Để nghệ thuật biểu diễn có sức hút, đáp ứng yêu cầu của thị trường

Chia sẻ

Để phát triển công nghiệp văn hóa làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý đang có những đóng góp cho TP. Hà Nội trên các lĩnh vực, trong đó riêng đối với nghệ thuật biểu diễn.

Có ý kiến cho rằng cần nhìn nhận và tiếp cận theo hướng tư duy thị trường, mạnh dạn giao các dự án của Thành phố cho các đơn vị tư nhân có uy tín và năng lực...

Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII TP. Hà Nội đã lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô.

Để đảm bảo tính khoa học và khả thi trong thực tiễn của Nghị quyết chuyên đề, Thành ủy Hà Nội tiến hành triển khai xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức… nhằm đánh giá thực trạng 13 lĩnh vực liên quan để hoàn thiện đề án.

Để nghệ thuật biểu diễn có sức hút, đáp ứng yêu cầu của thị trường - ảnh 1

Cần sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng

Riêng đối với nghệ thuật biểu diễn, Thành ủy Hà Nội xác định Hà Nội là địa phương có chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao. Đó cũng là ưu thế đặc biệt của công chúng Hà Nội khi được tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn từ nhiều nguồn phong phú, chất lượng. Đồng thời, đó cũng là thị trường khá thuận lợi, hấp dẫn để phát triển biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng.

Tại Hà Nội, 6 đơn vị biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng đều có rạp để tập luyện và biểu diễn (Nhà hát Chèo; Nhà hạt kịch Hà Nội; Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long; Nhà hát Cải lương Hà Nội; nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ tại 21-23-25 Thái Thịnh). Ngoài ra Hà Nội hiện có 11 đơn vị nghệ thuật Trung ương đóng trên địa bàn. Trong 5 năm qua, 6 nhà hát nghệ thuật của Thành phố đã tổ chức 12.000 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có hơn 1.800 buổi nghệ thuật phục vụ biểu diễn nghệ thuật chính trị, doanh thu đạt hơn 234 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của nhiều hình thức nghệ thuật và sự bùng nổ của công nghệ thông tin nên số lượng khán giả tới sân khấu truyền thống đã giảm hơn trước. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm cho không gian văn hóa truyền thống ngày càng thu hẹp. Việc khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở vật chất các rạp hát đang là thách thức với các đơn vị quản lý bởi vẫn nặng quản lý theo hướng bao cấp, chưa có những cách thức tổ chức quản lý vận hành tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Nghệ sỹ Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ảnh: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.Nghệ sỹ Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ảnh: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Đóng góp ý kiến cho sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn, ThS. Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho rằng đối với nghệ thuật biểu diễn, tại Việt Nam hiện nay đang có những tiềm năng khá tốt. Trong đó, tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng và tài năng; tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin; thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Tiếp theo là phát triển năng lực sáng tạo nhằm đào tạo những lứa nghệ sỹ mới tài năng.

Để có thể đưa ngành nghệ thuật biểu diễn phát triển lên một tầm cao mới, có thể đóng góp vào nguồn thu của nền kinh tế, theo bà Trần Ly Ly, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. Chú trọng hướng phát triển của nghệ thuật biểu diễn để có được một “nền văn hóa đỉnh cao” mà các thành phố lớn trực thuộc trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, cần phải có. Đó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm.

Theo bà Trần Ly Ly, các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công (không đưa trực tiếp vào show diễn, chẳng hạn tài trợ được địa điểm biểu diễn bằng cách xây dựng một nhà hát đủ chuẩn); nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ…) mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững.

Trong những năm gần đây, dù ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đã tăng lên nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của lĩnh vực này. Vì vậy, cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật.

Nhạc sĩ Quốc TrungNhạc sĩ Quốc Trung

Cần nhìn nhận phát huy theo tư duy thị trường

Còn đối với nhạc sĩ Quốc Trung, để phát triển công nghiệp văn hóa thì cần đánh giá, nhìn nhận và tiếp cận theo hướng tư duy thị trường, mà yếu tố để phát triển thị trường nằm ở sự cạnh tranh. Theo đó, cạnh tranh lành mạnh để phát triển, cạnh tranh để phát huy sáng tạo.

Trong nhiều năm qua các đơn vị nghệ thuật nhà nước, các trung tâm và hoá nghệ thuật của nhà nước tuy đã được đầu tư về cơ sở vật chất nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc xây dựng nguồn lực. Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, thực tế là các đơn vị nghệ thuật nhà nước còn dựa rất nhiều vào nguồn lực bên ngoài. Trong khi đó, các đơn vị tư nhân lại có tính nhanh nhậy của thị trường, có cơ chế tạo năng lực cạnh tranh và có sức hút về nguồn lực cũng như đội ngũ sáng tạo.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Hà Nội nên cởi mở hơn và xoá bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng được nguồn lực xã hội hoá, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển chung của toàn Thành phố. Thành phố nên mạnh dạn giao các dự án của Thành phố cho các đơn vị tư nhân có uy tín và năng lực, xây dựng các chế độ quản lý chất lượng, chế độ ngân sách tài chính...

Thành phố cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng của xã hội. Cụ thể như dám giao, dám làm và dám nhận trách nhiệm với Thành phố, với công chúng và nhân dân, từ đó tạo nên sự đa dạng trong biểu đạt văn hoá, giao thoa bình đẳng với các nền công nghiệp văn hóa phát triển.

Cần khuyến khích sự tham gia của các thành phần tư nhân với thế mạnh là năng lực sáng tạo. Nếu quan sát quá trình xã hội hoá công nghiệp văn hóa trong những năm qua, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng chưa thực sự thấy rõ sự khuyến khích phát triển, đa phần xã hội hoá vẫn được hiểu là dùng ngân sách của các doanh nghiệp hoặc đổi ngân sách lấy chính sách quảng bá thương hiệu của các nhãn hàng. Các đơn vị tư nhân ít có cơ hội tham gia các dự án của Thành phố và các đơn vị của Thành phố lại ít có năng lực tham gia đời sống văn hoá.

“Công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra những sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác những giá trị văn hóa và sản xuất những sản phẩm và dịch vụ dựa vào tri thức” (Công ước UNESCO 2007).

 GIA HUY/VGP

Tin cùng chuyên mục