“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 16/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2025),

Trưng bày chuyên đề gồm ba nội dung chính: “Trong chốn lao tù”, “Bút sắc, lòng son” và “Gắn kết yêu thương”. Thông qua tư liệu, hiện vật và các hoạt cảnh giàu cảm xúc, trưng bày kể lại những câu chuyện đầy xúc động về các tù chính trị từng bị giam giữ tại Hỏa Lò, những con người dẫu trong khốn khó, tù đày vẫn bừng sáng ý chí chiến đấu, giữ trọn khí phách và niềm tin cách mạng.

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò - ảnh 1
Khai mạc trưng bày có sự tham dự của đông đảo đại biểu, quan khách

Phần mở đầu “Trong chốn lao tù” giới thiệu khái quát về những nhà tù từng được đế quốc và chế độ tay sai sử dụng để giam giữ, đàn áp những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Đó là Nhà tù Hỏa Lò- “địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng năm 1896; Nhà tù Côn Đảo xây từ năm 1862; Khám Lớn ở Sài Gòn -biểu tượng cho nền thống trị của thực dân Pháp tại Nam Kỳ; Trại giam Chín Hầm- nơi chính quyền Ngô Đình Diệm tra tấn, thủ tiêu cách mạng từ năm 1954 đến 1963; và Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi giam cầm chiến sĩ từ năm 1930.

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò - ảnh 2
Trưng bày kể lại những câu chuyện về các tù chính trị từng bị giam giữ tại Hỏa Lò khiến người xem xúc động

Nội dung trung tâm “Bút sắc, lòng son” vinh danh 10 chiến sĩ yêu nước đã dùng ngòi bút làm vũ khí đấu tranh. Đó là nhà báo, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) với những vần thơ đầy khí phách tại Khám Lớn Sài Gòn và Côn Đảo: “Sống mà vô dụng, sống làm chi/ Sống chẳng lương tâm, sống ích gì?”. Là câu chuyện của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 – 1932) với bài thơ “Tạ từ” viết trong xà lim Hỏa Lò, gửi mẹ trước khi hy sinh: “Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây!”. 

Hay câu chuyện cảm động về đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944) với bài thơ “Nhắn bạn” gửi lại trước khi bị thực dân Pháp hành quyết tại Hỏa Lò: Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo đuổi mộng tung hoành/ Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành.

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò - ảnh 3
Hoạt cảnh về cảnh tù đày và ý chí chiến đấu của đồng chí Phạm Hướng và các bạn tù

Trưng bày còn khiến người xem xúc động với câu chuyện của hai chị em Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) và Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Năm 1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt, kết án tử hình, giam tại Bót Catinat, Trại giam Phú Mỹ, Khám Lớn Sài Gòn. Trong thời gian bị giam, bà đã dùng máu mình viết thơ, thể hiện tinh thần bất khuất: Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời.

Còn Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944), người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi tham gia phong trào nữ sinh Trường Đồng Khánh, đã bị bắt, kết án 3 năm tù giam tại Nhà lao Thừa Phủ (Huế). Năm 1942, bị bắt lần thứ hai, bà bị kết án 16 năm tù, giam tại Hỏa Lò. Trong tù, bà vẫn viết thư về cho con gái Võ Hồng Anh, gửi gắm tình yêu thương và lòng son sắt với cách mạng.

Nội dung cuối “Gắn kết yêu thương” khơi dậy tình cảm thiêng liêng của gia đình, tình đồng chí, đồng đội qua những bức thư, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trong thăm nuôi, thể hiện sâu sắc bản lĩnh kiên cường và sức mạnh tinh thần vượt lên khổ đau.

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò - ảnh 4
Những giọt nước mắt đã lặng lẽ rơi xuống 

Tại lễ khai mạc, khán giả xúc động khi theo dõi hoạt cảnh tái hiện câu chuyện của đồng chí Phạm Hướng – cán bộ Đoàn chuyên trách phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội bị bắt năm 1949, giam giữ tại Hỏa Lò. Khoảnh khắc hội ngộ bạn tù và giây phút gặp người thân trong lần thăm nuôi cuối trước khi bị đày ra Côn Đảo khiến nhiều người rơi lệ.

Buổi lễ còn có sự hiện diện của đông đảo thân nhân các chiến sĩ cách mạng từng bị giam tại Hỏa Lò. Anh Võ Biên Cương, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chia sẻ: “Những hy sinh, mất mát của thế hệ trước là bài học vô giá để thế hệ sau thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay. Lịch sử cần được nhắc lại thường xuyên để lan tỏa tinh thần yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc.”

“Bút sắc, lòng son” – Trưng bày xúc động về ý chí người chiến sĩ cách mạng trong ngục tù Hỏa Lò - ảnh 5
Hình ảnh đẹp trong ngày khai mạc Trưng bày 

Chuyên đề “Bút sắc, lòng son” là bản anh hùng ca của những con người biến ngục tù thành chiến trường, biến ngòi bút thành vũ khí. Những vần thơ, bức thư, dòng máu viết lên trang giấy không chỉ là minh chứng của lòng quả cảm mà còn là thông điệp gửi đến thế hệ hôm nay: hãy sống xứng đáng với những gì cha ông đã hy sinh. Trưng bày sẽ kéo dài đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Thủ đô đón mùa lễ hội

Du lịch Thủ đô đón mùa lễ hội

(PNTĐ) - Du lịch Thủ đô đang trên đà phát triển ấn tượng với những con số kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2025. Với mục tiêu đón đầu làn sóng du khách dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Sở Du lịch Hà Nội đã chính thức công bố hàng loạt sản phẩm mới, từ tour đêm huyền ảo đến những cung đường di sản độc đáo, sẵn sàng đưa Thủ đô thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.