Điện ảnh Việt năm 2023: Đang chờ hừng đông bừng sáng

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khán giả vẫn tin tưởng “hừng đông” của phim Việt sau đại dịch sẽ sớm xuất hiện khi dịp cuối năm và Tết là cuộc đổ bộ của loạt phim “bom tấn”. Dù khi phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, năm 2022 là năm thất bát của phim Việt với hàng loạt những tác phẩm ra rạp trước sự thờ ơ của khán giả, thất bại nặng nề về doanh thu.

Điện ảnh Việt sau một năm nhiều tiếc nuối 

Sau đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất và phát hành nỗ lực cố gắng phục hồi thị trường phim ảnh với việc phát hành một số tác phẩm được đầu tư lớn. Có khoảng 35 phim Việt ra rạp trong năm 2022, nhưng có tới hơn 20 phim trong số đó đạt doanh thu dưới 10 tỷ đồng trong một thống kê sơ bộ. Tham khảo Box Office Vietnam - đơn vị phân tích dữ liệu doanh thu phòng chiếu trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cán mốc 100 tỷ đồng duy nhất có phim Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. 

Một số phim đạt doanh thu tốt nhưng không thể gia nhập “câu lạc bộ trăm tỷ”, bao gồm: Bẫy ngọt ngào (83 tỷ đồng), Nghề siêu dễ (70 tỷ đồng), Chuyện ma gần nhà (63 tỷ đồng), Cô gái từ quá khứ (53 tỷ đồng).

Thực tế, 2022 là năm đáng buồn và tiếc nuối của điện ảnh Việt. Nhiều phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng, được đánh giá chất lượng khá nhưng doanh thu phòng vé thấp thê thảm. Một trong số đó phải kể đến 578: Phát đạn của kẻ điên của đạo diễn Lương Đình Dũng được công bố mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, nhưng chỉ thu về hơn 3,5 tỷ đồng. Tác phẩm được đánh giá cao những phân cảnh hành động, đánh đấm, rượt đuổi... nhưng kịch bản được cho là dễ đoán, thiếu bứt phá và chưa chạm tới cảm xúc của người xem. 

Điện ảnh Việt năm 2023: Đang chờ hừng đông bừng sáng - ảnh 1
  Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ” Ảnh: NSX

Hay như phim thiếu nhi Việt hiếm hoi ra rạp năm 2022 là Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác, được đầu tư 30 tỷ đồng nhưng chỉ thu được gần 5 tỷ đồng. Kể cả phim Người lắng nghe: Lời thì thầm dù đã gặt hái nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế, được khen là phim đáng xem về lĩnh vực tâm lý học lại được làm khá nghiêm túc, chỉn chu, nhưng doanh thu phim chỉ hơn 2,2 tỷ đồng. Một số phim khác như Kẻ thứ ba,  Người tình đều là “điểm đen” về doanh thu của phim Việt.

Không chỉ ghi nhận sự thất bại về doanh thu, năm 2022 còn có hàng loạt phim Việt được xếp vào hàng “thảm họa”. Huyền sử vua Đinh - bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Anthony Võ đã trở thành tâm điểm của dư luận vì chất lượng… quá tệ. Chưa cần tới rạp, nhiều khán giả đã soi được đầy sạn trong trailer từ bối cảnh, tạo hình nhân vật, hóa trang, đạo cụ, phim rút khỏi rạp, ghi nhận mức doanh thu thấp kỷ lục, chỉ đạt 42 triệu đồng.

Trước đó, khán giả đã “lắc đầu ngao ngán” khi xem bộ phim Virus cuồng loạn của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy. Khán giả nhận xét nội dung phim quá ngờ nghệch, tình tiết thì hời hợt và chắp vá không một chút sáng tạo... Diễn viên đơ cứng, không cảm xúc, phần kịch bản, kỹ xảo, âm thanh, lồng tiếng... của phim đều bị chê. Phim có doanh thu thuộc hàng thấp nhất trong lịch sử rạp Việt với tổng cộng 144 triệu đồng, sau 2 tuần công chiếu.

Một phim thảm họa khác năm 2022 không thể không nhắc tới Cù lao xác sống. Phim xây dựng nhiều tuyến nhân vật chạy trốn zombie trên một cù lao. Cốt truyện nhàm chán, ôm đồm, hình ảnh zombie chậm chạp và không đáng sợ, tâm lý nhân vật khiên cưỡng… gây thất vọng. Không ít ý kiến cho rằng nhà sản xuất coi thường khán giả khi cho ra mắt một dự án phim mà từ poster, trailer đến tạo hình nhân vật đều được thực hiện sơ sài, không đạt chuẩn để chiếu rạp.

Những thất bại liên tiếp năm 2022 sẽ là bài học lớn để các nhà làm phim có những thay đổi, nâng cao chất lượng trong năm 2023 tới đây.

Hy vọng vào mùa xuân mới của điện ảnh Việt 

Tháng cuối năm 2022, 3 tác phẩm điện ảnh Việt ra rạp đều được kỳ vọng sẽ “khuấy đảo” phòng vé, đó là Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Thanh Sói của Ngô Thanh Vân, Đảo độc đắc của đạo diễn Lê Bình Giang. 

Tro tàn rực rỡ - tác phẩm được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư mang tên Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về,  hướng đến tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn của phái nữ đã nhận được rất nhiều giải thưởng quốc tế như: Giải Khinh khí cầu vàng (Montgolfìere d’or) tại Liên hoan Phim (LHP) Ba châu lục 2022 diễn ra ở thành phố Nantes, Pháp; giải thưởng đặc biệt Busan Awards cho dự án xuất sắc nhất và thuộc nhóm 15 dự án được chọn tham gia Cinéfondation L’atelier tại LHP Cannes 2018; phim Việt đầu tiên tranh giải tại hạng mục Official Competition (Tranh giải chính thức) tại LHP quốc tế Tokyo 2022…Phim được cho là niềm tự hào, điểm sáng phim Việt ở những ngày cuối cùng của năm. 

Điện ảnh Việt năm 2023: Đang chờ hừng đông bừng sáng - ảnh 2
  Cảnh trong phim “Em và Trịnh” Ảnh: NSX

Đảo độc đắc: Tử mẫu Thiên linh cái hay Thanh Sói cũng được kỳ vọng rất lớn. Đây là hai phim được đầu tư chỉn chu, dàn diễn viên có tiếng, nên được kỳ vọng sẽ đạt thành tích phòng vé ấn tượng. 

Điện ảnh, được xác định là một mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Để công nghiệp hóa, phim Việt cần nâng cao chất lượng, giải được bài toán kinh tế, có chiến lược PR bài bản, đồng thời rạp chiếu cũng cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho phim Việt. 

Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh thêm rằng, chất lượng phim vẫn là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Một điểm lợi rất lớn của các nhà làm phim là khán giả Việt vốn không quá khắt khe, cũng chẳng ngại ngần chi tiền mua vé với điều kiện tác phẩm phải thực sự cảm xúc, hấp dẫn. Bố già của Trấn Thành, Tiệc trăng máu của Nguyễn Quang Dũng, Hai Phượng của Ngô Thanh Vân… là một số ví dụ chứng minh khán giả luôn mở lòng ủng hộ phim Việt. Dù đó chưa phải là những bộ phim thật sự xuất sắc, có giá trị nghệ thuật lớn. Nhưng, sự thật là đến giờ này, dù có dễ tính đến mấy khán giả cũng sẽ không bỏ tiền mua một sản phẩm quá tệ, hay “giải cứu” như đã từng.  

Với những điểm sáng cuối cùng tới trong năm, chúng ta vẫn chưa hết hy vọng và mong chờ vào một nền điện ảnh còn non trẻ nhưng nhiều sức sáng tạo của Việt Nam. Chắc chắn, những thất bại liên tiếp năm 2022 sẽ là bài học lớn để các nhà làm phim có những thay đổi, nâng cao chất lượng trong năm 2023 tới đây. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.