết chế về văn hóa, giáo dục ngang tầm để chiến lược được thực thi hiệu quả, tránh tình trạng hô khẩu hiệu hoặc “đầu voi, đuôi chuột”. 

Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - cho rằng phải xây dựng thương hiệu văn hóa người Hà Nội đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển Thủ đô. Điều này cũng chính là xây dựng thương hiệu văn hóa người Việt với bạn bè thế giới. 

TS. Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - nêu giải pháp để phát huy hiệu quả vấn đề này cần mở rộng đào tạo Hà Nội học trong các trường phổ thông ở Hà Nội. Hiểu được nơi mình được sinh ra và lớn lên, từ đó các em mới có khát vọng và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển Thủ đô cho hiện tại và tương lai. 

Rất nhiều giải pháp khác cũng được các nhà khoa học, chuyên gia tâm huyết nêu, TS. Trần Đức Nguyên - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đề xuất cần chú ý hơn nữa đến việc phát huy di tích lịch sử văn hóa Thủ đô. Bởi, hệ thống di sản văn hóa phong phú là tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa; là động lực để thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới đối với cộng đồng sáng tạo của Thủ đô và cả nước.

Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Đó là điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững... 

Cũng từ đây, theo các chuyên gia, chúng ta phải biết chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Muốn vậy, phải xác định nguồn lực văn hóa chỉ là đầu vào thiết yếu để tạo ra sức mạnh mềm văn hóa. Nguồn lực văn hóa muốn trở thành sức mạnh mềm văn hóa cần đến phương thức và chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa phù hợp.

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa là sự lựa chọn có tính quyết định trong việc tạo dựng thương hiệu thành phố, tăng cường hội nhập và đẩy mạnh khả năng lan tỏa hình ảnh Hà Nội ra thế giới.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tuổi trẻ Thủ đô - nòng cốt xây dựng văn hóa người Hà Nội

Tuổi trẻ Thủ đô - nòng cốt xây dựng văn hóa người Hà Nội

(PNTĐ) - Nhận thức sâu sắc về vai trò tiên phong, tuổi trẻ Thủ đô luôn là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hoá người Hà Nội, thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
Bát Tràng được xem xét là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu

Bát Tràng được xem xét là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu

(PNTĐ) - Ngày 21/10, Hội đồng giám khảo quốc tế của Hội đồng Thủ công Thế giới đã có dịp gặp gỡ nhiều nghệ nhân nổi tiếng và thăm quan các di chỉ gốm tại làng Bát Tràng. Qua những trải nghiệm ấy, Hội đồng giám khảo quốc tế, Hội đồng Thủ công thế giới đã xem xét công nhận làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu.