Trao giải cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I - năm 2022:

Chắp cánh ước mơ bay xa!

Lan-Hương-Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khép lại sau hai tháng phát động (từ ngày 15/6 đến hết ngày 30/8/2022), cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I trên báo Phụ nữ Thủ đô với chủ đề “Bình yên và Mơ ước” đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc và thành công trên nhiều phương diện. Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho tác phẩm “Không gục ngã”- Hành trình của sự sống và ước mơ”của tác giả Chu Thị Thu Hằng, gửi tới thông điệp ý nghĩa và nhân văn, hãy cứ ước mơ và quyết tâm theo đuổi đam mê, dù bạn là ai, dù sống trong hoàn cảnh nào, bạn có quyền được hưởng hạnh phúc.

Chắp cánh ước mơ bay xa! - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội trao giải Nhất cho tác giả Chu Thị Thu Hằng (Sơn Tây, Hà Nội) Ảnh: Nguyễn Thực

Sứ giả của yêu thương 
Bà Lê Quỳnh Trang, Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh trong lễ trao giải tổ chức ngày 23/9, cuộc thi đã thành công trên nhiều phương diện. Thứ nhất, là sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả tham dự, chỉ trong 2 tháng cuộc thi đã thu hút trên 2.000 bài dự thi, một con số kỷ lục. Đối tượng dự thi cũng đa dạng lứa tuổi, thành phần từ học sinh, sinh viên, cán bộ, hội viên phụ nữ đến giáo viên, giảng viên, bộ đội, hưu trí... ở khắp nơi trên cả nước như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, và các tỉnh phía Nam. Thứ 2, nội dung các tác phẩm đều xoay quanh chủ đề của cuộc thi “Bình yên và Mơ ước”. Nhiều tác giả đã chọn lọc để cảm thụ các tác phẩm hướng đến những giá trị cao cả và nhân văn của đời sống. Bình yên trong tâm hồn, bình yên để tận hưởng giá trị của cuộc sống, bình yên cho nhân loại, khao khát hạnh phúc và được sống trong hòa bình, không có chiến tranh, bạo lực và đói nghèo. Có bình yên mới có ước mơ, ước mơ chắp cho con người đôi cánh để làm được những điều phi thường, ước mơ biến những cái không thể thành có thể, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả mọi người. “Độc giả Nguyễn Thúy Hương, một người làm kinh doanh ở Vũng Tàu đã gửi một “tâm thư” đến báo Phụ nữ Thủ đô cùng bài dự thi: “Tôi vô cùng cảm kích với cuộc thi của báo Phụ nữ Thủ đô. Mỗi khi đọc được cuốn sách hay, điều tôi mong mỏi nhất là được truyền đạt lại những điều hay đó đến cho mọi người, để cùng đọc và cùng học tập, suy nghĩ những điều hay từ sách, từ đó có cuộc sống tốt đẹp hơn” - Tổng biên tập Lê Quỳnh Trang cho biết. Phải chăng đó cũng chính là mục đích mà cuộc thi hướng đến, tạo nên một sân chơi ý nghĩa để bạn đọc thả hồn vào những trang sách, cảm thụ văn học và lan tỏa cái hay, cái đẹp từ sách đến cộng đồng. 

Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội:
Cuộc thi là sự cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn” lần thứ I là sự cụ thể hóa hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Kế hoạch số 62-KH/UBND ngày 24/3/2020 của UBND Thành phố Hà Nội về phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Với chủ đề “Bình yên và mơ ước”, sau 2 tháng phát động cuộc thi đã có trên 2.000 bài dự thi, chúng tôi rất vui mừng là có nhiều bác, nhiều cô chú, anh chị và nhiều bạn nhỏ vẫn giữ niềm yêu thích đọc sách, coi sách như người bạn tri kỷ, tích cực tham gia cuộc thi này. Thông qua những cuốn sách hay, các tác giả đã chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc chân thực, sâu sắc, trong sáng, nhiều thông điệp ý nghĩa đã được rút ra, các giá trị tốt đẹp như tình yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, yêu thương con người, sự bình yên, mơ ước về một cuộc sống tươi đẹp, no ấm, không có chiến tranh và bạo lực. Đây cũng chính là những giá trị mà cuộc thi năm nay muốn gửi gắm.

2.000 bài viết gửi đến Ban tổ chức đã tiếp cận thế giới sách theo 4 mảng chủ đề: “Ngợi ca tấm gương, hành động đẹp, lan tỏa giá trị nhân văn của phụ nữ”, “Phụ nữ rèn luyện kỹ năng sống để đi đến thành công”, “Khát vọng sống bình yên và hạnh phúc cho trẻ em” và “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Các tác phẩm dự thi đều chuyển tải những thông điệp chủ đề như: “Bất kỳ ở đâu và bất kỳ ai cũng mong mỏi bình an, ai cũng có mơ ước, từ bình dị, nhỏ bé đến bay bổng, lớn lao và dám vươn lên, dám sống với đam mê và mơ ước. Khá ấn tượng trong số các bài viết gửi dự thi là những bài viết xoay quanh đề tài phụ nữ, trẻ em. Với đề tài phụ nữ, đa số các bài viết đã nêu bật được hình ảnh, tấm gương cao đẹp cùng nỗ lực phi thường của những người phụ nữ của Việt Nam và thế giới. Tác giả Chu Thị Thu Hằng (Sơn Tây) đã nói lên sức lôi cuốn của cuốn tự truyện “Không gục ngã” của dịch giả, nhà văn Nguyễn Thị Bích Lan bởi ngưỡng mộ sự vươn lên, không ngừng vượt qua bệnh tật, mọi khó khăn đời sống của chị để cống hiến những điều có ích cho đời. Hàng loạt cuốn sách về tấm gương các phụ nữ thành đạt trên thế giới cũng được các tác giả ngợi ca như Đệ nhất phu nhân Mỹ - Jill Biden, cô gái trẻ Helen Keller phi thường vượt lên số phận trong cuốn “Câu chuyện đời tôi”, về những nữ lãnh đạo đã mạnh mẽ nói lên tiếng nói của mình để bảo vệ hòa bình thế giới trong cuốn “Khi phụ nữ lên tiếng”… 

