Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023

Đánh thức di sản “ngủ quên“

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề "Dòng chảy" đã diễn ra sôi động diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Tới dự buổi lễ có bà Ramla Khalidi - Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cùng các lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn...

Đánh thức di sản “ngủ quên“ - ảnh 1
Các đại biểu dự Lễ khai mạc

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 có nhiều hoạt động hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là ứng xử với những di sản công nghiệp. Ngoài không gian chính là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, các hoạt động của Lễ hội còn được tổ chức tại: Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm…

Năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo có chủ đề “Dòng chảy” nhằm nhấn mạnh về vai trò của những di sản trong cuộc sống đương đại, được kế thừa, kết nối, sáng tạo. Trong đó, có những di sản công nghiệp của thành phố vẫn đang ngủ yên và chờ được đánh thức. Chủ đề "Dòng chảy" tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… Những hoạt động này sẽ đem đến những ý tưởng cho việc tái thiết các di sản công nghiệp thành không gian hữu ích, đem lại giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội.

Ngoài những không gian kể trên, trong dịp này, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Đánh thức di sản “ngủ quên“ - ảnh 2
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra đời cách đây gần 120 năm. Nơi đây từng là những phân xưởng do người Pháp quản lý, rồi nhà máy về tay chính quyền Cách mạng và từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành đường sắt nước ta. Hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện tại được xây dựng, lắp đặt hơn 40 năm trước. Thăng Long - Hà Nội hình thành, phát triển gắn liền với dòng chảy sông Cái - sông Hồng. Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đặt sông Hồng vào trung tâm của phát triển. "Dòng chảy" còn mang ý nghĩa tượng trưng, đó là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ vào trong cuộc sống hiện đại mà những gì diễn ra tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hôm nay là thí dụ điển hình. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, mà còn là nơi 200 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo thăng hoa trong cảm xúc, thể hiện những ý tưởng sáng tạo với các không gian triển lãm như: Tiếng gọi, Bến chờ, Góc ký ức, Dòng chảy di sản, Pavilon kiến trúc Nhà mát và vẽ lại giấc mơ hiện đại, Con đường trải nghiệm với các hoạt động sáng tạo cộng đồng, ẩm thực.

Đánh thức di sản “ngủ quên“ - ảnh 3
Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ

Bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam khẳng định: Với hơn một nghìn năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đó là bốn năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO với tư cách là Thành phố Sáng tạo lĩnh vực Thiết kế. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Thông qua quan hệ đối tác công - tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế xã hội, khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.

Đánh thức di sản “ngủ quên“ - ảnh 4
Chương trình nghệ thuật "Dòng chảy" được dàn dựng công phu

Tại lễ khai mạc, các đại biểu cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật "Dòng chảy" được dàn dựng công phu. Chương trình gồm hai chương: "Qua miền ký ức" và "Ước vọng" như một lời nhắn nhủ từ quá khứ và bước tới tương lai với điểm tựa từ di sản. Điểm nhấn của chương trình là tiết mục Vọng âm, trình diễn nghệ thuật sân khấu thời trang quý tộc cổ thời Lê, Lý, Trần và diễu hành kỵ xạ binh, được thực hiện bởi các nghệ sĩ, đội kỵ xạ trang phục chiến tướng thời Trần.

Đánh thức di sản “ngủ quên“ - ảnh 5
Các đại biểu trải nghiệm di sản

Điểm nhấn của chương trình là tiết mục “Vọng âm”, trình diễn nghệ thuật sân khấu thời trang quý tộc cổ thời Lê, Lý, Trần và diễu hành kỵ xạ binh, biểu diễn bởi NSND Ánh Dương, NSƯT Trung Vân, NSƯT Quang Cường, NSƯT Nguyễn Quyên (cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam), kèn chiến NSƯT Ngọc Khánh, nhóm múa, đội kỵ xạ trang phục chiến tướng thời Trần, 30 người mẫu và các phục trang cổ của Vạn Thiên Y.

Bên cạnh đó, chương trình còn bao gồm rất nhiều những tiết mục hấp dẫn khác như: Liên khúc "Qua miền ký ức"; Liên khúc là sự kết hợp với bản phối đương đại từ chất liệu dân gian truyền thống Việt Nam như: Dân gian Bắc bộ, Lưu thủy kim tiền, Lý ngựa ô… Không gian sân khấu chính được thiết kế với triết lý Việt xưa “Nương theo cảnh quan" nhằm tôn vinh và hòa mình vào bối cảnh địa lý đặc thù di sản công nghiệp của Nhà máy xe lửa Gia Lâm...

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra đến hết ngày 26/11.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề

Kể câu chuyện văn hóa làng nghề

(PNTĐ) - "Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng - những cơ hội của tương lai" là tên của buổi tọa đàm diễn ra sáng 11/5, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội do Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt phối hợp với Ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng tổ chức. Tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn vốn cổ, lưu giữ những tinh hoa của nghề gốm trường tồn hàng trăm năm, kể câu chuyện văn hóa làng nghề cho đời sau.
Chuyến xe tử tế tháng 5: Thực hiện “ước mơ của mẹ” tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

Chuyến xe tử tế tháng 5: Thực hiện “ước mơ của mẹ” tại Nhà trẻ em núi Ba Vì

(PNTĐ) - Nhân dịp ngày 12/5 – Ngày của mẹ,“Chuyến xe tử tế”nằm trong series chương trình truyền hình"Việc tử tế" đã có một hành trình đặc biệt, thực hiện 3 điều ước của mẹ Oanh và các con ở Nhà trẻ em núi Ba Vì- nơi mẹ Oanh đã nuôi dưỡng và chăm sóc những đứa con không cùng máu mủ ruột rà suốt hơn 20 năm qua.