Công nghiệp văn hóa - đột phá để bứt tốc

Bài cuối: Để vươn tầm thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa

Bài và ảnh: MỘC Miên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bài toán cần lời giải cho sự phát triển đột phá, bứt tốc của các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH) Việt Nam hiện nay, đó là cần tăng cường ưu đãi, cùng hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng. Nếu không, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế thì con đường để vươn tầm thương hiệu cho các ngành CNVH Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Bài cuối: Để vươn tầm thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Biểu diễn nghệ thuật trong sân vườn BTMT Việt Nam thu hút đông du khách, tuy nhiên vẫn cần những cơ chế, chính sách để hoạt động phát triển, mang lại nguồn thu cho Bảo tàng.

Chưa có nhiều chính sách ưu đãi
Những năm gần đây, CNVH Việt Nam nổi lên với sự xuất hiện của nhiều không gian sáng tạo hoạt động rất hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly (nghiên cứu độc lập về không gian văn hóa sáng tạo), trong bối cảnh nền CNVH Việt Nam, các không gian sáng tạo giống như “những ngọn hải đăng”, là tác nhân thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế, văn hóa và xã hội, nơi cung cấp nguồn lực sáng tạo, nơi các tổ chức, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức cơ quan ngoại giao và phi chính phủ có thể tìm kiếm những tài năng nổi trội. Tại Việt Nam, sự phát triển của các không gian văn hóa sáng tạo đang diễn ra đầy hứng khởi. Từ 40 không gian sáng tạo vào năm 2014 đã tăng lên trên 200 không gian sáng tạo năm 2023. 

“Mối quan tâm đến các không gian sáng tạo từ các tập đoàn hay công ty lớn cũng có chiều hướng càng gia tăng. Một số tập đoàn cùng một số công ty lớn khác đã và đang xây dựng những dự án không gian sáng tạo quy mô…”- bà Uyên Ly nhấn mạnh.

Dù nhận thấy sức mạnh từ các không gian sáng tạo trong phát triển CNVH, thế nhưng để phát huy giá trị của những không gian này vẫn còn những bất cập, trong đó có khoảng trống về chính sách ưu đãi, hợp tác công - tư. Theo bà Uyên Ly, hiện không có tư cách pháp lý đặc thù nào dành cho những không gian văn hóa sáng tạo. Dưới hệ thống thuế và Luật Doanh nghiệp, họ có thể là “hộ kinh doanh”, “công ty trách nhiệm hữu hạn”, “công ty cổ phần”, trong khi với cộng đồng, họ quảng bá cho mình như một tổ chức phi lợi nhuận, một tổ chức giáo dục, một tập hợp các nghệ sĩ, một không gian làm việc chung; hay chỉ đơn giản là một “không gian sáng tạo”.

 “Nhận thức về sức mạnh của CNVH và các đặc thù của không gian văn hóa sáng tạo trong tổng thể kinh tế sáng tạo còn chưa đồng đều. Chưa có sự quyết liệt và chuyển biến thực sự từ chính sách, đặc biệt là cải tiến về thuế và hạn mức chi trong hợp tác công - tư…”- bà Uyên Ly nói.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam vừa qua, ghi nhận thực trạng cùng các vấn đề đang đặt ra nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, sức mạnh của CNVH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo dành gói tín dụng ưu đãi, trước mắt khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng cho CNVH. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng; tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành CNVH… Đây là những hy vọng, kỳ vọng lớn để CNVN đột phá, bứt tốc trong năm 2024 cũng như tương lai gần. 

Theo hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn, người đã thực hiện nhiều công trình không gian sáng tạo nổi tiếng tại Hà Nội như phố tranh bích hoạ Phùng Hưng, hiện nay các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam xuất hiện khá đầy đủ trong “bức tranh” CNVH như: Mỹ thuật, âm nhạc, thiết kế, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc, thời trang… Tuy nhiên, tất cả đều là những lĩnh vực cục bộ, tư duy liên kết, liên ngành còn yếu. Hơn thế, mỗi lĩnh vực sáng tạo còn rất nhiều vấn đề nội tại, ở mức độ phát triển khá thấp, thiếu tư duy chuyên nghiệp liên tục cập nhật với khu vực và thế giới. 

“Điều quan trọng và cốt yếu nhất là thiếu sự đầu tư vào văn hóa nói chung cũng như những chuyên ngành sáng tạo nói riêng. Chúng ta đang thiếu “bột” để có thể “gột” nên “hồ”…”- họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.
Minh chứng cho thực trạng “thiếu bột để gột nên hồ” có thể thấy qua những khoảng trống về những chính sách ưu đãi cho CNVH. Đơn cử như trong điện ảnh, từ góc nhìn của một doanh nghiệp đã hoạt động 27 năm lĩnh vực này, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD - công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video cho biết, những người hoạt động trong ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn như: Nguồn vốn vay cho văn hóa khó tiếp cận; bảo hộ bản quyền còn nhiều thách thức; thủ tục hành chính rườm rà; chưa có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa…

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, theo thống kê của Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỉ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN; năm 2023 đạt khoảng 2,144 tỉ USD. Những con số cho thấy quảng cáo Việt Nam có tiềm năng và dư địa rất lớn. Tuy vậy, hoạt động này tại Việt Nam vẫn bị chi phối, ràng buộc bởi những yếu tố đặc thù về văn hóa, con người, các mối quan hệ xã hội, kinh tế… nên đứng trước rất nhiều thách thức về cơ sở pháp lý. Các luật, nghị định, văn bản pháp luật liên quan chưa có sự đồng nhất.

Xung lực mới cho công nghiệp văn hóa 
Khẳng định vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng trong phát triển CNVH, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy CNVH bằng việc tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là "khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng, có đủ nguồn lực để trang trải". Hiện nay, việc Nhà nước tham gia thị trường và mua dịch vụ công trong rất nhiều lĩnh vực có vướng về cơ chế xác định giá, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình thẩm định phức tạp. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam, thời gian qua, những thay đổi về thể chế đã tạo sự bứt phá của một số ngành như du lịch văn hóa, điện ảnh, thời trang… trong việc trở thành một ngành kinh tế và tạo nên nhân tố thúc đẩy thị trường văn hóa phát triển. Nhưng bên cạnh đó, đối với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm để tạo nên thành công chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong khi đó, có một mẫu số chung trên bản đồ văn hóa thế giới là những quốc gia chuyển hóa tốt nhất nguồn tài nguyên văn hóa thành sức hấp dẫn, cạnh tranh của các ngành CNVH trong mối liên kết với các trụ cột phát triển luôn có tiền đề vững chắc cho sự phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời có khả năng ứng phó hiệu quả trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đặt ra trong quá trình phát triển.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa chia sẻ kinh nghiệm, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện, đồng thời có tính đột phá nhằm tạo xung lực mới trong chính sách phát triển các ngành CNVH. Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện đồng bộ thể chế gắn kết chính sách phát triển CNVH sáng tạo trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Bên cạnh ban hành các bộ luật mới hoặc sửa đổi, cập nhật các luật trong lĩnh vực văn hóa, để tạo môi trường thuận lợi cho các ngành CNVH phát triển, cần ban hành, sửa đổi và thực thi đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, thuế, công nghệ thông tin và truyền thông… bảo đảm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo cũng được hưởng lợi. Tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa...

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, điểm mấu chốt trong quá trình triển khai các hoạt động của nền kinh tế sáng tạo và CNVH là có chính sách rõ ràng để thu hút nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia, đặc biệt là điều chỉnh công cụ thuế như nhiều nước phát triển đã tiến hành. Vấn đề mấu chốt này nhiều lúc chính là “điểm nghẽn” dẫn tới không thu hút được sự quan tâm mang tính phổ quát của nền kinh tế, cả người sáng tạo và thị trường chưa tìm được tiếng nói chung.

Từ góc độ của một trung tâm phát triển CNVH của cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành CNVH. Đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển, định vị bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương, hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực thúc đẩy ngành CNVH Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.