Dấu ấn từ những con đường bích họa ở Thủ đô

Chia sẻ

Những con đường bích họa ngày càng xuất hiện nhiều hơn, sáng tạo hơn trên khắp lối Thủ đô không chỉ đem đến điểm nhấn ấn tượng cho đường làng, ngõ xóm, khu phố, mà còn góp phần gắn kết tình cảm giữa người dân với nhau, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống…

Làng quê thay áo mới, “hoa” nở giữa phố phường

Cách trung tâm Hà Nội gần 20km, Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là một ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời, vốn được biết đến là làng trồng rau củ, quả nổi tiếng. Giữa năm 2019, tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (Arts Build Communities - ABC) đã khởi xướng ý tưởng biến nơi đây thành ngôi làng bích họa đầu tiên của Hà Nội. Bằng chất liệu dân sinh quen thuộc, nhóm họa sĩ trẻ đã biến Chử Xá thành làng bích họa tràn đầy màu sắc. Từ sạp hàng đến luống rau, quả bí... đều lần lượt xuất hiện vô cùng ấn tượng trên những bức tường vốn cũ kỹ trước đó.

Được biết, mỗi bức tranh cần 3-4 ngày để hoàn thiện, bức tranh lớn nhất rộng gần 30m2. Mỗi bức bích họa đều rất đơn sơ bằng chất liệu hình ảnh quen thuộc từ chính người nông dân Chử Xá và đời sống của họ. Các mẫu thiết kế sau đó được xin ý kiến cộng đồng dân cư và chính quyền trước khi chuyển cho các họa sĩ đưa vào triển khai thực tế.

Những bức tường mốc meo ngày nào từ khi được khoác lên mình tấm áo mới trở nên đẹp đẽ, sống động lạ thường. Cả ngôi làng bỗng đẹp hơn, trữ tình hơn khiến lòng người nông dân Chử Xá hồn hậu, chân chất cũng thấy phấn khởi, bởi trong tương lai có thể sẽ khai thác được tiềm năng du lịch.
Nửa hồn là quê, nửa đã thành phố thị, ngôi làng ven đô Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) vẫn còn đó nhiều hình ảnh bình dị của làng quê với ngõ xóm quanh co cùng những mái nhà khuất sau tán cây xanh mát. Nhiều tháng nay, nơi đây thu hút thêm sự chú ý nhờ những bức tranh tường đa sắc chạy dài như một triển lãm thu nhỏ. Đặc biệt, nguồn vật liệu đặc biệt làm ra những tác phẩm này hầu hết đều là phế liệu, như: Mảnh chai, lọ thủy tinh, bát, đĩa, gạch, ngói vỡ…

Người khởi xướng con đường đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Hiên (tổ dân phố Hoàng Liên 2) cho biết đã ấp ủ từ lâu, đến khi bắt tay vào làm cuối năm 2020, ý tưởng vẫn vấp phải sự nghi ngại của nhiều người. Chỉ đến khi bức tranh đầu tiên hoàn thành nhờ sự tài hoa của người nghệ sỹ, kết hợp hoàn hảo những thứ tưởng chừng bỏ đi trở nên có bố cục, hình khối hợp lý, bà mới thật sự được mọi người tin tưởng. Đến nay, con đường tranh của làng Liên Mạc đã có được hơn 20 tác phẩm ghép gốm, sứ… nối dài, tạo hình ảnh ấn tượng, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường. Người dân trong làng đang tiếp tục bắt tay vào việc nối dài con đường tranh, để quê hương ngày càng văn minh, sạch đẹp.

Vẽ tranh bích họa, thay áo mới cho các bức tường cũ không phải là cách làm mới trong xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư. Nhưng làm thế nào để những bức tranh làm thay đổi suy nghĩ bảo vệ môi trường của người dân, đồng thời gắn kết tình làng nghĩa xóm, thì không phải ở đâu cũng làm được, đòi hỏi cái tài dân vận của người đứng đầu và sự khéo léo phối hợp của cán bộ và nhân dân.

Từ một bức tường sắp đổ, trở thành nơi tập kết rác, mất mỹ quan đô thị, chỉ trong một thời gian ngắn họp bàn rồi đồng lòng triển khai, đến nay, diện mạo bức tường quanh ngách 269 Ngõ Quỳnh, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng là 26 bức tranh dân gian nối tiếp nhau, được bà con nhân dân khu phố chung tay vẽ. Đan xen giữa các bức tranh là các chậu hoa được treo cao, tưới tự động, phun sương, tạo nên cảnh quan rất đẹp mắt và văn minh. Quan trọng hơn cả, là khu phố đã không còn cảnh ùn ứ, tập kết rác bừa bãi.

Con đường tranh ghép gốm, sứ của làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)Con đường tranh ghép gốm, sứ của làng Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)

Tình yêu Thủ đô và trách nhiệm cộng đồng

Chủ tịch UBND phường Liên Mạc Nguyễn Huy Tưởng đánh giá dự án tranh tường của người dân làng Liên Mạc vừa phát huy ý thức, trách nhiệm chung tay làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường, vừa gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Từ các tổ dân phố đầu tiên là Hoàng Liên 2, Hoàng Liên 1, Hoàng Liên 3 triển khai thành công, UBND phường đã đề nghị các tổ dân phố còn lại trên địa bàn nhân rộng mô hình, hướng dẫn đắp, vẽ và thống nhất về kỹ thuật, nội dung cho phù hợp với cảnh quan và tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Theo bà Tạ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội LHPN quận Hai Bà Trưng, vẽ tranh bích họa, xây dựng con đường hoa… là những việc làm vốn đã rất thiết thực và quen thuộc với các tầng lớp phụ nữ trong toàn quận, không chỉ cho thấy tinh thần xung kích, hăng hái của cán bộ, hội viên phụ nữ mà còn khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong sự phát triển chung của địa phương, góp phần vào thành công của những sự kiện trọng đại của quận, Thủ đô và đất nước, là minh chứng cho hiệu quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở trong việc gắn kết cộng đồng, vì lợi ích chung.

Không thể đếm được chính xác có bao nhiêu con đường bích họa đã và đang khoe sắc cho Thủ đô, bởi bất kỳ người dân, làng quê, hay khu phố nào cũng có thể làm nên những bức tranh đầy màu sắc ấy bằng tình yêu và trách nhiệm.

Thời gian gần đây, những công trình tranh bích họa xuất hiện ngày một nhiều nội dụng đa dạng, được đầu tư kỹ lưỡng và mang ý nghĩa nhân văn như: Chung tay bảo vệ môi trường; phòng, chống dịch Covid-19… Các mô hình tranh bích họa không chỉ góp phần tạo diện mạo mới tại các không gian sống, không gian du lịch của Thủ đô mà còn trở thành phương thức tuyên truyền hiệu quả, giúp người dân thêm thích thú, tự hào để từ đó chung tay giữ gìn ngõ phố nơi mình sinh sống thêm xanh, sạch, đẹp.

TRÂM ANH

Tin cùng chuyên mục

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Hoa hậu Đoàn Thu Thuỷ kêu gọi bảo vệ môi trường xanh nhân Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Thu Thuỷ chia sẻ, với vai trò Đại sứ thiện chí chương trình "Phú Thọ - Khát vọng xanh" tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, cô vô cùng vinh hạnh khi được góp phần nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng tới cộng đồng về bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.