Đọc “Trường Sa nơi ta đến” thấy yêu đất nước mình hơn

Chia sẻ

PNTĐ-Nhờ cuốn sách này mà tôi hiểu về Trường Sa, thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn.

 
Một hôm mẹ đi dự cuộc triển lãm về Trường Sa và mang về nhà cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến - Here we come” của tác giả Nguyễn Mỹ Trà, mẹ quả quyết tin chúng tôi sẽ rất thích cuốn sách này. 
 
Nhưng, tôi thất vọng vì bìa ngoài chưa thực sự bắt mắt, một nền xanh của biển và một cái nhà nổi lên mặt nước, nhưng anh tôi thì chắc chắn đây chính là một cái đảo ở trên biển. Anh ấy học lớp 7 nên rất thích tìm hiểu về lịch sử, địa lý. Tôi thấy anh bị cuốn hút vào cuốn sách, thỉnh thoảng anh lại hỏi bố, mẹ về chủ quyền biển đảo. 
 
“Mẹ ơi! Làm cách nào để ra đảo Trường Sa như cô Mỹ Trà?”. Mẹ tôi trả lời: “Con đã biết giá trị của cuốn sách này là mẹ vui rồi! Nhất định mẹ và con sẽ có ngày đến Trường Sa”. Tôi chạy đến để xem vì sao cuốn sách này lại khiến anh thích thú đến vậy? 
 
Đọc “Trường Sa nơi ta đến” thấy yêu đất nước mình hơn  - ảnh 1

 
Thì ra nghe hai tiếng Trường Sa thật nhiều trong bài hát, câu thơ nhưng phải đọc hết những dòng nhật ký của tác giả Mỹ Trà và xem minh họa bằng những tấm ảnh do chính cô chụp thì mới thấy Trường Sa vì sao lại thân thương đến thế!
 
Tôi đã cùng anh trai đến Trường Sa qua từng tấm hình và câu chữ mà tác giả gửi gắm trong cuốn sách này. Tôi thấy kiến thức về địa lý và lịch sử của tôi được bổ sung rất nhiều. Những đảo nổi, đảo chìm được mô tả rất cụ thể. Nào là đảo chìm Cô Lin thấy mà thương vì chỉ như ngôi nhà nhỏ bé trồi lên trên một dải nước xanh. Đảo Đá Lát, Đá Tây A, B, C nằm trên miệng một ngọn núi lửa cổ đại là nơi trú ngụ cho tàu thuyền khi gặp giông bão.
 
Cảm động nhất là trên đảo Sơn Ca có xây dựng công viên tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị tướng huyền thoại được những người lính đảo coi là thủ lĩnh tinh thần. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những chú bộ đội trên phim ảnh và cả trên phố nữa, các chú mặc quân phục và khá nghiêm nghị. Nhưng, ở Trường Sa thì những chú bộ đội luôn nở nụ cười thật tươi và thân thiện mà chú nào da cũng đen sạm vì nắng gió. Tôi rất thích hình ảnh chú bộ đội chắc tay súng giữ biển khơi  nhưng cũng thấy thương vì có chú nhìn xa xăm chắc là nhớ mẹ, nhớ nhà!
 
Càng đọc cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” tôi càng bị cuốn hút. Nhất là  đoạn “Chắt chiu màu xanh trên đảo”. Mặc dù được bao quanh là biển nước mênh mông nhưng đó là nước mặn, nước này không thể sử dụng trong sinh hoạt như tắm rửa, ăn uống, trồng cây... vì thế nước ngọt ở Trường Sa quý hơn cả vàng. Để trồng cây các chiến sĩ phải mang đất từ trong đất liền ra và mọi người phải tiết kiệm từng giọt nước sau khi tắm, rửa và sinh hoạt để dành tưới cây. Nhưng thật kỳ lạ, chắc cây cũng hiểu lòng những chiến sĩ nên tươi xanh khỏe mạnh.
 
Hình ảnh xúc động, khiến anh em tôi suy nghĩ nhiều hơn cả là hình ảnh về các bạn nhỏ ở Trường Sa. Các bạn giống như những người lính tí hon, rất rắn rỏi, khỏe khoắn, chắc hẳn hằng ngày đối mặt với nắng gió, bão giông, sóng nước nên mạnh mẽ, nhưng cũng hồn nhiên, đáng yêu. Hình ảnh các bạn đạp xe đến trường, quây quần bên nhau đọc sách rất đoàn kết.
 
Ở nơi đó, sau giờ học các bạn luôn chăm chỉ giúp đỡ việc nhà cho ba mẹ, bạn Phương Linh không chỉ học giỏi, hát hay mà trồng rau và nuôi gà rất siêu nhé! Những ước mơ giản dị muốn thành cô giáo của bạn Trà My 9 tuổi, hay “thành siêu nhân hồng để giỏi như các chú bộ đội hải quân” của bé Minh Thuỳ 4 tuổi thật dễ thương biết bao. Tôi thấy hơi xấu hổ khi chúng tôi quá sung sướng mà vẫn biếng lười trong học tập và hay đòi hỏi cha mẹ nhiều điều vô lý.
 
Hai anh em tôi sau khi đọc cuốn sách “Trường Sa nơi ta đến” cảm thấy Trường Sa thật thiêng liêng mà gần lắm! Trường tiểu học Lý Thường Kiệt tổ chức “Ngày hội sách” tôi đã xin mẹ mang cuốn sách đi bán đấu giá vì mong muốn các bạn học sinh và mọi người biết về giá trị của cuốn sách này.
 
Mẹ ủng hộ ngay và cùng đến trường động viên tôi. Niềm vui lớn là cuốn sách của tôi mang bán đấu giá đã đạt được con số kỷ lục 1,2 triệu đồng.
 
Điều tuyệt vời là bằng cách nào đó mẹ của tôi đã liên hệ báo tin vui cho tác giả Mỹ Trà. Và vào một ngày đầu hạ, khi cây bằng lăng trong trường bắt đầu có vài nụ hoa tim tím e ấp sau vòm lá, cô Mỹ Trà trong  tà áo dài màu xanh lam đã bất ngờ xuất hiện cùng với chú bộ đội từ Trường Sa về tại ngôi trường của tôi. Cả trường rất vui. Chú mang tặng trường một lá cờ Tổ quốc đã bạc màu sóng gió ở Trường Sa và cô Trà mang tặng nhà trường cuốn “Trường Sa nơi ta đến” có dấu đỏ của các đảo nơi cô đã tới. Cô tặng cho tôi một cuốn khác để bù cho cuốn mà tôi đã bán đấu giá. Cô đã nói lời cảm ơn tôi! 
 
Còn tôi, nhờ cuốn sách này mà hiểu về Trường Sa, thấy tự hào và yêu đất nước mình hơn.
 
Tạ Ngân An
(Học sinh lớp 5A1 - trường tiểu học Lý Thường Kiệt
- quận Đống Đa - Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

Trung uý Mai Chi ra MV tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng để làm nên “Đất nước muôn đời”

(PNTĐ) -Đúng dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ca sĩ- Trung uý Mai Chi thuộc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng ra mắt MV “Mẹ yêu con” như một nén tâm hương tưởng nhớ đến những người chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng vì độc lập, hoà bình hôm nay.
Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.
Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

(PNTĐ) - Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm đặc biệt "Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử" nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.