Bước tiến mạnh mẽ của dòng phim kinh dị Việt

Thanh Hằng
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, hàng loạt các bộ phim mang yếu tố tâm linh, kinh dị do Việt Nam sản xuất ra rạp và được công chúng đặc biệt quan tâm đón nhận đã mở ra hướng đi mới cho điện ảnh nước nhà.

Thu hút khán giả bằng nhiều tác phẩm chất lượng

Dòng phim kinh dị - tâm linh luôn mang đến một sức hút rất mạnh mẽ đối với khán giả, bởi nó không chỉ gợi sự tò mò, thích thú khi ra rạp, mà còn mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, từ sợ hãi, bất ngờ và có phim còn mang cả những thông điệp ý nghĩa về nhân quả, cuộc sống. Dòng phim này của điện ảnh Việt Nam hiện nay đang có những bước tiến mạnh mẽ, gây hứng thú với khán giả yêu điện ảnh nước nhà bằng nhiều tác phẩm chất lượng.

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Di Li, phim "Trại hoa đỏ" của đạo diễn Victor Vũ được phát sóng tới gần 200 quốc gia thông qua nền tảng Netflix. Đây được xem là dự án phim dài tập hiếm hoi của Việt Nam khi không chỉ tập trung khai thác vào mảng đề tài trinh thám, kinh dị, mang đậm tính quốc tế mà còn được đặc biệt đầu tư chỉn chu theo chất lượng phim điện ảnh.

Phim hấp dẫn khán giả bởi sự hồi hộp đan xen những tình huống gay cấn khi khán giả được đưa vào không gian âm u của vùng rừng núi hoang sơ nhuốm màu tâm linh kỳ bí.

Bước tiến mạnh mẽ của dòng phim kinh dị Việt - ảnh 1
Một cảnh trong "Tết ở làng địa ngục". (Ảnh: Int)

Hay gần đây hơn là sự thành công của hai bộ phim "Tết ở làng Địa Ngục" và "Quỷ cẩu". "Tết ở làng Địa Ngục" được đạo diễn Trần Hữu Tấn chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên từng gây sốt trong năm 2022 của nhà văn Thảo Trang.

Bộ phim gồm 12 tập đã chinh phục được khán giả nhờ vào các chất liệu kinh dị được lấy cảm hứng từ nền văn hóa tâm linh vốn đã rất đỗi quen thuộc với người dân Việt. Ngoài ra, khán giả còn ấn tượng bởi bối cảnh phim được chọn lựa kỹ càng.

Làng cổ Sảo Há (Hà Giang) mang một vẻ đẹp hoang sơ ma mị làm đậm thêm chất liệu dân gian trong phim, cùng với đó là sự đầu tư mạnh mẽ về trang phục, hóa trang và diễn xuất của dàn diễn viên hai miền Nam - Bắc như Quang Tuấn, Nguyên Thảo, Lan Phương, NSND Ngọc Thư, NSƯT Phú Đôn, NSƯT Văn Báu… càng khiến phim trở nên hấp dẫn hơn.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn sinh năm 1983, cũng đã thành công với rất nhiều phim mang yếu tố tâm linh - kinh dị như "Bắc Kim Thang" (2019) được lọt vào nhánh A Window on Asian Cinema (dành cho phim nổi bật của các đạo diễn châu Á) tại Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc).

Tác phẩm đạt doanh thu 40 tỷ đồng khi phát hành trong nước. Hay phim "Chuyện ma gần nhà" với doanh thu 58 tỷ đồng trở thành một trong những dự án Việt doanh thu cao trong năm 2022.

Tương tự, phim kinh dị "Quỷ cẩu" ra mắt từ ngày 29/12/2023, là phim cuối cùng của năm 2023. Phim đã nắm giữ kỷ lục phòng vé Việt khi đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu nội địa trong suốt 5 tuần. "Quỷ cẩu" có sự tham gia của các diễn viên gạo cội như: NSND Kim Xuân, diễn viên Quốc Quân, nghệ sĩ Vân Dung... Phim được gắn nhãn T18 do chứa nhiều hình ảnh kinh dị "nặng đô".

Bộ phim lấy ý tưởng từ truyền thuyết "Chó đội nón mê" ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, xoay quanh tội ác và nghiệp báo của một gia đình hành nghề giết mổ chó. Phim đã lột tả những tội ác kinh hoàng, những góc tối trong cách sống, góc nhìn nhân sinh và đối nhân xử thế trong một gia đình làm nghề giết mổ chó.

Cuối cùng, những người sống ác đã phải trả giá cho tội ác của mình, đồng thời chịu sự trừng phạt từ chính những linh hồn chó đã bị giết mổ tàn bạo. Phim nhận được nhiều bình luận tích cực từ các khán giả và nhà phê bình không chỉ bởi câu chuyện hấp dẫn, đúng chất kinh dị mà "Quỷ cầu" còn đặc biệt thành công khi lên án nạn săn bắn, giết mổ động vật, lan tỏa thông điệp về nghiệp báo một cách rất mạch lạc.

