Chấn hưng và phát triển văn hoá dân tộc
Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội đã mở ra một dấu mốc quan trọng, với nhiều “hiến kế” để xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến cụm từ “chấn hưng, phát triển văn hóa đất nước” và khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn…
Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp,đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ.
"Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực..."- Tổng Bí thư phát biểu và nêu rõ, những yếu kém, bất cập đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người, môi trường văn hoá; cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới.
Tổng Bí thư đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (Ảnh: TTXVN)
Chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, có một điểm chung cốt lõi trên bản đồ văn hóa thế giới, đó là những quốc gia chuyển hóa tốt nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm trong mối liên kết với các trụ cột phát triển khác luôn là các quốc gia có nền tảng vững chắc để phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời có khả năng ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng khó khăn, thách thức của ngày hôm nay cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, kỳ vọng rằng sau Hội nghị có tính lịch sử này, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.
Mong mỏi sự lan tỏa của tinh thần Hội nghị vào dòng chảy văn hóa của dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, chúng ta mong rằng sau Hội nghị, tất cả mọi người, không chỉ những người làm công tác văn hóa mà toàn xã hội, mọi người dân Việt Nam, dù làm gì, ở đâu, dân tộc nào, tín ngưỡng tôn giáo nào, đang trong nước hay nước ngoài... đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn và để cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Chúng ta cũng mong rằng tinh thần không chỉ nằm ở không khí Hội nghị hôm nay mà sau Hội nghị từ nay về sau sẽ thường xuyên được nhắc lại, được cập nhật như Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã nói, chúng ta phấn đấu trong một nhiệm kỳ 5 năm sẽ có Hội nghị như thế này.
“Hiến kế” phát triển nền văn hóa
Cũng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều “hiến kế” để xây dựng, phát triển văn hóa đã được các nhà quản lý, nhà văn hóa và các văn nghệ sĩ chia sẻ. Với những luận điểm sâu sắc, GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định, trong thời kỳ hội nhập, văn hóa không chỉ là tài sản để cất giữ, để tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước, để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế. Trên ý nghĩa này, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa không chỉ dừng ở những hoạt động giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài mà phải có những tính toán dài hơi và hiệu quả, trong đó đặc biệt coi trọng thế mạnh của con người Việt Nam. Theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, bên cạnh việc phát huy sức mạnh mềm, việc làm sống dậy các di sản, di tích cũng là một giải pháp quan trọng. Đến nay, những di sản này chưa được khai thác hiệu quả, phần nhiều mới chỉ được giữ gìn theo cách bảo quản và đôi khi được tôn tạo bằng những khoản kinh phí rất hạn chế...
GS. TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh, phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hoá truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hoá đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp, rồi tới cộng đồng và xã hội.
“Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hoá không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được. Động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có như vậy, động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ một cám dỗ vật chất hay tinh thần nào…”, GS.TS Lê Hồng Lý khẳng định.
Với cương vị Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh việc cần chăm lo tài năng của giới văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ kêu gọi được đầu tư không phải chỉ để lo trả “cái nợ áo cơm”, mà ngày nay còn phải biết từ các nguồn đầu tư ấy làm cho chúng sinh sôi, sinh lời để tái đầu tư bằng cách chủ động, tích cực tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Hơn nữa, trách nhiệm của hoạt động văn học, nghệ thuật là phải chăm lo đến việc giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc và tâm hồn dân tộc, góp phần hình thành “kháng thể văn hóa” trong hành trang hội nhập của các thế hệ người Việt Nam, để sao cho dân tộc ta “hội nhập mà không hòa tan”, “hội nhập để tỏa sáng”.
"Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội…”- Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nêu.
Cũng nhìn nhận về một khía cạnh trong đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất vất vả, chênh vênh. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. “Ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác…”- bà Mùi nhấn mạnh.
Mở rộng hơn, NSND Trịnh Thúy Mùi “hiến kế”, Nhà nước nên đầu tư và kêu gọi đầu tư cho “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật” để đặt hàng sáng tác cho cả các đơn vị công lập và ngoài công lập, tạo sự công bằng, bình đẳng, nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong tiến trình phát triển văn hóa xã hội.
Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Nhưng bên cạnh đó, cần nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém. Trong đó, hạn chế được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hoá chưa được nhận thức một cách sâu sắc, chưa được quan tâm một cách đầy đủ, chưa tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí…
MỘC MIÊN