Đã đến lúc Việt Nam cần siết chặt các cuộc thi sắc đẹp đang nở rộ
(PNTĐ) - Lùm xùm liên quan đến Ý Nhi đã khiến Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Bình Định phải vào cuộc làm việc với Công ty Sen Vàng để nắm tình hình, tham mưu UBND tỉnh Bình Định có hướng xử lý. Trong khi đó, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã có một số chia sẻ về vụ việc của Ý Nhi.
Lùm xùm tai tiếng của hoa hậu Ý Nhi và các hoa hậu khác
Chỉ vài ngày sau khi đăng quang, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đã khiến dư luận trong nước được một phen "dậy sóng" với các chia sẻ về chuyện cá nhân, hay việc so sánh bản thân với người đồng trang lứa khi cho rằng, trong lúc bạn bè chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, uống trà sữa thì cô đã tham dự cuộc thi hoa hậu.
Khi những lùm xùm trước đó chưa lắng xuống, Ý Nhi lại tiếp tục "vạ miệng" khi trả lời phỏng vấn. Trước câu hỏi đề nghị kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, Ý Nhi "hồn nhiên" cho biết: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung".
Câu trả lời nói trên lập tức thu hút sự chỉ trích từ cư dân mạng. Nhiều người cho rằng việc Ý Nhi tự cho mình là người nổi tiếng dù chỉ mới đăng quang cách đây vài ngày, thậm chí tự kể tên trước cả vua Quang Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử là thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng trước những nhân vật lớn trong lịch sử đất nước. Tiến sĩ Đoàn Hương thậm chí cho biết bà "không thể tha thứ được" khi nghe Ý Nhi so sánh bản thân với vua Quang Trung, Hàn Mặc Tử.
Ngoài ra, việc cô cho rằng nhà thơ Hàn Mặc Tử quê ở Bình Định cũng làm nhiều “ngán ngẩm” vì sai kiến thức cơ bản. Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912-1940), sinh ra tại làng Mỹ Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình nhưng lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các lời kêu gọi tẩy chay Huỳnh Trần Ý Nhi, yêu cầu Ban tổ chức Miss World Vietnam 2023 tước vương miện của người đẹp quê Bình Định, hủy bỏ suất đi thi Miss World 2024.
Trước sự giận dữ của công chúng, bà Phạm Kim Dung (CEO Công ty Sen Vàng – đơn vị tổ chức Miss World Vietnam 2023) và Hoa hậu Ý Nhi đã phải lên tiếng xin lỗi đến 2 lần. Dù vậy, làn sóng "tẩy chay" người đẹp hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Trước Ý Nhi, nhiều người đẹp của Việt Nam cũng từng bị chỉ trích dữ dội vì các phát ngôn thiếu cẩn trọng.
Chẳng hạn, phát ngôn "không thích đàn ông ki bo" của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên; hay như Lê Âu Ngân Anh, Hoa hậu Đại dương 2017, khi bị chê nhan sắc đã tự tin trả lời báo chí:
"Tôi đăng quang xứng đáng, không trả lại vương miện", "Tôi nổi trội cả về trí tuệ lẫn hình thể", "Tôi tự tin về chiều cao tốt, sắc vóc tốt, hình thể đẹp, gương mặt xinh", "Tôi nghĩ sau độn mũi rồi tháo ra thì vẫn là mũi tự nhiên", "Tôi đã sửa mũi nhưng môi là tự nhiên"...
Hoa hậu Đoàn Thiên Ân cũng từng có phát ngôn gây tranh cãi khi bị loại khỏi đấu trường quốc tế Miss Grand International. Cô cho rằng: "Tôi không tệ đến mức bị loại khỏi Top 10".
Cơ quan chức năng vào cuộc
Sở Văn hoá – Thể thao tỉnh Bình Định đang làm việc với Công ty Cổ phần Quảng cáo Thương mại Sen Vàng (gọi tắt Công ty Sen Vàng) về những lùm xùm liên quan đến hoa hậu Ý Nhi nói riêng và cuộc thi này nói chung. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, hiện Sở Văn hoá – Thể thao đang làm việc với Công ty Sen Vàng để có báo cáo cụ thể về các vụ việc lùm xùm liên quan đến hoa hậu Ý Nhi và cuộc thi Miss World Vietnam 2023, nhất là những phát ngôn gây tranh cãi của tân hoa hậu cùng đề nghị tước vương miện từ cộng đồng mạng, khán giả.
Bên cạnh đó, các bộ phận chuyên môn của Sở Văn hoá – Thể thao Bình Định cũng đang nghiên cứu thêm các quy định của pháp luật liên quan, qua đó đề xuất UBND tỉnh Bình Định phương hướng xử lý vụ việc.
Được biết, đây là năm thứ 2 tỉnh Bình Định chấp thuận cho Công ty Sen Vàng tổ chức cuộc thi Miss World Vietnam tại địa phương. Lãnh đạo tỉnh này cho biết, việc chấp thuận này nhằm để góp phần quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch ở Bình Định.
Một số luật sư cho rằng, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, nếu phát hiện sai phạm, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện nơi tổ chức vòng chung kết cuộc thi Miss World Vietnam 2023 có thẩm quyền gửi yêu cầu thu hồi danh hiệu hoa hậu đến ban tổ chức cuộc thi.
Sau đó, ban tổ chức cuộc thi sẽ thu hồi danh hiệu hoa hậu và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi danh hiệu. Do đó, trong trường hợp này, việc UBND tỉnh Bình Định giao Sở Văn hoá – Thể thao làm việc với ban tổ chức cuộc thi Miss World Vietnam 2023 để nắm tình hình, từ đó có hướng xử lý vụ việc là đúng quy định.
Hoa hậu cần có trách nhiệm xã hội
Liên quan đến vụ việc, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc dư luận chỉ trích hoa hậu Ý Nhi sau những lùm xùm vừa qua là quyền tự do ngôn luận của cá nhân của mỗi người.
Tuy nhiên, với cách nhìn chung, ông Sơn cho rằng các cuộc thi hoa hậu và hoạt động của các hoa hậu nên đồng hành một cách có trách nhiệm xã hội. Các thí sinh và những người đoạt giải nên sử dụng vai trò và tầm ảnh hưởng của mình để lan tỏa các thông điệp tích cực, xây dựng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
"Để đạt được điều này, các cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu cần nên được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, xã hội, các vấn đề toàn cầu để có thể phát biểu một cách thấu đáo và đúng đắn", - ông Sơn nói.
Theo ông, các hoa hậu cần sử dụng sức mạnh truyền thông để phổ biến các thông điệp tích cực đối với xã hội. Họ có thể tận dụng các mạng xã hội, phương tiện truyền thông và các hoạt động từ thiện để lan tỏa thông điệp của mình. Hoa hậu cũng nên thu hút sự chú ý và hỗ trợ các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, môi trường và cuộc sống của những người gặp khó khăn. Bên cạnh đó, họ cần được tạo cơ hội để gặp gỡ và làm việc với các cộng đồng, lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của người dân để có thể đóng góp một cách tốt nhất cho xã hội. Chỉ khi đó, cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu mới có thể xứng đáng với danh hiệu và đóng góp tích cực cho xã hội.
Trước những phát ngôn gây sốc của một số người đẹp bước ra từ các cuộc thi nhan sắc, PSG.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi người đẹp là vì nhiều mục đích khác nhau.
Đó có thể là mục đích chính trị để quảng bá hình ảnh, uy tín của địa phương, có thể vì văn hóa để huy động sự quan tâm của người dân đến những giá trị văn hóa được tích hợp trong sự kiện, có thể là lý do kinh tế như phát triển du lịch, thu hút đầu tư... Do vậy, các cuộc thi sắc đẹp có thể đưa ra những lý do thuyết phục khác nhau để được phép tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực, thì đa phần các cuộc thi sắc đẹp nở rộ hiện nay lại khá "vô bổ", bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh và không hoàn toàn nhằm tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ.
Theo ông Sơn, sẽ rất tai hại khi các cuộc thi như vậy được tổ chức tràn lan , vô hình chung ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ. Cũng vì vậy mà xuất hiện dư luận cho rằng, việc tổ chức thi người đẹp là để phục vụ “đại gia”, mua bán giải hay nhiều thông tin tiêu cực khác. Điều đó buộc mọi người phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về các cuộc thi sắc đẹp.
"Các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu; các cơ quan truyền thông cân nhắc trong việc tuyên truyền cho các cuộc thi; xử phạt nghiêm các sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp", ông lưu ý.