PGS.TS Phạm Quang Long:

“Đề cương về văn hóa đang hòa nhịp cùng thời đại”

Ngọc Hân (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tháng 2/1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội). 80 năm qua, Đề cương như một Cương lĩnh văn hóa của Đảng, thực sự trở thành sức mạnh tư tưởng soi đường cho quốc dân đi.

“Đề cương về văn hóa đang hòa nhịp cùng thời đại” - ảnh 1
PGS.TS Phạm Quang Long. Ảnh: N. Hân

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, Báo Phụ nữ Thủ đô có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Phạm Quang Long - nguyên Phó Giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội - về giá trị của Đề cương về văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.  

Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng vị thế quan trọng của văn hóa trong sự phát triển chung. Điều đó được thể hiện như thế nào qua Đề cương về văn hóa, thưa ông? 

PGS.TS Phạm Quang Long: Còn nhớ thời kỳ những năm 1930 của thế kỷ trước, trên mặt trận tư tưởng và văn học nghệ thuật, Đảng ta đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng và đấu tranh với những quan điểm sai trái, cử cán bộ của Đảng hoạt động trong lĩnh vực này vừa để tuyên truyền vận động cách mạng, vừa để văn hóa không xa rời đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân. Đến khi Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời, Đảng đã xác định rõ nét hơn 3 lĩnh vực tư tưởng, học thuật và nghệ thuật - ba lĩnh vực đang bộc lộ cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt nhất, có nguy cơ làm chệch hướng văn hóa Việt Nam ở vào giai đoạn bước ngoặt quan trọng cho một cuộc cách mạng xã hội. Ngoài những vấn đề này, nhiều lĩnh vực khác của văn hóa cũng đã được đề cập đến nhưng quan trọng hơn cả là tổ chức xúc tiến thành lập các tổ chức Văn hóa cứu quốc và cử cán bộ của Đảng vào hoạt động trong các tổ chức ấy.

Hiện chúng ta đang xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc, cộng đồng, gia đình, cá nhân cũng là do Đảng ta đặt cuộc cách mạng văn hóa không chỉ như là một bộ phận cấu thành của cuộc cách mạng xã hội mà còn là đích phấn đấu của một xã hội hiện đại, văn minh vì hạnh phúc của nhân dân. 

Đề cương về văn hóa có tác dụng lớn tập hợp lực lượng những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận văn hóa cứu quốc. Theo ông đâu là lý do tạo nên sức hút đó?

PGS.TS Phạm Quang Long: Tôi chỉ nhắc lại ý nhiều người đã nói là do Đề cương về văn hóa đặt vấn đề cứu nước, phục hưng dân tộc, đem lại quyền lợi đã bị chế độ thực dân, phong kiến tước đoạt cho nhân dân nên nó có sức thu hút, tập hợp lực lượng rất lớn. Giáo sư (GS) Trần Quốc Vượng kể rằng thế hệ cha ông- những trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, thậm chí cả quan lại… ngay cả khi chưa hiểu gì về chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giai cấp, quốc tế vô sản nhưng nghe theo lời Hồ Chủ tịch, nghe theo lời hiệu triệu Tổ quốc trên hết của Nhà nước mà họ đã đi theo Chính phủ kháng chiến, toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước. Gần như tuyệt đại bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả những doanh nhân, quan lại, công chức của chính quyền cũ đã nghe theo lời hiệu triệu này, đứng về phía kháng chiến, trực tiếp tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến. Sức mạnh của văn hóa lớn như vậy đó và nó thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi” như lời Hồ Chủ tịch đã nói.

Đề cương về văn hóa mang lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Long: Theo tôi, Đề cương văn hóa và phong trào văn hóa cứu quốc đã làm thay đổi tận gốc diện mạo tinh thần dân tộc, đặc biệt là sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Chỉ nhìn từ góc độ dân khí và dân trí nước nhà có nhà nghiên cứu đã nói đó là một thay đổi lớn lao chưa từng có. Văn hóa hóa kháng chiến và kháng chiến hóa văn hóa trở thành nếp sống của cả dân tộc. Làm được điều đó là một thành tựu vô cùng lớn lao.

Theo ông, Đề cương về văn hóa có vai trò thế nào để góp phần thực hiện được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh?

PGS.TS Phạm Quang Long: Như tôi đã nói ở phần đầu là những tư tưởng lớn của Đề cương về văn hóa hiện nay vẫn tiếp tục góp sức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh. Năm 2021, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền đi thông điệp này. Nó là sự tiếp tục tinh thần văn hóa soi đường cho quốc dân đi mà gần một thế kỷ trước Hồ Chí Minh đã nêu ra. Chúng ta nhận thức Đề cương về văn hóa không phải chỉ như một văn bản của một thời kỳ lịch sử đã qua mà như một tư tưởng văn hóa giàu sức khai phóng đang nhịp bước cùng thời đại, đang sống cùng chúng ta ở những hệ giá trị mới. Chúng ta cần tiếp tục nhận thức sâu hơn, gần với bản chất của vấn đề hơn trong mối tương quan với điều kiện hiện tại để đề ra những bước đi thích hợp, khoa học hướng tới mục tiêu đa xác định. Hướng ấy không thay đổi, chỉ khác ở những phương thức mới, nội dung mới. Hệ giá trị mà chúng ta đang xây dựng, suy cho cùng cũng bắt đầu từ ba phương châm mà Đề cương về văn hóa đã nêu ra.

Xin cảm ơn Ông!

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.