Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc

THÀNH CÔNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đông đảo khán giả đã bày tỏ sự xúc động, nghẹn ngào, không ít người thấm nước mắt khi xem chương trình cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” diễn ra tối qua, 27/7, tại Hà Nội và 5 điểm cầu: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang và An Giang.

Chương trình cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Tham dự chương trình tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Cùng dự còn có nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

 Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc - ảnh 1
Hình ảnh tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

6 điểm cầu thực hiện chương trình đều là những địa điểm mang ý nghĩa lịch sử. Tại Thủ đô Hà Nội là tượng đài Bắc Sơn, tại Thành phố Hồ Chí Minh là Đền Tưởng niệm Liệt sỹ Bến Dược, tại tỉnh Quảng Nam là Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, tại Hà Giang là Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tại Bình Định là Đền thờ Liệt sỹ thị xã Hoài Nhơn và tại An Giang là Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh An Giang.

Trong hơn 2 tiếng diễn ra chương trình, với 3 chương: Những dấu chân hòa bình, Bài ca không quên và Khát vọng hòa bình, cầu truyền hình đã tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

 Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc - ảnh 2
Các đại biểu xúc động trong chương trình (Hình ảnh tại điểm cầu Quảng Nam).Ảnh: TTXVN

Xuyên suốt chương trình, khán giả đã được chứng kiến nhiều câu chuyện, hình ảnh xúc động về những thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân của những người lính đã ngã xuống vì nền độc lập tự do cho đất nước. Hòa vào đó, phần nghệ thuật của chương trình cũng để lại rất nhiều dư âm, cung bậc cảm xúc lay động trái tim với những ca khúc sâu lắng, da diết về người lính, về những mất mát, hy sinh, cùng với đó là những ca khúc hào hùng thể hiện khí phách của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trong cuộc chiến tranh vệ quốc, về niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước bất diệt…

Trải qua 3 chương của chương trình, người xem như được thấy lại những năm tháng hào hùng, kiên cường của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương. Chiến tranh đã qua đi, nhưng di chứng của chiến tranh, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó. Chương trình đã kể những câu chuyện đầy xúc động phía sau cuộc chiến của ngày hôm nay.  

Ở chương 1 "Những dấu chân hòa bình", chương trình đã tái hiện hình ảnh dân tộc ta từ bao đời nay, khi Tổ quốc cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời "ta đã sống và hy sinh vì hòa bình”.

Ngay chương đầu, chương trình giới thiệu Bình Định là nơi chứng kiến phút biệt ly lịch sử khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chào từ biệt cha, dấn thân vào hành trình tìm đường cứu nước. Thế nhưng, khi Bác tìm được đường cứu nước trở về thì đã không thể gặp lại người cha kính yêu. Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành ngày ấy đã là nguồn cảm hứng, là ánh sáng soi chiếu cho biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam sẵn sàng lên đường vì tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc.

Với liên khúc gồm ca khúc "Lá xanh", "Gửi anh đi đầu quân" cùng phần thể hiện của 50 diễn viên trẻ tái hiện lại hình ảnh về cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972, hình ảnh ga Hàng Cỏ với những cánh thư bay gửi người ở lại… tại điểm cầu Hà Nội đã cho thấy khí thế tuổi thanh xuân rực rỡ ngày ấy. Tiết mục này đã khắc họa hình ảnh hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ đã tạm rời xa sách vở, phấn trắng, bảng đen, gác lại hoài bão của tuổi trẻ, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ với lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"!

 Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc - ảnh 3
Tiết mục tái hiện lại hình ảnh về cuộc tổng động viên sinh viên Hà Nội lên đường năm 1971, 1972 tại điểm cầu Hà Nội.Ảnh: TTXVN 

Ở chương này, khán giả đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về "Tuổi 20 giữa bão lửa" của liệt sỹ Huỳnh Kim Trung- người đã viết đơn tình nguyện vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất được gọi là tọa độ lửa, ngày đêm hứng chịu bom đạn Mỹ. "Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa - Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy”- đó là những dòng nhật ký tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, đầy khí thế của người lính sẵn sàng hy sinh xương máu vì Tổ quốc của liệt sỹ Huỳnh Kim Trung. Anh đã ngã xuống khi mới tròn 20 tuổi, nhiệt huyết của anh mãi mãi là tấm gương cho những thế hệ sau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cùng với đó, câu chuyện của bà Trần Thị Dự (74 tuổi) - người con đất Quảng Nam về “một thời hoa lửa” của bà và những cô gái mới 19, 20 ngày ấy đã dũng cảm chiến đấu để bảo vệ mảnh đất quê hương làm khán giả vô cùng biết ơn. Những ca khúc được thể hiện trong chương này như: "Vết chân tròn trên cát"; "Tổ quốc gọi tên mình" càng chuyển tải sâu sắc, xúc động hơn câu chuyện về "Những dấu chân hòa bình".

Chương 2 "Bài ca không quên” chương trình khắc họa câu chuyện về những người còn sống luôn mang trong mình những "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống vì hòa bình. Để ngày hôm nay đất nước, những người đồng đội cũ, những thế hệ con cháu vẫn luôn trăn trở về họ. Khán giả đã lắng nghe câu chuyện về liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh - người lính Vị Xuyên, Hà Giang đã bất khuất hy sinh 38 năm trước khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: "Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử" lan tỏa khắp mặt trận Vị Xuyên. Dòng chữ ấy được truyền tai nhau và trở thành một thứ "vũ khí tinh thần,” một khẩu hiệu sắt đá của những người lính đang ngày đêm chiến đấu thời gian đó.

 Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc - ảnh 4
Hình ảnh tại điểm cầu Nghía trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó là câu chuyện về những gia đình đã được đón người thân đang nằm lại chiến trường trở về nhà nhờ vào phương pháp thực chứng do Đội quy tập K53 và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum thực hiện. Trong đó, có trường hợp liệt sĩ Định Văn Thảo có thông tin trùng khớp với liệt sĩ Đinh Công Thảo. Phóng sự về cuộc đoàn tụ của con gái liệt sĩ Đinh Công Thảo với cha của mình tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum khiến khán giả rơi nước mắt.

Hay câu chuyện của ông Đỗ Thanh Tình, là cháu của liệt sĩ Đỗ Văn Bân đã vô cùng xúc động khi nhận lại kỷ vật của chú mình. Tất cả đều để lại những "Bài ca không quên" trong lòng khán giả. 

 Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình”: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc - ảnh 5
Cuộc đoàn tụ xúc động của con gái liệt sỹ Đinh Công Thảo với cha mình sau 60 năm đỏ mắt chờ mong (ảnh chụp từ màn hình). Ảnh: TTXVN

Kết thúc chương 2, liên khúc "Huyền thoại mẹ" (sáng tác Trịnh Công Sơn) với hình ảnh Mẹ Ngô Thị Lang (100 tuổi) ở Cẩm Phổ, Hội An đã thực sự để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả về hình ảnh người Mẹ Anh hùng. Mẹ Lang có chồng và con là liệt sĩ, mẹ không còn bất cứ kỉ vật, di ảnh nào của con, đến cả mộ cũng vô danh, hiện nằm ở Núi Thành.

Chương 3 "Khát vọng hòa bình" là câu chuyện về "Lời hứa hòa bình" của những người thương binh trở về với hòa bình, mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế” chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang những trang sử mới: trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Mở đầu chương 3, câu chuyện của cựu chiến binh Huỳnh Châu Son - Tri Tôn - An Giang, người dân tộc Khmer đã khắc họa điều đó.

“Khát vọng hòa bình” cũng chính là những lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với những đồng đội đã khuất: Những hy sinh để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, ấm no cho nhân dân, phồn vinh cho đất nước; là câu chuyện về những thế hệ trẻ, mang khát vọng hòa bình vang xa với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì dân tộc.

Chiến tranh đã nằm ở quá khứ. Hiện tại và tương lai đang là hình ảnh những người trẻ đương thời dốc sức dốc lòng, cống hiến cho mảnh đất quê hương, bảo vệ và phát triển những giá trị thiêng liêng mà cha anh để lại.

Với thông điệp "Vươn lên Việt Nam", phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 4 ngày, gặp gỡ các cựu chiến binh nhân 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ đã được phát trang trọng tại chương trình."Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp".

Trong phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ cùng các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần "tàn nhưng không phế," cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Kết thúc chương trình, tổ khúc "Cánh chim hòa bình" và "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" được vang lên hào hùng và thiết tha. Tại 6 đầu cầu đồng loạt cất cao thông điệp: Hiểu về cái giá của hòa bình để nhắc chúng ta phải sống tốt hơn, sống trách nhiệm hơn để rạng danh đất nước. Những cánh chim bồ câu được gửi thay lời ước nguyện "khát vọng sống mãi trong hòa bình" của những người con đất Việt - tận tâm, tận lực làm nên Đất nước muôn đời đã khiến trái tim của hàng triệu khán giả truyền hình bồi hồi, tự hứa với lòng mình như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!".

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục