Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình

ANH HOA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với những ai yêu nghệ thuật, đam mê với các tác phẩm của họa sỹ Trần Lâm Bình hẳn sẽ biết đến Triển lãm “Lững lờ” tại V-Art Space Ciputra club Bắc Từ Liêm của anh. Triển lãm giới thiệu loạt tranh chân dung trừu tượng được thể hiện bằng những vệt màu hỗn độn, đan xen đã tạo sức hút đặc biệt công chúng Hà Nội những ngày gần đây.

Để tìm hiểu về sức hút, sự khác biệt của những tác phẩm trưng bày tại Triển làm “Lững lờ”, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có buổi gặp gỡ và phỏng vấn họa sỹ Trần Lâm Bình.

Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình - ảnh 1
Họa sỹ Trần Lâm Bình kể chuyện về triển lãm tranh Donald Trump ở Nhà Trắng (Mỹ)

PV: Anh có thể chia sẻ đôi chút về ý tưởng, các tác phẩm trong triển lãm “Lững lờ” với độc giả?

Họa sỹ Trần Lâm BìnhTriển lãm lần này tôi lấy tựa đề là “Lững lờ” vì nó có nhiều cái hay và ý nghĩa khác nhau. “Lững lờ” nhìn lại tuổi 40 của mình: Không còn trẻ nhưng chưa hẳn đã già. “Lững lờ” như những đám mây không phải trôi đi cũng không dừng lại, không cao cũng chẳng gần. “Lững lờ” của những bảng màu tươi tỉnh như cuộc sống đang đâm chồi, chậm rãi, lững lờ trong thế giới màu.

Triển lãm “Lững lờ” thể hiện những suy tư sau nhiều năm làm nghệ thuật của chính tôi ở tuổi 40. Những tác phẩm trưng bày tại đây chính là thế giới nội tâm, sự thăng hoa trong hội họa hay cảm nhận về con người, thiên nhiên xung quanh của mình. Các tác phẩm tại triển lãm lần này chủ yếu thể hiện sự rung cảm, không chú trọng trường phái, chất liệu. Nhiều tác phẩm tôi đã phải mất vài tháng để hoàn thành. Triển lãm này như một bến dừng để tôi nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng và tiếp tục sáng tạo.

Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình - ảnh 2
Các tác phẩm của Trần Lâm Bình đều có cái nhìn “động”

Như bạn thấy, 38 tác phẩm được thể hiện theo nhiều trường phái như hiện thực, ấn tượng, trừu tượng, lập thể... với các chất liệu như sơn dầu, acrylic và điêu khắc gốm. Loạt tranh chân dung, trừu tượng được thể hiện bằng những vệt màu hỗn độn, đan xen, rực rỡ. Tôi thích vẽ có nội dung và ít khi vẽ tĩnh vật. Các tác phẩm của tôi đều có cái nhìn “động”. Không một chân dung, không một cảm xúc nào tôi vẽ ra không gợi đến sự chuyển động chậm rãi. Đó chính là đời sống mà tôi cảm nhận. Tôi vẽ tâm trạng mình, vẽ người bạn theo cách mình hiểu… 

Cụ thể, ở mảng chân dung, tôi vẽ chính mình, con trai và bạn bè thân thiết như họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nhà báo Nguyễn Trọng Chức... và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi vẽ chân dung, khuôn mặt được thể hiện bằng những nét, khối, mảng cổ điển, còn vẽ thân thể, cảnh vật được phóng cọ, bết màu ngẫu hứng.

Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình - ảnh 3
Con trai của họa sỹ Trần Lâm Bình được vẽ bằng những nét, khối, mảng cổ điển

Phần tranh trừu tượng là những gam màu đỏ, vàng, đen, xanh... đan xen không theo quy tắc được vẽ ngẫu hứng. Ở đây, người xem có thể hình dung ra những hình ảnh tùy theo mắt nhìn, trí tưởng tượng của từng người. Đó có thể là thân hình cô gái trẻ, hai người đang đối thoại hoặc dòng nước trôi... Triển lãm có nhiều tác phẩm khổ lớn như bức Bình yên trên cánh đồng, kích thước 2x3m.

“Lững lờ” tổng hợp mọi cái trong con người tôi từ xưa đến giờ: Náo loạn bùng nổ. Có thể nói Triển lãm là cuộc tổng duyệt một số phong cách nổi bật tôi đã thực hiện trong suốt thời trẻ. Đây sẽ là triển lãm khép lại một thời kỳ của tuổi trẻ, không phải vì mất cảm xúc mà từ giờ trở đi tôi chỉ vẽ những gì thực sự tâm đắc. Đã đến độ mình phải quyết liệt, không còn kiểu vui chơi sảng khoái của tuổi trẻ. Tôi dừng lại để dồn năng lượng cho chặng đường mới. Để sau này không có gì phải hối tiếc. Sau đây tôi sẽ chuyên tâm vào “một thứ khác hẳn”, nhưng vẫn tiếp tục vẽ Donald Trump.

Nhiều khách đến thưởng lãm “Lững lờ” của tôi cho rằng: Đây là cuộc diễn ngôn bằng màu sắc. Màu sắc đến độ choáng ngợp. Những khối và mảng, vệt và nét, đan xen chằng chịt, đối nghịch và hài hòa; những sắc màu nguyên sơ len lỏi, đan xen vào nhau tạo hiệu ứng, cuốn hút người xem.

Dự kiến, sau triển lãm “Lững lờ” ở V-Art Space Ciputra club Bắc Từ Liêm, Hà Nội (mở cửa đến 15/11) tôi sẽ mang sang Pháp triển lãm.

Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình - ảnh 4

Tranh sơn dầu trừu tượng “Định dạng”

PV: Được biết, với dự án nghiên cứu cựu Tổng thống Donald Trump, anh đã có loạt tranh làm nên “thương hiệu” Trần Lâm Bình, vậy những dấu mốc liên quan đến dự án này như thế nào?.

Họa sỹ Trần Lâm Bình: Trong các bức vẽ về chân dung tôi thường bắt được các thần thái của nhân vật, của một cá thể, một tâm hồn. Một bức chân dung có thể tắt điện đi nhưng vẫn nhìn được trong bóng đêm. Tôi có cách nhìn đặc biệt và thích nghiên cứu trạng thái chân dung.

Với Trump, tôi cảm thấy có sự đồng điệu với ngoại hình và cá tính của ông ngay từ lần đầu tiên ông ra ứng cử tổng thống. Do đó, tôi bắt đầu vẽ chân dung Trump theo phong cách tiêu biểu của nước Mỹ từ cuối những năm 1950 là pop-art. Những bức tranh sặc sỡ sinh động này đã lọt mắt doanh nhân Hùng Cửu Long (doanh nhân Lê Đình Hùng). Và ông Hùng quyết định rót vốn cho dự án "nghiên cứu cựu tổng thống Donald Trump ở mọi góc độ, trạng thái cảm xúc" của tôi. Cũng nhờ đó mà tôi có 5 năm thư thả để vẽ tầm 500 chân dung Trump.

Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình - ảnh 5
Chân dung cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, chất liệu acrylic, kích thước 1,2x1,5m, sáng tác năm 2016. 

Có thể coi Trump là “nàng thơ” trong các tác phẩm vẽ chân dung của tôi cũng được, vì Trump là nhân vật quốc tế đầu tiên tôi vẽ chân dung. Có nhiều người vẽ Trump nhưng chắc khó ai có thể vẽ xuyên suốt như tôi. Đến thời điểm hiện tại, tôi dám chắc mình là người vẽ chân dung về Trump nhiều nhất ở Việt Nam. Trên thế giới có nhiều người vẽ chân dung nhưng không phải là bộ sưu tập xuyên suốt nhiều trạng thái khác nhau: lúc vui, cười, hỷ nộ ái ố…

Dù sự nghiệp chính trị của ông Trump có thế nào thì tôi cũng sẽ không ngừng dõi theo và phản ánh các trạng thái của ông bằng tranh. Tôi quan sát, theo dõi trên tài khoản MXH của ông Trump và vẽ ông với những biểu cảm, hành động thông qua các hoạt động này. Vì là quan tâm, theo dõi nên tôi sẽ đoán biết được tính cách, cảm xúc của ông trong từng tình huống. Ngoài Trump, hiện, tôi đã vẽ chân dung của 44 đời Tổng thống Mỹ khác nữa. Loạt chân dung này được vẽ sau khi tôi vẽ Trump.

Với sự nghiệp của mình, tôi không hẳn “đổi đời” nhờ vẽ Trump nhưng tôi đã có bước đột phá nhờ nhân vật này. Nói chung cũng cảm ơn Trump đã giúp cho tôi ra thế giới. Bởi cuối năm 2019, tôi đã dùng các bức vẽ Trump để ứng tuyển Florence Bienale - Triển lãm Nghệ thuật quốc tế diễn ra 2 năm một lần tại Ý, đúng vào dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonard De Vinci. Và, tôi đã trở thành đại diện duy nhất cho Việt Nam cũng như cho cả Đông Nam Á có mặt với ba bức chân dung tổng thống Mỹ.

Với dự án này, thực ra mà nói, ngoài Trump thì Hùng Cửu Long cũng là tác nhân quan trọng trong bước đường ra thế giới của tôi. Nhờ ông Hùng góp vốn mà tôi có sự tập trung cao độ cho dự án chân dung không giống ai. Hai anh em đồng hành gần 3 năm. Kho chân dung Trump và các tổng thống Mỹ trở thành tài sản chung của hai người, vẫn được trưng bày như một bảo tàng nhỏ ở tư gia của ông Hùng. Ai giữ cũng được nhưng để chỗ anh Hùng an toàn hơn vì tôi thường chạy qua chạy lại giữa 3 xưởng vẽ tại Hà Nội, Huế và TPHCM. Việc thay đổi không gian làm việc cũng có thể góp phần làm thay đổi tư duy, thay đổi cảm xúc khi sáng tác.

Nhớ lại lúc mà tôi mới thổ lộ với vài đồng nghiệp về dự định vẽ Trump, (lúc chưa thành tổng thống), tôi đã bị cho là “thần kinh”, “bất bình thường”, họ cho rằng tôi vẽ để mong ông ấy mua tranh mình… Nhiều người còn cho rằng, ý tưởng sẽ đem tranh Trump sang Mỹ bày tại Nhà Trắng của tôi là “hoang tưởng” nhưng nó đã trở thành hiện thực. Tranh của tôi được Nhà Trắng chấp nhận cho trưng bày một ngày trong khuôn viên, đúng vào sinh nhật đầu tiên của tân tổng thống Trump (14/6/2017) tại Nhà Trắng. Trong lần triển lãm này, một tỷ phú là bạn của ông Trump đã mua một bức tranh lớn của tôi. Tôi bị “thất lạc” 10 bức nhỏ chừng 60cm X 60cm. Tuy nhiên, mất tranh cũng là một thành công…

Đó là những dấu mốc và kỷ niệm với các bức chân dung về Trump của tôi.

Cuộc diễn ngôn bằng màu sắc trong triển lãm “Lững lờ” của họa sĩ Trần Lâm Bình - ảnh 6
Bên cạnh tài chính thì đam mê, định hướng và sự quyết liệt vẫn đóng vai trò quyết định cho sự nghiệp của họa sỹ

PV: Anh có chia sẻ rằng, doanh nhân Hùng Cửu Long (Lê Đình Hùng) rót vốn cho việc đầu tư vẽ Trump của anh nên dự án mới thành công lớn được như vậy. Theo anh, mối quan hệ tương hỗ giữa nhà sưu tập/nhà đầu tư với họa sĩ có quan trọng và quyết định cho phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ không?

Họa sỹ Trần Lâm Bình: Ở Việt Nam từ xưa tôi không biết nhưng 5-10 năm trở lại đây nhiều nhà sưu tập đầu tư cho họa sĩ, từ đó giúp họa sĩ phát triển sự nghiệp bằng nhiều cách khác nhau như mua tranh, cổ phần, đẩy thương hiệu và giá trị tranh của họa sĩ lên nhưng không phải ai cũng thành công… Sự đầu tư này thường diễn ra trong một giai đoạn với một dự án xác định chứ không giống bảo trợ suốt đời như thời phong kiến ở châu Âu.

Tôi cho rằng, mối quan hệ giữa nhà đầu tư với họa sĩ khá quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của nghệ sĩ. Song, nếu đầu tư cho họa sĩ phát triển thì cần đầu tư ngay từ ban đầu theo hướng riêng. Tuy nhiên, đam mê, định hướng và sự quyết liệt vẫn đóng vai trò quyết định. Trong thế giới phẳng ngày nay việc gặp gỡ nhà sưu tập, nhà đầu tư không khó. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ tác phẩm của họa sĩ có thực sự mạnh, thể hiện chính con người anh ta hay không.

Suy cho cùng, cần chọn đúng con đường và phải biết hy sinh cho con đường, sự nghiệp của mình. Đầu tư là một phần nhỏ còn lại phải đam mê với vẽ và định hướng đúng. Nhà sưu tập/đầu tư họ có cách nhìn riêng, khác… làm được tác phẩm có tiền không quan trọng mà phải thể hiện được cái đẹp, cái hay, cái thần của tác phẩm đó. Nhà đầu tư họ sẽ đầu tư 1 hay 2 hay 3 tác phẩm tùy theo tài chính của họ.

Tôi từng có kỷ niệm “nhớ đời” với một mạnh thường quân. Sau chuyến đi Ý về tôi đến gặp và cảm ơn họ vì đã tài trợ cho mình 60 triệu đồng. Sau khi gặp tôi mới biết số tiền họ tài trợ là 500 triệu đồng nhưng đã bị “khâu trung gian” ăn chặn. Thế nên nghệ sĩ không có tài chính không bao giờ làm được nghệ thuật, kể cả tài năng đến mấy. Trừ phi mình chọn đúng con đường và phải biết hi sinh cho con đường của mình thì họa may. Tầm tuổi tôi hồi trước nhiều người cũng ghê gớm mà rồi đều đứt gánh, bỏ nghề hết. Ví như việc tôi đưa triển lãm “Lững lờ” sang Pháp sắp tới nếu không có nhà đầu tư thì tôi cũng khó mà kham nổi. Riêng việc tổ chức tại Hà Nội đã ngốn của tôi hơn tỷ đồng, trong đó in vựng tập tốn hơn trăm triệu.

PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này. Chúc anh gặt hái nhiều thành công với những ý tưởng mới!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.