Bước tiến mạnh mẽ của dòng phim kinh dị Việt - ảnh 2
Hình ảnh đám cưới chuột trên poster của "Kẻ ăn hồn". 
(Ảnh: Đoàn phim cung cấp)

Làm phim kinh dị tưởng dễ mà khó

Nói về khó khăn trong việc làm phim kinh dị, đạo diễn Bá Vũ nhận định: "Làm phim kinh dị tưởng dễ mà khó. Làm không tới thì khán giả sẽ quay lưng. Ma là một hiện tượng siêu nhiên, thực chất chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng, mọi cấm đoán sẽ làm cho thể loại này không phát huy được thế mạnh của nó. Nếu không thể 'cởi trói' khâu kiểm duyệt, nhiều nhà làm phim lẫn nhà sản xuất bắt buộc lựa chọn cách “đối phó” bằng những kịch bản gai góc nhưng có uẩn khúc, có chiều sâu và cái kết phù hợp với đại chúng để đi đường dài".

Nhận xét về phim thuộc đề tài kinh dị Việt trong thời gian qua, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt cho biết: "Dòng phim kinh dị ở Việt Nam trước giờ không phải là mới, tuy nhiên khoảng vài năm gần đây, may mắn lớn nhất đến từ phía các hội đồng duyệt khi họ có sự cởi mở hơn về những vấn đề, chi tiết trong các bộ phim. Từ đó giúp các nhà làm phim có thể thoải mái và tự tin hơn trong việc đầu tư các dự án phim kinh dị".

Còn đối với chất liệu làm phim lấy từ các truyền thuyết dân gian vốn được cho là "dễ thu hút khán giả", đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: "Một trong những lý do khiến tôi làm phim dựa trên yếu tố văn hóa chính là lòng tự tôn dân tộc. Phim có sử dụng yếu tố hoặc chất liệu dân gian luôn tạo ra sức hấp dẫn riêng biệt. Đặc biệt, khi được trình chiếu ở nước ngoài, bộ phim sẽ khơi gợi được sự tò mò, cũng như giúp khán giả nước ngoài hiểu sâu và nhiều hơn về văn hóa nước ta.

Dù vậy, việc làm phim dựa trên chất liệu văn hóa dân gian không dễ dàng. Các nhà làm phim có những thuận lợi nhất định như tư liệu sẵn có, dễ tạo sự mới lạ và thu hút người xem. Tuy nhiên nhà làm phim cũng gặp nhiều thử thách, nhất là ở tính chính xác và không được làm sai những chất liệu muốn thực hiện".

Việc làm phim kinh dị dựa trên các chất liệu văn hoá dân gian được ví như "một mũi tên trúng tới ba đích", khi không chỉ tăng cường sự hiểu biết về văn hoá gian gian Việt Nam cho khán giả, tạo ra các màu sắc riêng cho từng phim mà còn có thể "xuất khẩu" để văn hoá Việt Nam được quảng bá rộng rãi ra thế giới, như cách mà phim kinh dị của nhiều nước như Thái Lan hay Hồng Kông đã làm được.

Nhìn chung, các phim kinh dị ma mị, tâm linh đều có cùng một mô-típ rất khó thay đổi: Một căn nhà ma ám và một nhân vật chính tội nghiệp bị ám hại. Khán giả Việt chắc chắc chắn sẽ trông chờ nhiều hơn vào những mắt xích tâm lý, hay những yếu tố tâm linh mang tính vùng miền, các thông điệp cụ thể để có thể cùng ngẫm ngợi và bàn luận.

Các tác phẩm kinh dị Việt Nam thời gian gần đây đã tạo được nhiều sự khác biệt khi so với các tác phẩm cùng thể loại của các quốc gia khác, đặc biệt trong việc dùng các câu chuyện văn hoá dân gian quen thuộc đưa vào trong phim. Các bộ phim mang những yếu tố quen thuộc với công chúng gợi sự tò mò, từ đó cài cắm những ý nghĩa riêng biệt chứ không chỉ dừng lại ở việc hù dọa.

Ngoài ra, cũng có những bộ phim kinh dị Việt đạt được giải thưởng và công chiếu tại quốc tế như “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn đã gặt hái được 3 giải thưởng tại LHP quốc tế nghệ thuật châu Á - AFAIFF 2021, giải thưởng Bộ phim điện ảnh xuất sắc nhất tại LHP New York và các hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc và Hình ảnh xuất sắc tại LHP London là những tín hiệu vui để kỳ vọng vào sự phát triển của mảng đề tài phim kinh dị Việt.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chuyến xe tử tế tháng 5: Thực hiện “ước mơ của mẹ” tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

Chuyến xe tử tế tháng 5: Thực hiện “ước mơ của mẹ” tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

(PNTĐ) - Nhân dịp ngày 12/5 – Ngày của mẹ,“Chuyến xe tử tế”nằm trong series chương trình truyền hình"Việc tử tế" đã có một hành trình đặc biệt, thực hiện 3 điều ước của mẹ Oanh và các con ở Nhà trẻ em núi Ba Vì- nơi mẹ Oanh đã nuôi dưỡng và chăm sóc những đứa con không cùng máu mủ ruột rà suốt hơn 20 năm qua.
Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

Hà Nội lần đầu tổ chức Lễ hội Sen

(PNTĐ) - Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 dự kiến được tổ chức trong 5 ngày trong tháng 7 tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ. Sự kiện lần đầu được tổ chức sẽ gồm nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, tôn vinh nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen.