Cần “cú hích” cho công nghiệp văn hóa Thủ đô

MỘC MIÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), theo các chuyên gia văn hóa nhận định, bức tranh về CNVH nói chung, văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, phát huy tiềm năng, tạo “cú hích” đột phá.

Cần “cú hích” cho công nghiệp văn hóa Thủ đô - ảnh 1
Hà Nội có nhiều dư địa phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo từ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Ảnh: Int

“Sức mạnh mềm” từ công nghiệp văn hóa 
Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hướng tới việc nâng cao giá trị của văn hóa trên mọi phương diện, CNVH đang dần được coi là một động lực, vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Nếu năm 2015, các ngành CNVH đóng góp 2,68% GDP, sau 3 năm triển khai chiến lược CNVH, 12 ngành CNVH đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỉ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động có việc làm trên cả nước…

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) khẳng định, phát triển CNVH là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”, định vị “sức mạnh mềm” của văn hóa. 

Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2025, công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GRDP của thành phố, 8% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội cần khai thác những tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi, so với các tỉnh, thành khác, Hà Nội được xem là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phong phú và đa dạng, đó chính là chất liệu và nguồn cảm hứng sáng tạo cho các ngành CNVH của Thủ đô.

Tại hội thảo nhìn lại 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, UN-Habitat, Sở Văn hóa Thông tin (VHTT) Hà Nội vừa thực hiện ngày 12/9, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhắc lại, tháng 9/2016, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành.

Ba năm sau, tại Bảo tàng Hà Nội diễn ra một Hội thảo quốc tế đầy ấn tượng truyền tới mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên toàn cầu một quyết tâm, mong muốn Hà Nội sẽ là đột phá đầu tiên của chiến lược bằng việc trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN).

Ngày 30/10/2019 đã đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của Hà Nội trong mạng lưới toàn cầu. Cuộc hội tụ nhìn lại 5 năm triển khai Chiến lược này là một dấu mốc tiếp tục tìm tiếng nói chung cho những giải pháp tạo nên sự đổi thay theo hướng bền vững và hội nhập.

Đề cập đến những kết quả đạt được của CNVH tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, ông Kiều Việt Cường - UN-Habitat tại Việt Nam - cho biết, đóng góp của các ngành CNVH đạt 3,61% GDP vào năm 2019 trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Việt Nam là 3%. Mặt khác, dù thiết kế chưa được cho là thế mạnh CNVH của Việt Nam và của Hà Nội, nhưng việc tập trung phát triển lĩnh vực thiết kế đi đúng với xu hướng phát triển CNVH sáng tạo tại khu vực và trên thế giới cũng đã thúc đẩy sự thay đổi và hướng tới tối ưu hóa nguồn lực của giới trẻ từ nền tảng văn hóa nghìn năm.  

“Định hướng phát triển của Hà Nội dựa trên thế mạnh văn hóa - sáng tạo được cho là một hướng đi thành công trong việc áp dụng kinh tế văn hóa sáng tạo vì sự phát triển của đô thị”- ông Cường nhấn mạnh. 

Nhiều lần lên tiếng trên các diễn đàn, hội thảo về tiềm năng công nghiệp sáng tạo của Thủ đô, theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội.

Đặc biệt, tầm nhìn và thương hiệu của một “Thành phố sáng tạo” sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thách thức phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội 
Sự phát triển CNVH của Hà Nội cũng nằm trong bối cảnh phát triển chung của CNVH cả nước. Các chuyên gia chỉ rõ, dù có nhiều tiềm năng nhưng con đường phát triển CNVH vẫn còn nhiều khó khăn. Việc định vị “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam qua các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp ra thế giới còn không ít rào cản.

Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Trần Hoàng thì khuôn khổ chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chính là một “nút thắt” trong phát triển CNVH tại Việt Nam. Sự chuyển hóa từ chủ trương để đưa ra các chính sách cụ thể cho sự phát triển vẫn chưa có đột phá; còn thiếu vắng các biện pháp tạo môi trường pháp lý về bản quyền, dẫn đến nhiều tranh chấp trong một số lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… Bên cạnh đó còn là sự thiếu vắng các cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, đặt ra bài toán khó cho sự phát triển bền vững.

Không ít sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn thiếu độc đáo, tính ứng dụng chưa cao, chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, thu hút trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhiều thị trường văn hóa trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm CNVH đến từ các cường quốc khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... 

Theo các chuyên gia, Hà Nội là một trong những thành phố giàu tiềm năng phát triển CNVH lĩnh vực âm nhạc nhờ sự hội tụ của nó. Những chương trình nghệ thuật quốc tế ngày càng nở rộ đã chứng minh điều đó.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, tại nhiều quốc gia phát triển CNVH, người dân thường xuyên đi từ thành phố này đến thành phố khác để mua các sản phẩm chất lượng cao của nghệ thuật biểu diễn. Hiện nay cũng đã có những thương hiệu, nghệ sĩ như vậy, những chương trình được bán vé với “giá trên trời”. Tuy nhiên, vẫn cần một hệ sinh thái, với tầm nhìn và sự chung tay để cùng nhau đẩy mạnh sự phát triển CNVH nói chung và CNVH trong nghệ thuật biểu diễn nói riêng.

ThS. Lê Thị Hiên, chuyên gia văn hóa của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam lại đề cập vấn đề khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển CNVH ở thành phố từ những đặc thù của riêng Hà Nội. Theo tác giả, Hà Nội có nhiều lợi thế cho phát triển các ngành CNVH, sáng tạo từ nguồn lực di sản văn hóa, bởi Hà Nội là nơi có hệ thống di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) vô cùng phong phú và đa dạng, có nhiều giá trị. Di sản văn hóa là nguồn vốn, chất liệu và nguồn cảm hứng... cho các ngành CNVH sáng tạo. 

Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển CNVH ở Hà Nội còn gặp một số khó khăn, thách thức. Để khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa trong phát triển CNVH ở TP Hà Nội thời gian tới, cần nâng cao nhận thức của người dân Thủ đô về tầm quan trọng, ý nghĩa của mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa phát huy nguồn lực di sản văn hóa với phát triển CNVH. Đánh giá đúng những tiềm năng, lợi thế của Hà Nội để đưa di sản văn hóa vào phát triển CNVH, góp phần phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần có các chương trình, hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa như các cuộc điều tra, sưu tầm, nhận diện, đánh giá đầy đủ các di sản văn hóa của Thủ đô. Từ đó, có phương án gìn giữ, bảo tồn, khai thác có hiệu quả nguồn lực di sản văn hóa trong xây dựng và phát triển các ngành CNVH.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục