Cuộc phục hưng lộng lẫy

NGUYÊN HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không gian văn hoá với tên gọi Lan Viên Cố Tích mà Thái Kim Lan tạo dựng luôn khiến người ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Và, không ít người khi đặt chân đến không gian này bằng sự tò mò kín đáo vẫn trộm đặt câu hỏi, người phụ nữ “đông tuổi” này lấy sức lực ở đâu ra để kiến tạo một địa chỉ giá trị như thế này?

Cuộc phục hưng lộng lẫy - ảnh 1
Thái Kim Lan.      Ảnh Lan Viên Cố Tích

Nhà tôi ở Xước Dũ, một ngôi làng nhỏ ven thượng nguồn sông Hương. Lần nào chạy về thành phố cũng “phải” ngang qua nhà GS.Thái Kim Lan. Nói “phải” bởi ngoài cách này thì không còn cách nào khác để về được thành phố, dù đi lối này hay lối khác. Và trăm lần như một, dù nhiều khi không hề để ý nhưng cứ đến đoạn đường đó là mắt lại nhìn vào cánh cổng gỗ nhà Thái Kim Lan như một phản xạ tự nhiên, dẫu bên kia là bờ sông đẹp bất chấp thời gian và thời tiết. Cái cánh cổng gỗ đã huyền thoại lại càng trở nên huyền thoại hơn từ khi nó trở thành bối cảnh của nhà ông đốc Khánh trong phim điện ảnh Em và Trịnh. Khi Trịnh Công Sơn cùng đám bạn đến nhà tìm Bích Diễm thì gặp Dao Ánh tóc thề, mắt to tròn ra mở cổng.

Chuyến đi từ Đức trở về Huế từ 2020 với mục đích thăm quê hương và thực hiện một vài kế hoạch của bà không ngờ bị gián đoạn và “mắc kẹt” tận 3 năm do làn sóng Covid-19 bùng nổ và kéo dài. Nhưng chính sự “mắc kẹt” ấy lại là nguồn cơn để bà thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa trên quê hương. Chỉ tính riêng năm 2022, giữa lúc đại dịch Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp, Thái Kim Lan đã kịp thực hiện nhiều chương trình và dự án lớn nhỏ, góp phần đáng kể trong tiến trình định dạng và tô điểm dấu ấn văn hóa Cố đô. Những đóng góp mà tôi tạm gọi đó là cuộc phục hưng lộng lẫy. 

Cuộc phục hưng lộng lẫy - ảnh 2
Thái Kim Lan phát biểu khai trương Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương. Ảnh: Đăng Tuyên

Xuân
 Nếu đã tới thăm Lan Viên Cố Tích ở 120 Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế, có lẽ người ta không còn lạ phong cách decor lấy gốm làm trọng tâm ở địa chỉ này. Gốm trải từ cổng tới những lối đi, ở phòng khách, phòng sách, phòng thờ, bếp ăn và cả toilet. Có lần tôi “ăn gan hùm” chọc yêu Kim Lan: “Bữa mô canh lúc chủ ngủ say, ta mang xe thồ lên bợ hết gốm về. Tỉnh dậy chỉ còn nước ngồi khóc!” Kim Lan gật gật không nói gì, cười lí lắc tinh quái kiểu “Con yêu bánh nậm” (cụm từ dùng chỉ những cô gái Huế chính hiệu và đáo để), ra điều “Còn khuya nhé!”.

Thái Kim Lan gần như nhìn ngắm và đối thoại với gốm hàng ngày. Trong giấc mơ hoặc kể cả những chuyện không vui liên quan đến khu vườn, gốm vẫn là chủ đề của nhiều câu chuyện mang tính hiện sinh và chiêm nghiệm. “Chum vỡ, nước mưa và hoa sứ” có thể nói là sự tích hợp mang hơi hướm tôn giáo mà bà đặt để trong thơ của mình. Để từ đó, gốm không chỉ là những cục đất nâu xù xì nhiều niên đại. Gốm, trong quan niệm của Thái Kim Lan là một thực thể sống động, có nhan sắc và mùi hương. 

Cuộc phục hưng lộng lẫy - ảnh 3
Bên trong Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương. Ảnh Trung Phan

Từ đầu những năm 90, Thái Kim Lan có cuộc trở về Huế đầu tiên sau nhiều năm học tập và làm việc tại Đức. Điều khiến bà rung động và đau đáu nhiều nhất chính là di sản của quê hương không được giữ gìn tương xứng với tầm quan trọng của chúng. Một lần vô tình nhìn thấy những bình gốm được bày bán trên vỉa hè, cảm giác đầu tiên của bà là bất ngờ khi biết những chiếc bình này được trục vớt từ lòng sông Hương. Sự xúc động khi “tìm ra, thấy được, sờ được”, tư duy của người làm khoa học, trên hết là trách nhiệm tự thân với di sản đã khiến bà nung nấu ý định sưu tầm những món vật này. Sự đồng vọng từ bàn tay người tiền sử đến nỗi khao khát được tôn vinh đúng nghĩa giá trị di sản là lý do chính cho những cuộc đi - về giữa Đức và Việt Nam trong dòng dã mấy chục năm của Thái Kim Lan. 

“Cuộc phục hưng” di sản gốm cổ với mong muốn đưa tinh hoa tiếp cận với công chúng được Thái Kim Lan và các cộng sự thực hiện âm thầm, bền bỉ trong nhiều năm. Tháng 3/2022, giữa lúc sức khỏe chưa hồi phục hẳn do vừa mắc Covid-19, Thái Kim Lan có buổi thuyết trình với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các chuyên gia trong ngành khảo cổ - di sản về việc ra mắt bảo tàng. Đây có thể coi là bảo tàng tư nhân trưng bày hệ thống và đa dạng nhất từ trước đến nay về gốm -  cổ - Huế. 

Dẫu đã từng bước qua cánh cổng ấy bao nhiêu lần đi chăng nữa thì trong tôi luôn thường trực một câu hỏi, bên trong ấy có gì?

Tháng 4/2022, Thái Kim Lan chính thức giới thiệu với truyền thông và công chúng về không gian trưng bày gốm, với một cái tên không thể đường hoàng và định đoạt hơn, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương. Lời đề từ in trên catalogue mà bà viết về gốm không khác gì sự trọng thị dành cho một tri kỷ: “Cái bình gốm ấy có thể đứng một mình như một bản ngã không cần thuộc từ, nó khẳng định nó như là nguồn gốc, là chủ thể không thể thay thế, chủ thể di sản thi gan cùng tuế nguyệt! Và khi đứng chung với các tác phẩm nghệ thuật khác, tính đương đại của nó không lùi, mà còn nổi bật, truyền linh cảm về cảm hứng mỹ học hậu hiện đại mà nó đang là...

Nó đã đánh thức mơ hồ một ý niệm về bản lai, nơi chốn sinh thành, những gì thuộc nguồn cội của đời người, dấu vết của thể tính hiện sinh. Và trong phút chốc, vẻ đẹp của nó đã mê hoặc chúng tôi”.

Bảo tàng nằm trên bạt đất 700m2 trong khuôn khổ Lan Viên Cố Tích, nơi lưu trữ hơn 5 ngàn hiện vật gốm từ đáy sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra còn có các hiện vật từ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt. Theo các nhà nghiên cứu, những hiện vật này có niên đại từ khoảng thế thứ V trước Công nguyên đến thế kỷ XX. Để có được kết quả sưu tầm này, phải kể đến sự góp công của hiền huynh - cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan “đã ký thác hoài bão giữ gìn gốm cổ”. 

Hạ
Cuộc gặp gỡ của những tinh hoa thường tạo nên dấu ấn trong đời sống văn hóa. Âm và dương, nóng và lạnh, nghệ sĩ và nhà khoa học, Đàng Ngoài và Đàng Trong... như những đối cực và nghịch lý được hòa quyện thấu đáo trong cuộc chơi mà sự sáng tạo đóng vai trò chủ chốt. Lê Thiết Cương và Thái Kim Lan chính là ví dụ về cuộc gặp gỡ ấy. 

Sau một hành trình dài khắp Việt Nam, Lê Thiết Cương kéo team về Huế. Bốn nghệ sĩ gồm Lê Minh Trí, Vũ Hữu Nhung, Lê Ngọc Thuận, Lê Thiết Cương cùng sáu họa sĩ khách mời Nguyễn Như Đức, Phạm Trần Quân, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Hồng Phương, Phương Bình, Nguyễn Thanh Hải đã cùng góp mặt trong triển lãm Con giống diễn ra vào hồi tháng Tám tại Lan Viên Cố Tích. 

Qua các chất liệu đồng, đá, gỗ, sành, sắt..., hình ảnh các con giống như bò, lợn, gà, rắn, ngựa... hiện lên vừa sống động vừa tối giản trong không gian văn hóa Cố đô. Cái nắng khắc nghiệt “rám trái bưởi” ở Huế cùng những tạo hình màu sắc càng khiến mùa hè hoan ca dài như vô tận. Giang Trang xuất hiện khá bất ngờ và hát Vườn xưa một cách thật thà, không dây dưa kỹ thuật theo lối sân khấu. Và hình như từ rất lâu rồi, công chúng Huế mới lại được xem một triển lãm giá trị cả về chất và lượng như vậy. 

Thu
Nhâm Dần đương thu, tôi lên vườn thì thấy Thái Kim Lan đang ngồi làm việc với học trò về đề tài mà bà hướng dẫn trong quá trình tham gia giảng dạy ở Học viện Phật giáo Huế. Tôi lẳng lặng đi xuống nhà Tăng, nơi đang trưng bày những bộ cổ phục triều Nguyễn mà bà đã dày công sưu tầm và bảo quản. Thái Kim Lan vốn xuất thân trong một gia đình có dòng dõi quan lại ở Huế nên ý thức giữ gìn cổ phục luôn được đề cao. Trong một lần về nước sau nhiều năm du học, bà thấy áo dài bỗng dần vắng bóng trên những đường phố Huế. Lòng dạ người phụ nữ lúc ấy đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng rốt cùng không ai có thể trả lời cho mình câu hỏi ấy ngoài chính mình: 

“Thời ấy cung đình và những gì thuộc cung đình là đối tượng tiêu cực và chiếc áo dài hoàng gia trở nên một biểu tượng giai cấp phong kiến cần dẹp bỏ. Chiếc áo chịu số phận bất hạnh nên bị vùi dập, giấu kín, cắt ngắn thành áo cụt hay làm giẻ chùi nhà. Có gia đình đã bán để đổi lấy vài tô bún, cho cũng không ai dám lấy, nhiều chiếc áo từ hoàng cung đem ra không biết làm gì hơn là cắt ra làm phướng cờ, làm mũ đội, làm vải lót gối... May thay tôi đã có cơ hội lưu giữ một số trong những chiếc áo dài bất hạnh này hơn 40 năm ở Đức”.

Mùa thu Huế năm nay khá đẹp, không mưa dầm dề như những năm trước mà nắng độ lượng an hòa. Thời tiết này quả thật là một món quà quý giá với người Huế. Mùa thu chi mà tính nết như mùa xuân, hoàng mai nở từ cuối tháng Mười. Và xen giữa những ngày nắng đẹp thi thoảng lại có những cơn mưa bụi buổi sáng khiến người ta không thể giấu nỗi xúc động vừa ngấm ngầm sung sướng nhưng vẫn phải giả đò thở dài thảng thốt cho phải phép ấy! 

Cuộc phục hưng lộng lẫy - ảnh 4

Triển lãm Con giống. Ảnh Lan Viên Cố Tích

Triển lãm Áo dài xưa thời Nguyễn nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, do Lan Viên Cố Tích phối hợp cùng Vietnam Design Group, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức vào thượng tuần tháng 11 được xem là hoạt động văn hóa đáng chú ý. Triển lãm trưng bày hơn 20 áo dài xưa do Thái Kim Lan sưu tầm kết hợp cùng bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đã mang lại cho người xem một bữa tiệc thị giác thật sự mãn nhãn. 

Áo Long bào, áo Mệnh phụ, áo gấm rêu xanh, áo xiêm, áo lương đen, áo ngũ thân... cùng những mảnh gốm cũ từ đời nhà Trần và thân sen khô cùng được sắp đặt trong ngôi nhà rường hơn trăm năm tuổi của gia tộc họ Thái. Và Thái Kim Lan, đương nhiên mặc áo dài, nghiêng vành mũ rộng, nở nụ cười tươi đóng đinh thương hiệu với mọi người. Khác hoàn toàn với cái cách mà Kim Lan nâng niu áo dài là một hành trình tĩnh lặng và cô đơn, giống như mảnh vải nhung phủ xuống dấu chân và lối mòn người trước đã đi qua. 

Nhưng dẫu trân trọng cổ phục, Thái Kim Lan không phải là một người thủ cựu đến độ sùng bái. Tôi thật sự thích cách ứng xử của bà khi luôn xem cổ phục là cách để điều chỉnh hành vi chính trong cuộc sống thường ngày: “Sự lưu giữ bảo tồn giá trị của cổ vật xưa, nhận chân giá trị của nó trong hiện tại, không có nghĩa lại quay ra theo khuynh hướng bái vật, tôn thờ đồ vật (fetichisme) thô thiển và mù quáng không được đụng đến, như thái độ quay chiều từ vùi dập đến chủ trương sùng thượng cuồng tín. Những chiếc áo, từ Long bào của vua Khải Định đến áo hoàng bào của Đức Từ Cung đều được mặc trong những dịp trọng đại của gia đình. Và để... không quảng bá hay gì khác mà chính là, ngay khi mang chiếc áo, ở trong chiếc áo ấy, ta TỰ SỬA MÌNH!”.

Đông
Thái Kim Lan, trước hết và sau hết, là con người của triết học, văn chương và chữ nghĩa. Từ khi còn nhỏ, trong khi những người chị trong nhà chăm chỉ học nữ công gia chánh thì bé Đường (tên ở nhà của Thái Kim Lan) có một niềm đam mê duy nhất, đọc sách. Thú đọc sách từ thuở ấu thời dường như là tín hiệu đầu tiên mặc nhiên khẳng định, Thái Kim Lan sẽ có nhiều duyên nợ với nghiệp chữ nghĩa. 

Cuộc phục hưng lộng lẫy - ảnh 5
Triển lãm Áo dài xưa thời Nguyễn. Ảnh Lan Viên Cố Tích

Tháng 12, Huế mưa và lạnh thấu buồng tim. Thái Kim Lan 80 mùa bánh chưng vẫn một mình tung tăng ra miền Bắc dự Hội thảo khoa học Phật giáo và hoạt động từ thiện do Viện Trần Nhân Tông tổ chức tại chùa Tam Chúc - Hà Nam. Hội thảo xong hăm hở đi leo núi, dẫu có kêu mỏi chân thì vẫn không chịu kém cạnh ai một bước nào!

Về lại Huế ngồi chưa ấm chỗ đã thấy bà gửi giấy mời tham dự Tọa đàm Thơ ca với hơi thở đời sống, diễn giả khách mời là GS. Thái Kim Lan và nhà thơ Trương Anh Tú. Đây là chương trình thực tế do các em sinh viên trong Câu lạc bộ khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Huế tổ chức. Chương trình diễn ra ấm cúng, nhỏ gọn bên trong Bảo tàng Gốm cổ. Tọa đàm kết thúc lúc 5h chiều, bên ngoài Huế vừa tạnh mưa, Thái Kim Lan nhỏ nhẹ "tàm tạm em hỉ". Tàm tạm là cách nói vì quý, vì thương tấm lòng yêu văn chương của các em sinh viên. Và cũng là cách cho bà được sống lại một thời thanh nữ. 

Bên trong ấy, có Thái Kim Lan
Hành thâm giá trị nhất của kẻ trí thức là luôn biết khước từ và vượt qua chướng ngại để chơi cuộc chơi mình muốn. Trong suốt một năm đầy biến động, nhiều câu chuyện đã được đặt tên, và tháng Mười mới đây, Thái Kim Lan vẫn một mình mấy chiếc vali trên chuyến bay trung chuyển mấy dặm từ Huế về Đức rồi lại khứ hồi chỉ trong vòng 20 ngày. Gần 3 năm mới về lại ngôi nhà bên Đức, tự dưng bà thấy căn nhà trở nên lạ và loay hoay tìm kiếm những đồ vật đã dời chỗ cũ. Và có lẽ, tìm kiếm luôn là ứng xử của Thái Kim Lan trong các cuộc “phục hưng” của mình. 

Cả một năm lặng lẽ ngắm nhìn những việc làm của Thái Kim Lan, nhưng có lúc hình ảnh về Kim Lan đọng lại trong đầu tôi lại là một thiếu niên đỏ mặt xấu hổ khi lần đầu biết mặc áo lót, siêu quậy đủ đường và thi thoảng đi học trễ. Kim Lan dường như là một chân dung đầy mâu thuẫn không chệch đi đâu được, dành cho những ai đã từng tiếp xúc và làm việc với bà. Vừa quý tộc uyên bác lại vừa bình dân đại chúng, truyền thống và tân thời, lúc khó tính ngút ngàn khi lại dễ dãi ngây thơ. Mà riêng cái sự ngây thơ của Kim Lan nhiều khi cũng là cả... bảo tàng!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Thu Thuỷ chia sẻ, với vai trò Đại sứ thiện chí chương trình "Phú Thọ - Khát vọng xanh" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, cô vô cùng vinh hạnh khi được góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng tới cộng đồng về bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.