"Bình minh đỏ" - Sống dậy những ký ức hào hùng

Chia sẻ

Bộ phim điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng “Bình minh đỏ” vừa ra mắt khán giả Thủ đô nhân kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022). Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời không thể nào quên trong lịch sử dân tộc vẫn hiện hữu thật chân thực, sống động qua từng thước phim đong đầy cảm xúc.

Tôn vinh những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng

Phim có bối cảnh sau Tết Mậu Thân 1968, chiến sự ngày càng khẩn trương, ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong để đào tạo lái xe vận tải trung chuyển cho chiến trường. Trung đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh ra đời với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn.

Chuyện phim xoay quanh 4 nhân vật Châu, Hân, Sa, Thương, những cô gái còn rất trẻ được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến và chở thương bệnh binh, tử sỹ từ các chiến trường về hậu phương. Mỗi cô gái tuổi đôi mươi ấy đến chiến trường từ những hoàn cảnh riêng, nhưng đều chung quyết tâm không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho thắng lợi cuối cùng. Chứng kiến tình đồng chí cao cả, tinh thần quả cảm của đồng đội chấp nhận hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ trong những chuyến xe ngày đêm xuyên qua mưa bom bão đạn, các cô gái đã nhanh chóng trưởng thành, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để cùng sát cánh bên nhau trên những cung đường ác liệt.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ, “Bình minh đỏ” lấy cảm hứng từ Trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, tôn vinh những nữ chiến sĩ lái xe anh hùng và những người lính đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc. Tấm gương của các cô, các chị là động lực tiếp thêm nguồn sức mạnh để êkip nỗ lực thực hiện bộ phim với nhiều xúc cảm chân thực nhất”.

Điều đặc biệt với “Bình minh đỏ” là một số thành viên của Trung đội nữ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa - là nguồn cảm hứng và nguyên mẫu của một phim, đã tham gia vào phim như một thành phần của ê kíp thực hiện bộ phim.

Sau khi xem phim, bà Nguyễn Thị Hòa, Trung đội trưởng Trung đội nữ lái xe Trường Sơn xúc động cho biết, bà và các đồng đội không nghĩ rằng những năm tháng tuổi trẻ đầy khó khăn, gian khổ của mình lại được tái hiện sống động đến thế trong “Bình minh đỏ”.

Chiến tranh đã lùi xa, những chiếc xe họ đã lái, những cung đường họ đã đi qua đã đổi thay theo năm tháng. Nhưng với “Bình minh đỏ”, các cựu nữ lái xe cho biết, họ thực sự thấy mình trong đó, đúng với Trường Sơn năm nào.

Cảnh trong phim “Bình minh đỏ”	Ảnh: NSXCảnh trong phim “Bình minh đỏ”  Ảnh: NSX

Hiểu hơn những hy sinh của thế hệ cha anh

Đảm nhận vai nữ chính, diễn viên Phạm Quỳnh Anh chia sẻ: “Được vào vai một nữ chiến sĩ tuổi 20 lái xe trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, Châu của “Bình minh đỏ” là vai diễn mà em sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời…”. Để chuẩn bị cho vai diễn, Quỳnh Anh đã phải giành nhiều thời gian để tập lái xe, tìm hiểu tâm lý nhân vật. Phạm Quỳnh Anh cũng nói, cô đã học hỏi được rất nhiều từ sự kiên cường của nhân vật Châu. Gây ấn tượng với lối diễn xuất hồn nhiên, nữ diễn viên Phạm Bảo Hân cũng khẳng định, vai Sa trong “Bình minh đỏ” không chỉ là vai điện ảnh đầu tiên mà còn là vai diễn để đời của cô.

Để vào vai các nữ chiến sỹ lái xe được tốt nhất, Bảo Hân và các bạn diễn đã xem rất nhiều những bộ phim tài liệu chiến tranh ngày xưa. Nhóm diễn viên cũng phải tập lái xe gaz ở những cung đường khó để tự thực hiện được những cảnh lái xe trong phim.

“Ai trong đoàn phim cũng phải cố gắng thật nhiều. Nhưng đối với những diễn viên trẻ như Bảo Hân, cơ hội để được vào vai diễn trong một bộ phim chiến tranh cách mạng như thế này thật đáng quý. Vào vai Sa, em cảm nhận được những khao khát và ước mơ cháy bỏng của những cô gái tuổi 20 ngày ấy. Vượt lên tất cả, những cô gái trẻ cùng chung một lý tưởng hy sinh vì đất nước, họ gần như bỏ quên ước mơ củamình để chiến đấu vì nền độc lập dân tộc…”-Phạm Bảo Hân chia sẻ.

Diễn viên Phạm Quỳnh Anh cho biết đến giờ những cảm xúc về Châu của “Bình minh đỏ” trong cô vẫn chưa hề vợi bớt. Cô nói: “Sau khi tham gia phim, thế hệ trẻ như chúng em đã có những bài học quý giá về niềm tự hào, về tình yêu quê hương đất nước. Hy vọng rằng, những thông điệp và bài học đó cũng sẽ được truyền tải đến đông đảo khán giả, đặc biệt trong dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước”.

“Bình minh đỏ” là bộ phim đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng hiếm hoi lâu nay được ra mắt. Kể lại chuyện cũ một thời không chỉ đơn thuần là làm một tác phẩm nghệ thuật mà qua đó, khán giả hôm nay sẽ được hiểu hơn về một thời đã qua, những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh, để hiểu, trân trọng, giữ gìn hơn cuộc sống hoà bình hôm nay.

AN THIÊN

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.