Dấu ấn đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam đương đại

Chia sẻ

Lần đầu tiên trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, một tác phẩm panorama (tranh tròn) hoành tráng, khắc họa trọn vẹn những vất vả, cam go cùng ý chí kiên cường của cả dân tộc trong 56 ngày đêm chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được thực hiện công phu, hoành tráng.

Tái hiện chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ của quân và dân Việt Nam, tạo nên Chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ký kết Hiệp định Geneve chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương (1945-1954), miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Những khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên đó đã được tái hiện đầy đủ, sống động và chân thực trong bức tranh tròn hoành tráng mang tên chiến dịch: “Điện Biên Phủ”. Bức tranh do Công ty TNHH MTV Bảo tồn Di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hoá Việt Nam) thực hiện, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Xưa nay, nói về nghệ thuật hội họa tranh tròn, thế giới thường nhắc đến “Trận chiến Borodino”. Tuy nhiên, nếu như “Trận chiến Borodino” tái hiện một trận đánh cụ thể và không có hồi kết trong lịch sử nước Nga, thì bức tranh panorama “Điện Biên Phủ” lại khắc họa toàn cảnh một trận chiến, từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến ngày toàn thắng.

Bức tranh panorama “Điện Biên Phủ” những ngày này đang được gấp rút hoàn thiện để phục vụ du khách đúng dịp chào mừng 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2021).

Ông Nguyễn Văn Mạc, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa chia sẻ, từ năm 2012, ý tưởng thực hiện bức tranh panorama về chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được đề ra, khi tỉnh Ðiện Biên có chủ trương xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Trong thiết kế kiến trúc của tòa nhà bảo tàng cũng dành riêng toàn bộ không gian tầng 2 để thực hiện bức tranh tròn hoành tráng này.

Sau khi hoàn thành phần trưng bày nội thất bảo tàng, cuối năm 2015, ông Nguyễn Văn Mạc đã đề xuất việc thực hiện bức tranh. Ông đã tiến hành tuyển chọn, thu thập các cứ liệu để trên cơ sở đó, lên đề cương nội dung, ý tưởng thể hiện bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một tác phẩm nghệ thuật đồng hiện, miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7/5/1954. Ở đó, mọi sự kiện, khoảnh khắc cùng những hình ảnh tiêu biểu nhất trong 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt của quân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp đều được tái hiện chân thực và sinh động.

Tập thể họa sĩ tham gia vẽ bức tranh đã cố gắng cao nhất để tái hiện cuộc sống chiến đấu anh dũng của quân đội ta, giúp người xem có cảm giác như đang tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến cùng niềm vui, niềm hân hoan khi giành chiến thắng. Một vòng tròn khép kín với 4 trường đoạn liên hoàn đưa người xem đặt chân vào một không gian đồng hiện vô cùng sống động. Nhịp điệu của tranh biến chuyển theo từng trường đoạn.

Những hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện sinh độngNhững hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện sinh động.

Tái hiện hình ảnh hơn 4.500 nhân vật

Điều đặc biệt là toàn bộ bức tranh được vẽ theo trường phái tả thực, thể hiện hơn 4.500 nhân vật giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và chiến trường Điện Biên khốc liệt… Để có thể hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ đó, trong vòng 2 năm, các họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia thể hiện tác phẩm dường như đã phải “ăn ngủ” cùng tác phẩm. Bức tranh tròn “Điện Biên Phủ” có thể nói là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới, là bước đột phá về tranh lịch sử của Việt Nam.

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, đây là tác phẩm hoành tráng không chỉ về quy mô, kích thước mà trên hết là chất lượng nghệ thuật. 4 trường đoạn được thể hiện một cách nhuần nhuyễn, xuyên suốt, khẳng định tính hợp lý của ý tưởng thiết kế bảo tàng dành cho việc thể hiện bức tranh tròn. Lần đầu tiên trong lịch sử hội họa, Việt Nam tự hào có được một công trình hoành tráng, thu hút, khắc họa một cách chân thực về không khí, không gian các sự kiện đã diễn ra trong suốt chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Không gian rộng lớn của chiến dịch đã được thể hiện và xử lý một cách chuyên nghiệp qua kỹ thuật sơn dầu, acrylics.

Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành, nhóm tác giả trẻ đã khiến Hội đồng nghệ thuật thực sự bất ngờ. Có thể khẳng định, bức tranh tròn “Điện Biên Phủ” là một tiến bộ vượt bậc của ngành Mỹ thuật Việt Nam, với sự chỉn chu và chuyên nghiệp.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định, đây là bức sử thi hội họa lớn nhất, tái hiện toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ trong một không gian đồng hiện đa hướng, đa tầng. Nhóm họa sĩ trẻ thực sự đã khiến thế hệ họa sĩ tạo hình đi trước bất ngờ. Với sự chuyên nghiệp, các họa sĩ đã thể hiện “dung nhan” của hơn 4.500 nhân vật trong một bức tranh toàn cảnh một cách nhuần nhuyễn, xuyên suốt. Tổng quan hoành tráng của tác phẩm chắc chắn đã mang đến một áp lực cho nhóm họa sĩ, nhưng ngược lại, cũng là cơ hội để họ khẳng định khả năng nghề nghiệp của mình. Ngôn ngữ hội họa hiện thực và hàn lâm ở đây đã được các tay nghề trẻ khai thác và tạo nên cảm xúc mãnh liệt, dài hơi đối với người xem.

Quá trình hình thành nên bức tranh tròn “Điện Biên Phủ” cũng cho thấy hội họa Việt Nam đã độc lập, tự tin thiết lập nên một lộ trình riêng biệt cho bức tranh sử thi hiện thực hoành tráng này. Bức tranh chính là lời tri ân chân thành, sâu sắc đối với những người lính, những anh hùng liệt sĩ trong chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ năm xưa.

Bài và ảnh: THANH TRANG

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.