“Bản hùng ca chiến thắng” của một Hà Nội hiên ngang, anh dũng

Hương Thịnh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cách đây 50 năm, một trận tập kích hàng không chiến lược mang mật danh Linebacker II của Lầu Năm Góc tấn công nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và vùng phụ cận, tham vọng “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Song, với ý chí và quyết tâm mãnh liệt của dân tộc, quân và dân Hà Nội đã anh dũng, ngoan cường đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

“Bản hùng ca chiến thắng” của một Hà Nội hiên ngang, anh dũng - ảnh 1
Các tiết mục văn nghệ ấn tượng tại điểm cầu Cột cờ Hà Nội ảnh: LĐ

Hà Nội mãi xứng đáng là “niềm tin và hy vọng”
Câu chuyện về 12 ngày đêm khói lửa ấy đã được dựng lại một cách chân thực, đầy xúc động trong cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng”- chương trình nghệ thuật đặc biệt được truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội, Đài Tưởng niệm Khâm Thiên và Trận địa tên lửa Chèm do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện. 

Xuyên suốt chương trình, thông qua hiệu ứng của ánh sáng, các tiết mục nghệ thuật và đặc biệt là trò chuyện với các nhân vật là nhân chứng lịch sử từng tham gia trực tiếp chiến đấu, khán giả như được sống lại 12 ngày đêm hào hùng tháng 12/1972 của quân và dân Thủ đô.

Bắt đầu từ đêm 18/12/1972, những chiếc “Siêu pháo đài bay B-52” mang cái chết đến từ trên không rầm rộ tiến vào vùng trời Hà Nội, Hải Phòng. Thủ đô hiên ngang bước vào trận đánh quyết định sống còn bằng chính tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Suốt 12 ngày đêm, Hà Nội đã dũng cảm đối đầu với B-52 bảo vệ phẩm giá của mình và cũng là bảo vệ tự do và danh dự của nhân loại. Ý chí sắt thép của quân và dân Hà Nội đã hóa thân vào “rồng lửa Thăng Long”, “vít cổ” những “siêu pháo đài bay” của giặc Mỹ. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn, người chỉ huy cao nhất của Tiểu đoàn 77 cách đây đúng nửa thế kỷ kể: “Nếu so với lối đánh được huấn luyện rất kỹ từ trước - “bắn ba điểm” thì đánh “vượt nửa góc”- nguy hiểm nhưng hiệu quả. Chỉ cần ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, các trắc thủ không thao tác nhanh gọn, dứt điểm, đặc biệt là toàn đội không có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ thì máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa ngay tức thì”.

Với tinh thần “dám đánh”, “quyết đánh” và “quyết thắng”, trong 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 77 đã đánh 18 trận, trong đó 14 trận bắt mục tiêu; 10 trận hoàn toàn đưa khí tài vào tự động nên xác suất đạt 98%; làm nên “Trận địa Chèm huyền thoại”.
Tại điểm cầu Cột cờ Hà Nội, hòa chung với câu chuyện của các nhân chứng lịch sử là những tiết mục nghệ thuật với các ca khúc: "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng" (Sáng tác: Phan Nhân), "Hà Nội những đêm không ngủ" (Sáng tác: Phạm Tuyên) với điểm nhấn là sự ra đời của những ca khúc này.

Trong hoàn cảnh ấy, những thi sĩ, những văn nhân hay bất cứ người dân nào của Hà Nội vẫn giữ vững tinh thần thép và lạc quan hiếm thấy.

Một Hà Nội bất khuất, kiên cường
Sau vệt bom rải thảm đêm 26/12/1972, 534 ngôi nhà ở Khâm Thiên đã bị san phẳng, 287 người chết, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em và 94 phụ nữ; 290 người bị thương và 178 trẻ em trở thành mồ côi sau đêm định mệnh đó.

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự nhớ lại một hình ảnh vô cùng dữ dội, ám ảnh mà ông tận mắt chứng kiến: Có một phụ nữ hôm đó đã chết đứng dưới gầm cầu thang, trên tay vẫn bế đứa con mình. 

“Hình ảnh ấy gợi cho tôi ý tưởng làm một bức tượng rất có giá trị tố cáo, một chân của bức tượng nhấc lên, đè lên quả bom, thể hiện sự bất khuất, kiên cường và sẽ chiến thắng. Tôi muốn nói, người dân Hà Nội không phải vì đau thương như thế mà lụi ý chí chiến đấu”- nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tự nói. 

“Bản hùng ca chiến thắng” còn đưa người xem đến với những thước phim tư liệu kể về nữ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai Ngô Thị Ngọc Tường. Người con gái Hà Nội, nữ bác sĩ ấy đã mãi mãi ra đi sau trận bom kinh hoàng ngay trước ngày cưới. Chiếc váy cưới trở thành áo liệm chị trong ngày đưa tang.

Nhắc lại về những ngày đó, ông Lê Đình Giật, nhân chứng sống ở Khâm Thiên không kìm được nước mắt. Lúc đó, ông Giật mới 17 tuổi, một thanh niên với nhiều hoài bão và ước mơ. “Tôi nhớ hôm đó khi nhạc hiệu của Đài truyền thanh Hà Nội phát kịch đêm khuya vừa dứt, thì tiếng còi báo động cũng vang lên, tôi cùng mọi người chạy xuống hầm trú ẩn. Khi tôi chạy xuống hầm, tôi còn nhắc với mọi người hãy ngồi hai vai vuông góc với thành hầm, hai tay đặt lên đầu gối, vừa nhắc được một lúc thì căn hầm tôi bỗng chao đảo”- ông Giật kể. 

Bị vùi trong đống đổ nát, lúc lên khỏi mặt đất, đập vào mắt ông là cảnh tan hoang của phố phường. “Trong ánh đèn xa rọi tới, tôi thấy nham nhở những hố bom và lúc đó chỉ có hai bàn tay thôi, tôi vội vàng bới những người thân của gia đình mình còn nằm sâu trong lòng đất, nhưng họ không bao giờ trở lại. Đêm hôm đó bố tôi, mẹ tôi và chị tôi đã ra đi mãi mãi”- ông Giật chan chứa nước mắt kể. 

Hà Nội đã trải qua những ngày đau thương như thế, nhưng nói như MC Bảo Anh: “Mất mát chính là “bệ phóng” của những chiến công, đau thương càng khiến Thủ đô thêm sắt đá. Mỗi người Hà Nội tự tay mình cầm từng viên gạch Khâm Thiên, Bạch Mai, An Dương, Mễ Trì, Đông Anh còn “rớm máu” và “nóng” hơi bom để xây đắp nên “bức tường” quyết thắng của lòng mình, quyết tâm giáng trả B-52 trên bầu trời Hà Nội. Cầu truyền hình “Bản hùng ca chiến thắng” đã nói lên được thông điệp ấy, làm nổi bật được giá trị lịch sử của chiến thắng khiến người xem rơi nước mắt vì xúc động cùng tự hào, khắc ghi sâu hơn trong trái tim mình chiến thắng 12 ngày đêm oanh liệt ấy. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.