Di sản văn hoá Hà Nội: Kho báu của thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
(PNTĐ) -Sở hữu quỹ di sản văn hoá đồ sộ, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng các di sản văn hóa với hệ thống gần 6.000 di tích, bao gồm cả di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp Thành phố… Với kho báu được thế hệ tiền nhân để lại, Hà Nội là địa phương có thế mạnh về phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Kỳ 1: Bài toán hài hoà giữa bảo tồn và phát triển
Mặc dù mang trong mình tài sản vô giá là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được cha ông truyền lại, có lợi thế phát triển du lịch theo hướng bền vững, nhưng Hà Nội vẫn đứng trước nhiều thách thức để giải quyết hài hoà bài toán bảo tồn và phát triển.
Đánh thức tiềm năng
Nhìn nhận kho báu khổng lồ về di sản văn hoá là thỏi nam châm tạo sức hút, tạo nguồn lực cho sự phát triển bền vững, những năm qua, du lịch văn hoá, trong đó việc khai thác và phát huy giá trị của những di tích đã được Hà Nội đặc biệt chú trọng, quan tâm. Công tác bảo tồn, giữ gìn trọn vẹn những giá trị của các di sản cũng luôn được đặt vị trí ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, thì việc khai thác kho di sản khổng lồ này nhằm phục vụ phát triển bền vững trên địa bàn Thủ đô vẫn còn khiêm tốn. Đánh thức tiềm năng vẫn luôn là bài toán được đặt ra.
TS. Bùi Thị Thu Phương, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng, ngày nay, nhiều di sản văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa và là điểm đến của nhiều du khách. Hoàng thành Thăng Long sau 13 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đã thực hiện đầy đủ các công tác về di sản thế giới như quy hoạch, thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ gồm 8 điểm với Ủy ban Di sản Thế giới… Những kết quả đó làm tiền đề cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long trong những năm qua và những năm tiếp theo.
Với mục tiêu đưa di sản trở thành một điểm đến hấp dẫn và quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong tuyến du lịch tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội xác định ngoài các hoạt động về quản lý, bảo tồn, tôn tạo, còn cần đề ra các kế hoạch phát huy giá trị của khu di sản nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc; đưa di sản trở thành điểm tham quan, học tập, nghiên cứu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau; tổ chức không gian sáng tạo tại khu di sản... Việc ra mắt sản phẩm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và các hoạt động phụ trợ đã sớm tạo sức lan toả, góp phần phát triển kinh tế đêm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, các cuộc trưng bày triển lãm không chỉ góp phần minh chứng quy mô lớn rộng, sự phong phú, đa dạng của khu di sản Hoàng thành Thăng Long mà còn phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác tuyên truyền quảng bá giá trị di sản, đáp ứng nhu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội, cho rằng, du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hoá mà Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển. Một trong 5 nguyên tắc phát triển du lịch có nhấn mạnh “phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng”. Tuy nhiên cần hiểu rõ, di sản văn hóa, bảo tàng và các giá trị văn hóa chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch, tự thân chúng chưa phải là sản phẩm văn hóa/loại hàng hóa đặc thù.
“Công nghiệp văn hoá hay du lịch văn hóa phải được thừa nhận là một ngành kinh tế độc lập trong lĩnh vực văn hóa. Do đó, di sản văn hóa và du lịch có tính nguyên hợp, tuy hai mà cũng là một, gắn bó hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau. Nguồn thu từ du lịch/công nghiệp văn hoá phải được tái đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di sản văn hoá (tài nguyên du lịch) một cách tương xứng với mục tiêu duy trì và gia tăng nguồn vốn cho phát triển du lịch…” - PGS.TS Đặng Văn Bài nhìn nhận.
Hài hoà giữa bảo tồn và phát triển
Đánh thức tiềm năng, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển đang được đặt ra trong lộ trình phát huy giá trị của nhiều di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hoả Lò, đền Ngọc Sơn…
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, đô thị hóa là quá trình tất yếu và khách quan, song để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yêu cầu quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị và tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị. Mục tiêu này được thể hiện rõ nét trong quy hoạch là bước đi đầu, là định hướng - công cụ quản lý phát triển.
“Giai đoạn tới, Quy hoạch Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2045, để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” đã đề cập đến phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô cần chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó có di sản vật thể…”- ông Đào Ngọc Nghiêm lưu ý.
Là nơi hội tụ gần như đầy đủ các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu với những giá trị nổi trội, thời gian qua, ngành Văn hóa Hà Nội đã cố gắng tối đa nhằm thực thi hiệu quả trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại; khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…Nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình du lịch của Thủ đô như Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm…
Theo TS. Bùi Thị Thu Phương, kho tàng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại chính là một tài sản to lớn và quý giá, một nguồn lực cho phát triển bền vững của Hà Nội.
“Thế hệ ngày nay có trách nhiệm bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô và để chuyển giao tài sản cho thế hệ mai sau, cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bền vững, thành phố Hà Nội cần có đủ điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tri thức để triển khai số hóa dữ liệu và di sản văn hóa để có thể khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý và trao đổi thông tin; để phát huy giá trị di sản, Ban Quản lý các khu di sản cần đẩy mạnh công tác marketing, nghiên cứu thị trường...”- theo TS Bùi Thị Thu Phương.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cũng nhận định, chủ trương bảo tồn và phát huy thật tốt các giá trị của khu di sản của Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội là vô cùng sáng suốt và đúng đắn, đáp ứng yêu cầu số 1 của UNESCO là di sản phải được sống giữa cộng đồng; cộng đồng phải được thực hành và hưởng thụ di sản. Ông nhấn mạnh, muốn đề ra được các chủ trương và giải pháp đúng đắn, trước hết chúng ta cần xem xét cụ thể khu di sản của chúng ta hiện có những gì.
Bài 2: Còn nhiều điểm nghẽn cần “khơi thông”