Cần chế tài ngăn “nhạc rác” lên nền tảng số

Chia sẻ

Thời gian gần đây, nhiều MV có ca từ dung tục, nội dung phản cảm, vượt qua chuẩn mực đạo đức xã hội rộ lên trên mạng xã hội… gây bức xúc với khán giả.

Rapper Chị Cả Rapper Chị Cả "Censored" vừa lên tiếng xin lỗi khán giả và cho biết sẽ xóa/ ẩn tác phẩm "Censored" gây tranh cãi Ảnh: Int

Bức xúc với nhạc dung tục, phản cảm

Liên tiếp nhiều tác phẩm được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội hiện đang bị phản ứng dữ dội. Trong đó, ca khúc "Censored" của Chị Cả - thí sinh King of Rap, nhận chỉ trích nặng nề vì nội dung bị cho là dung tục, có ca từ về quan hệ loạn luân, trái thuần phong mỹ tục về bố chồng, nàng dâu. Ngay khi được đăng tải, nhiều tài khoản sử dụng làm nhạc nền cho video đăng trên Tiktok. Trên Youtube, Facebook, ca khúc có nhiều phiên bản, thu hút hơn hàng trăm nghìn lượt xem.

Trước sự bức xúc của nhiều khán giả, Rapper này đã lên tiếng xin lỗi và cho biết sẽ xóa/ ẩn bản nhạc nói trên, đồng thời liên hệ với TikTok để đánh dấu bản quyền đoạn âm thanh được lấy từ ca khúc "Censored".

Ngoài ra, nhiều ca khúc có ngôn từ nhạy cảm khác cũng đang được phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội trong nước thời gian qua như: MV “Cypher nhà làm” do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành, nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. Ca khúc “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy có phần lời bị cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ; "Cắm sừng ai đừng cắm sừng em" của Phí Phương Anh cũng bị dư luận lên án...

Trước đó, nhóm Rap “Nhà làm” đã chia sẻ một bản nhạc có tên “Thích Ca Mâu Chí” với nội dung báng bổ Phật giáo. Sản phẩm trên đã bị cộng đồng Phật tử tại Việt Nam lên án gay gắt, yêu cầu các rapper đứng sau sản phẩm phải xin lỗi và gỡ bỏ. Vừa qua, nhóm tác giả của "Thích Ca Mâu Chí" đã đến chùa Quán Sứ để xin lỗi và sám hối, đồng thời xóa hoàn toàn bài nhạc gốc trên YouTube và các nền tảng nghe nhạc khác...

Có thể thấy, việc nhiều ca khúc có ngôn từ dung tục gần đây rộ lên như trào lưu. Đáng nói là loại nhạc này ngày càng được nhiều người biết đến nhờ vào các clip "biến hình" trên nền tảng TikTok. Không chỉ khán giả phản đối, nhiều nghệ sĩ trong giới âm nhạc cũng lên tiếng cho rằng không thể chấp nhận loại nhạc tục tĩu này, cần phải loại trừ, bởi âm nhạc là phải hướng người nghe tới chân, thiện, mỹ.

Tăng cường quản lý sản phẩm nghệ thuật trên internet

Giới chuyên môn nhận định nhạc nhảm phổ biến do khâu phát hành dễ và sự phát triển bùng nổ của các mạng xã hội. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng trước kia khi muốn phát hành ca khúc, nghệ sĩ phải nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt, cấp giấy phép mới phổ biến tới công chúng. Nhưng hiện nay, các cá nhân có thể tự thu âm, sản xuất MV để đăng lên mạng, việc xuất hiện các ca khúc nhảm cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng. Ngôn từ nhạy cảm, dung tục sẽ gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ - đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Thực tế, việc phát hành sản phẩm âm nhạc trên các kênh trực tuyến, nền tảng mạng xã hội là xu thế phổ biến hiện nay. Ở góc độ nào đó, điều này góp phần làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật và đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn.

Nói về thực trạng này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, Cục đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý vi phạm các rapper đã phát hành sản phẩm có nội dung không phù hợp, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Việc đề nghị xử phạt các Rapper này áp dụng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Đồng thời, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, đề nghị gỡ bỏ các nội dung vi phạm.

Ông Lê Minh Tuấn cũng cho biết, theo bộ Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đang xây dựng, những cá nhân phát hành nhạc “rác” này đã vi phạm quy tắc không sáng tác, sản xuất, lưu hành các sản phẩm có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật. Theo ông Tuấn, về lâu dài, vẫn cần có những chính sách, chế tài quản lý rõ ràng và nghiêm minh hơn, vừa khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật sáng tác, sản xuất, đăng tải các sản phẩm có nội dung chất lượng nghệ thuật tốt trên các kênh mạng xã hội. Đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm ra các sản phẩm có nội dung thiếu chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định pháp luật.

VI THỤC

Tin cùng chuyên mục