Ca sĩ Trọng Tấn yêu âm nhạc cách mạng từ trong tiềm thức

Chia sẻ

Trọng Tấn nói, lẽ ra anh đã có thể có một tương lai khác khi từng 2 lần có cơ hội đi du học ở nước ngoài, nhưng anh đã từ chối vì rất yêu âm nhạc Việt Nam, yêu những ca khúc cách mạng, nên chọn ở lại.

Trọng Tấn và con trai Tấn Đạt trên sân khấuTrọng Tấn và con trai Tấn Đạt trên sân khấu

Âm nhạc cách mạng ở trong tim từ khi còn nhỏ

Có nhiều người hỏi Trọng Tấn, anh đến với âm nhạc cách mạng từ khi nào, tại sao lại lựa chọn dòng nhạc này? Trọng Tấn kể, từ khi còn nhỏ, ở nhà anh thường mon men nghe bố và các bác hàng xóm từng tham gia chiến đấu ngồi bên ấm trà kể chuyện chiến trường xưa, chuyện những năm tháng hào hùng mà khốc liệt, kể về trận đánh giải phóng miền Nam ra sao. Bố Trọng Tấn là bộ đội phục viên, ông không chỉ kể cho anh nghe chuyện chiến đấu, mà còn hay hát những ca khúc cách mạng. Bởi thế, ở trong cậu bé Trọng Tấn, những ca khúc cách mạng đã “ngấm” từ lúc nào không hay. Từ khi còn nhỏ, Trọng Tấn đã thuộc nhiều bài hát cách mạng theo lời ca của bố. Thế nên, khi lớn lên bước vào con đường âm nhạc, chỉ cần chạm đến các ca khúc cách mạng là Trọng Tấn như hát lên từ trái tim, từ tiềm thức của mình. Sự thành công của Trọng Tấn với danh xưng “ông hoàng nhạc đỏ” mà công chúng ưu ái gọi anh, chính là nhờ một phần lớn từ tình cảm dành cho những người lính, từ những ca khúc mà bố anh thường hát.

Từ nhỏ, Trọng Tấn mơ sẽ trở thành một sĩ quan lục quân. Tình yêu màu áo lính từ thế hệ của bố và những đồng đội của bố đã ảnh hưởng không nhỏ đến Trọng Tấn. Gia cảnh khó khăn khiến Trọng Tấn phải nghĩ đến rất nhiều con đường được đi học nhưng không phải đóng tiền học. Tuy nhiên, giấc mơ trở thành sĩ quan lục quân của Trọng Tấn thất bại chỉ vì chiều cao và cân nặng không đáp ứng tiêu chuẩn. Không đạt được mơ ước, Trọng Tấn nghĩ đến những dự định tiếp theo là học kinh doanh hoặc kiến trúc. Đúng lúc ấy, một người quen của Trọng Tấn khuyên Trọng Tấn hát hay như thế thì thử đi thi ở Nhạc viện (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Chỉ cần nghe thấy được đi học là Trọng Tấn mừng lắm. Thế là anh khăn gói đi ngay ra Hà Nội để thi khi mà trước kỳ thi tuyển chỉ còn ít ngày.

Đã nhận ở cuộc đời rất nhiều

Trọng Tấn nói, anh mới quay trở lại vai trò một giảng viên thanh nhạc tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bên cạnh ca hát thì việc đào tạo thế hệ trẻ, truyền dạy cho các em những kiến thức, kinh nghiệm cũng là niềm đam mê của anh. “Tôi đã nhận được ở cuộc đời này quá nhiều, được nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô nên bây giờ phải có trách nhiệm để giúp đỡ các em học trò để các em có thể phát huy bản thân”- Trọng Tấn chia sẻ. Bởi vậy, con đường nghệ thuật của Trọng Tấn hôm nay không đơn thuần là con đường của một nghệ sĩ biểu diễn, mà còn là trọng trách của một người thầy.

Không chỉ là người thầy với các học trò, Trọng Tấn còn là người thầy của chính các con mình. Trong chương trình “Con đường âm nhạc 2021” số đầu tiên về Trọng Tấn do Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng trên VTV1 tối 25/1, Trọng Tấn lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu cùng một học trò đặc biệt cũng chính là con trai lớn của anh - Tấn Đạt. Hai bố con Trọng Tấn đã cùng hát ca khúc “Áo mùa đông” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tấn Đạt cao lớn hơn bố khá nhiều, giọng ca cũng có sự tươi sáng, hào sảng, dù rằng Tấn Đạt mới 16 tuổi. Trọng Tấn kể, 4 năm trước Đạt thi đậu và học ngành trống Jazz tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 1 năm trước Trọng Tấn chợt phát hiện thấy con trai mình… hát được. Thế là, Trọng Tấn thử luyện thanh cho con trai và quyết định đưa “thành quả” của mình lên sân khấu trong đêm nhạc khắc họa “Con đường âm nhạc”.

Trên con đường sự nghiệp của mình, Trọng Tấn cũng hy vọng “cái cây âm nhạc” của anh sẽ tiếp tục gieo được những “hạt mầm” tốt từ thế hệ trẻ. Những thế hệ sẽ theo nhau lớn lên góp phần cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam vững mạnh.

Nam Phong 

Tin cùng chuyên mục