Bà Lê Quỳnh Trang khẳng định: “Với ý nghĩa nhân văn mà cuộc thi mang lại, Báo Phụ nữ Thủ đô tự hào đã trở thành ‘sứ giả của yêu thương”, của công bằng và bình đẳng, của mơ ước đem đến với tất cả mọi người. Cuộc thi cũng mang đến một sân chơi bổ ích và lý thú, mong muốn tạo ra cơ hội để cổ vũ mọi thành viên, mọi người, mọi nhà cùng nhau đọc và cảm thụ sách, từ đó nhân lên giá trị văn hóa đọc trong cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, những sự thức tỉnh để cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp, bình đẳng, hạnh phúc hơn”.

Những thông điệp ý nghĩa từ cuộc thi
 Năm nay, nhiều tác giả đã chọn các tác phẩm của Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy để cảm thụ… Đặc biệt, cuốn “Đàn bà đẹp” của nữ nhà văn đã được tác giả Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lựa chọn để cảm thụ văn học và xuất sắc giành giải Nhì của cuộc thi. Giao lưu với độc giả, Thượng tá, nhà văn Đỗ Bích Thúy vô cùng xúc động, cho biết: Giải cao hay thấp không quan trọng mà quan trọng là tác phẩm của tôi đã chạm được vào trái tim người đọc, và bạn đã cảm thụ nó bằng cách riêng của bạn, và đó là món quà đáng quý đối với người cầm bút. Là nhà văn có những trải nghiệm đối với người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao, có nhiều tác phẩm thành công ở mảng đề tài này, nhà văn Đỗ Bích Thúy đánh giá cao cuộc thi do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức hướng đến đối tượng phụ nữ và trẻ em, về sự khát khao vươn lên khẳng định mình của những người phụ nữ dù có vượt qua biết bao khó khăn, bất bình đẳng do định kiến xã hội. 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng được nhiều độc giả biết tới bởi những sáng tác khắc họa vẻ đẹp phụ nữ và cả những trầm nổi của đời người phụ nữ. Tới với lễ trao giải, chị chia sẻ: “Tôi rất thú vị và cảm động khi Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn duy trì cuộc thi viết hơn chục năm nay. Đó là điều vô cùng đáng quý. Tôn vinh văn hóa đọc là tôn vinh nền tảng văn hóa của dân tộc. Tôi vô cùng cảm ơn mọi người đã quan tâm đến văn hóa đọc". Khi biết thông qua cuộc thi, đã có nhiều bài viết ca ngợi vẻ đẹp, tôn vinh giá trị của người phụ nữ, chị chia sẻ: “Phụ nữ là một bản thể, một chủ thể của xã hội, họ khao khát vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, cất cánh để sống với đam mê và mơ ước về một ngày mai tươi sáng hơn. Những hình ảnh phụ nữ đó tưởng như bình thường, nhưng thực ra mỗi nhân vật đều có khát vọng, có những nét đẹp rất riêng. Phụ nữ cần được tôn trọng”.

Thông qua một cuộc thi, rất nhiều những thông điệp sống tích cực được gửi gắm, đó là nghị lực sống phi thường, vượt lên nghịch cảnh, không chùn bước trước khó khăn của những tấm gương người thật việc thật đã truyền cảm hứng tới cộng đồng. 

Tác giả Chu Thị Thu Hằng đạt giải Nhất cuộc thi năm nay với bài viết cảm nhận về cuốn sách “Không gục ngã” của dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan chia sẻ nhờ cuốn sách mà chị thấy tin yêu cuộc sống hơn. Qua bài cảm thụ, Chu Thị Thu Hằng muốn gửi đi thông điệp: "Khi có những bất hạnh trong cuộc sống, bạn đừng bao giờ kêu than hay đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy tìm cách tháo gỡ những khó khăn, và bước tiếp". Theo chị, cuộc thi năm nay khép lại nhưng đã mở ra nhiều xúc cảm, bởi chúng ta đều biết tầm quan trọng của đọc sách khiến chúng ta thay đổi bản thân và cuộc sống của mình. 
Tác giả Nguyễn Lan Hương, giáo viên trường THPT Hoài Đức đạt giải Nhì với bài viết "Tôi là Malala - Hành trình bảo vệ ước mơ đến trường của một cô gái trẻ" chia sẻ: Tôi thật sự cảm phục cô bé người Pakistan - Malala đã dành cả tuổi thơ để đấu tranh cho việc đến trường ở một đất nước sự học của phụ nữ, trẻ em gái không được coi trọng. Thông điệp mà chị muốn gửi gắm chính là mọi trẻ em trên thế giới này đều có quyền được mơ ước, học tập và sống bình yên. Đánh giá cao cuộc thi đã khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong cộng đồng, chị khẳng định, mùa giải tới, chị sẽ khuyến khích học sinh của mình tham gia cuộc thi để thế hệ trẻ luôn yêu sách và làm giàu có tâm hồn từ kho tàng tri thức phong phú của nhân loại.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.