Bảo tồn cụm di tích chùa Trầm - Trăm Gian
(PNTĐ) - Trước thực trạng xuống cấp và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch của cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian, nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích đã được các chuyên gia đề xuất.
Chùa Trầm còn có tên gọi là Long Tiên tự, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ bảy (1669); Chùa Trăm Gian có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự”, theo truyền thuyết chùa Trăm Gian có từ thời Lý Cao Tông (1185). Đây là hai trong "Tứ đại danh thắng của xứ Đoài”.
Tại Hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích quốc gia chùa Trầm, chùa Trăm Gian” do Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội tổ chức diễn ra tuần qua, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, trước hết, phải nhấn mạnh tính đặc thù của chùa Trăm Gian ở chỗ có sự kết hợp giữa hai yếu tố Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Đây là một trong 27 ngôi chùa Tiền Thánh Hậu Phật vốn có ở đồng bằng Bắc Bộ, một dạng thức chùa/đền độc đáo của người Việt. Trong khi đó, chùa Trầm thể hiện rõ nét sự hỗn dung giữa Phật giáo và Đạo giáo. Ngôi chùa không chỉ là di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Bác Hồ từng về thăm và làm việc, mà còn là địa điểm sơ tán đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam khi rời Hà Nội để tiếp tục phát thanh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tại đây, sáng 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khẳng định những giá trị đặc biệt của cụm di tích, các nhà khoa học cũng lưu ý, việc chưa khai thác được giá trị của di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian là đã để lãng phí một tài nguyên giá trị. Do ảnh hưởng của thời gian và các yếu tố lịch sử, cụm di tích hiện trong tình trạng xuống cấp. TS. Nguyễn Doãn Văn, Giám đốc BQL di tích danh thắng Hà Nội cho biết, các di tích có “tuổi đời” lâu, thường phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của thời tiết, chiến tranh và sự hủy hoại của con người, đã và đang ngày càng xuống cấp hoặc trở thành phế tích.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng lưu ý về giá trị di sản văn hóa Phật giáo gắn với du lịch tâm linh ở cụm di tích chùa Trăm Gian - chùa Trầm là trường hợp tiêu biểu. Ông cho rằng, cụm di tích này là tài nguyên du lịch lớn, nhưng muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của cụm di tích. Các dự án bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững phải lấy nguyện vọng, nhu cầu của người dân địa phương và du khách làm điểm xuất phát.
TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bày tỏ điều đáng tiếc là dù có những giá trị đặc biệt nhưng cả hai ngôi chùa hiện nay đều chưa thật sự được khai thác triệt để trở thành điểm đến đối với du khách, tạo nên một trong những sức mạnh của nền công nghiệp văn hóa, vốn đang là một lợi thế của Thủ đô.
PGS.TS Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán - Nôm nhấn mạnh, trong bảo tồn cụm di tích, cần cố gắng bảo tồn hiện trạng tự nhiên, không cho phép việc phá núi đồi, đất đai, lấp ao hồ để xây dựng trong phạm vi quy định và dự kiến quy hoạch. Việc tu sửa, nâng cấp về kiến trúc xây dựng cũng như tượng thờ, hiện vật cần được tuân thủ theo quy định chung. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa chùa Trầm và chùa Trăm Gian, đáp ứng nhu cầu văn hóa du lịch.
Các chuyên gia hy vọng, tới đây sẽ sớm có một dự án được lồng ghép trong dự án tổng thể “Tu bổ, tôn tạo cụm di tích chùa Trầm - chùa Trăm Gian” được thực hiện để bảo tồn và phát huy giá trị di tích được tốt nhất, phục vụ du lịch, phát triển công nghiệp văn hoá.