Cần giải pháp đột phá phát triển công nghiệp điện ảnh

Chia sẻ

Sau hơn 14 năm thực thi, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập và cần thiết sớm có một bộ luật mới khỏa lấp những khoảng trống. Sau những tranh luận tại các kỳ họp, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.

Để công nghiệp điện ảnh không còn là “khẩu hiệu”

Theo dự thảo mới nhất, Luật Điện ảnh (sửa đổi) dành Điều 5 cho nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh. Theo đó điều này nhấn mạnh: Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Để điện ảnh Việt Nam trở thành ngành “công nghiệp không khói” và không còn là khẩu hiệu, hầu hết các chuyên gia trong và ngoài giới điện ảnh đều kiến nghị, cần có cơ chế, chính sách tạo hành lang thông thoáng cho điện ảnh phát triển, trong đó, vai trò của Luật Điện ảnh (sửa đổi) là cần có các quy định cụ thể, dành riêng cho việc phát triển công nghiệp điện ảnh.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh hiện hành được xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật.

Trong khi đó, điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay và một vài thập kỷ tới, phát triển điện ảnh Việt Nam chính là phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Khi xác định như vậy sẽ tránh những chồng chéo, trùng lặp về chính sách cho phát triển điện ảnh Việt Nam và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Bà Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh, nền tảng của công nghiệp điện ảnh. Theo đó, cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc chèn ép, lấn át đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng như sự thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp lớn.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHHTTDL) Nguyễn Phương Hòa cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trước sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, sửa đổi Luật Điện ảnh sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh có những phát triển mới trong kỷ nguyên số, phát huy giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế sáng tạo mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và sức mạnh mềm của Việt Nam ra thế giới.

Theo bà Hòa, có thể thấy một số hạn chế của điện ảnh Việt Nam khi vươn mình ra thế giới, trong đó có quá ít phim Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các liên hoan phim, giải thưởng phim uy tín trên thế giới, chưa có những tác phẩm nổi bật, thiếu vắng nhân tài có sức hút với điện ảnh thế giới.

Luật Điện ảnh Việt Nam (sửa đổi) được thông qua là hy vọng tạo đà để phát triển công nghiệp điện ảnhLuật Điện ảnh Việt Nam (sửa đổi) được thông qua là hy vọng tạo đà để phát triển công nghiệp điện ảnh

Cần những giải pháp đột phá

Góp ý dự thảo Luật, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thị Phương Lan cho rằng, ở một số quốc gia, công nghiệp điện ảnh còn phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác như du lịch, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm chức năng, tạo khuynh hướng thẩm mỹ, quảng bá văn hóa… Vì thế, để phát huy thế mạnh của điện ảnh, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng cần có những chính sách để ngành điện ảnh liên kết các ngành công nghiệp khác, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất phim thực hiện được mục tiêu liên kết phát triển.

Tại Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo Báo cáo tổng hợp đề tài “Pháp luật về điện ảnh Việt Nam - thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, để hoàn thiện chính sách nhà nước về phát triển điện ảnh, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam trở thành nền công nghiệp, có vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế... cần phải tiếp cận, hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về điện ảnh, từ các khái niệm cơ bản đến một số vấn đề lý luận pháp luật cũng như kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về điện ảnh ở nước ngoài và trong nước... Nhiều kỳ vọng được đặt ra về những giải pháp đột phá để điện ảnh thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế.

Nhìn lại sự phát triển trong những năm qua, phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị thường điện ảnh. Trước đại dịch, số lượng phim truyện chiếu rạp của Việt Nam từ năm 2014-2020 đã đạt và vượt chỉ tiêu là 36-40 phim/năm.

Nhiều bộ phim đóng vai trò quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch. Bên cạnh dòng phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước, hoạt động sản xuất phim trong khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, xuất hiện nhiều phim có doanh thu cao, đem lại tín hiệu khả quan cho công nghiệp điện ảnh.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược Phát triển điện ảnh đến năm 2030 được Bộ VHTTDL tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần có các giải pháp đột phá nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, để từ đó, nền điện ảnh sẽ có nhiều tác phẩm xuất sắc, chinh phục thị trường cả bằng giá trị nghệ thuật và khả năng “kiếm ra tiền”.

Nhìn từ một góc độ cụ thể và thực tế của người làm nghề, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã quan tâm đến giải pháp về xây dựng cơ chế hợp tác công - tư và các chính sách bảo vệ điện ảnh nội địa. Trên thực tế, các nhà làm phim Việt hiện đang gặp nhiều khó khăn trước sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài, phim Việt thường bị đẩy vào giờ chiếu không thuận lợi và nhiều bộ phim phải nhanh chóng rời rạp vì không có khách. Vì vậy, chính sách pháp luật về điện ảnh cần có giải pháp thực tế hơn cho bài toán này.

Công nghiệp điện ảnh để không còn là “khẩu hiệu”, rất cần những chính sách thay đổi mạnh mẽ mà theo các chuyên gia, hãy từ những phép tính cụ thể để tìm lời giải. Công nghiệp điện ảnh Việt Nam được nhận định có nhiều tiềm năng nên rất cần có một hành lang pháp lý thiết kế các chính sách phù hợp để ngành điện ảnh tận dụng được cơ hội, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo.

THIÊN ANH

Tin cùng chuyên mục