Doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội “mở cửa” trở lại

Chia sẻ

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết trong thời gian tới, thiết kế các sản phẩm phù hợp và bắt đầu tổ chức các tour du lịch trở lại.

Doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội “mở cửa” trở lại - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Hà Nội tổ chức tour nội thành đầu tiên

Chiều 23/10, những đoàn khách đầu tiên đã tham gia chương trình du lịch độc đáo ngay tại nội thành Hà Nội - tour bộ hành tham quan kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội, khám phá nét kiến trúc đặc sắc của các công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn và tòa Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ). Đây là tour do công ty lữ hành Hà Nội (Hanoitourist) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.

Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Hanoitourist cho biết: “Bám sát hướng dẫn cụ thể của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, chúng tôi đã thiết kế sản phẩm mới là tour du lịch khám phá kiến trúc Pháp dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng về di tích lịch sử, văn hóa sẵn có của Hà Nội vừa đáp ứng quy định phòng dịch, đảm bảo an toàn cho các bên tham gia. Đối với du khách, đơn vị đã kiểm tra kỹ hồ sơ sức khỏe, người trên 18 tuổi phải được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, thực hiện 5K trong quá trình tham quan. Mỗi đoàn tour sẽ không quá 10 thành viên. 3 nhóm khách đầu tiên trải nghiệm tour trong chiều ngày 23/10 đều là nhóm khách gia đình hoặc nhóm phụ huynh đặt tour trực tuyến. Trong quá trình tham quan, khám phá, du khách vừa được nghe hướng dẫn viên thuyết minh trực tiếp vừa sử dụng ứng dụng thuyết minh tự động (Audio Guide) tại khu giới thiệu trưng bày thông qua thiết bị thuyết minh cầm tay hoặc điện thoại thông minh, có kết nối Internet, giúp cho du khách chủ động tìm hiểu, tham quan và đảm bảo các đoàn sẽ giữ khoảng cách và không tiếp xúc với nhau theo phương châm "không chạm”.

Với những người dân Hà Nội, cụm di tích Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn và tòa Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ) không quá xa lạ nhưng để được nghe thuyết minh, tìm hiểu các nét đẹp riêng có trong kiến trúc của từng di tích, danh thắng thì không phải ai cũng tỏ tường.

Chị Thái Kim Tuyết - du khách tham gia tour cho biết: “Sau khi trải nghiệm, chúng tôi lĩnh hội được nhiều kiến thức chuyên sâu về nét kiến trúc đặc sắc không chỉ của các công trình tiêu biểu trong chuyến đi mà có cái nhìn tổng quan, nhận diện và hiểu rõ hơn giá trị nổi bật của các công trình kiến trúc, phong cách kiến trúc, kết nối các sự kiện, hiện vật được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Nhà hát Lớn và di tích lịch sử Bắc Bộ Phủ để hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc”.

Hướng đến việc xây dựng sản phẩm thân thiện, trải nghiệm

Cùng với Hanoitourist, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành tại Hà Nội đã sẵn sàng đón du khách trong nước. Vì vậy, trong thời gian này, các tour đường bộ, với khoảng cách không quá xa Hà Nội như các điểm đến ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc là sản phẩm chủ đạo. Còn tại công ty du lịch Vietsense Travel, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Giám đốc công ty cho biết, tái khởi động trở lại công ty hướng tới những khách hàng có sức chi trả cao, sử dụng dịch vụ cao cấp. Trong hai năm tới, doanh nghiệp hướng tới thị trường du lịch trong nước và hướng đến sản phẩm cá nhân hoá, gia đình thay vì tour đoàn doanh nghiệp và tổ chức như trước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và địa phương đang tận dụng thời gian “vàng” này để tái cơ cấu hoạt động, tái định vị cho những mục tiêu xa hơn nhằm phát triển bền vững hoạt động du lịch. Bà Trần Nguyện - Trưởng ban Kinh doanh khối Sun World, Tập đoàn Sun Groupcho biết, dự kiến những tháng đầu năm 2022, lượng du khách nội địa đi du lịch nước ngoài vẫn chưa nhiều. Đây là cơ hội để những người làm du lịch định vị và tái định vị để thu hút dòng khách quốc tế. Đặc biệt, doanh nghiệp cần bỏ cách làm theo hướng Việt Nam là điểm đến giá rẻ mà nên định hướng Việt Nam là điểm du lịch thân thiện và có những trải nghiệm tốt cho du khách, nâng cao trải nghiệm cho du khách bằng sự liên kết.

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch tin tưởng: Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm và năng lực xử lý sự cố y tế, có khả năng cô lập vùng có nguy cơ nhanh chóng. Nếu Việt Nam có thể duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp, ngành du lịch có thể phục hồi lại vào năm 2024, nhờ sự trở lại của du lịch trong nước, sau đó là du lịch quốc tế.

 Đỗ Hòa-Hạnh Lê

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.