Mùa lễ hội 2024:

Đổi mới, an toàn, văn minh

Bài và ảnh: Vân Nga - Mai Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày đầu năm mới, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cùng khai hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Với sự chuẩn bị chu đáo của các địa phương và ngành Văn hóa Thủ đô, mùa lễ hội xuân năm nay mang đến không khí vui tươi, an toàn cho người dân và du khách.

Đổi mới, an toàn, văn minh - ảnh 1
Lễ hội đền Sóc.

Nô nức khai hội truyền thống

Lễ hội chùa Hương năm 2024 (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đã chính thức khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn với chủ đề “Văn minh, an toàn và thân thiện” với thời gian kéo dài trong 3 tháng từ 11/2-11/5 để phục vụ du khách về tham quan, lễ Phật.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn cho biết, trong ngày khai hội, đã có 30.000 lượt khách về chùa Hương. Lễ hội chùa Hương chính thức đón khách từ mùng 2 Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Trong 2 ngày (mùng 3 và mùng 4 Tết), có gần 60.000 lượt khách và cao điểm là mùng 5 Tết có gần 40.000 lượt khách. Tính đến hết ngày khai hội, lượng khách trẩy hội chùa Hương đã đến 140.000 lượt khách.

Cùng ngày Lễ hội Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) tưng bừng tổ chức khai hội. Hội Gióng là một trong những lễ hội đầu tiên ở nước ta được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng là dịp để người dân ôn lại lịch sử, ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng. Hội Gióng đền Sóc Sơn là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị từ rất sớm. Hội Gióng ở đền Sóc diễn ra trong 3 ngày từ mùng 6-8 tháng Giêng hàng năm. 

Tối mùng 6 tháng Giêng, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm 1.984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024. Tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), UBND huyện Đông Anh cũng đã tổ chức khai hội Cổ Loa xuân Giáp Thìn 2024 vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội lớn trong vùng, gọi là lễ hội Loa thành Bát xã. Lễ hội năm nay đã diễn ra nhiều nghi thức quan trọng như: Màn dâng hương của Bát xã Loa Thành; thực hành nghi thức tế, lễ; nghênh rước kiệu vua An Dương Vương... Trong ngày khai hội đã có hàng chục nghìn lượt người đến dự, dâng hương tưởng nhớ An Dương Vương. Lễ hội Cổ Loa năm nay diễn ra từ mùng 6 đến ngày 16 tháng Giêng.
Bảo đảm vui tươi và an toàn, văn minh
Có mặt tại chùa Hương dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, du khách Nguyễn Nguyên Hà, huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ: “Cảnh quan khu di tích năm nay trang hoàng đẹp đẽ. Tôi thấy các nhân viên vệ sinh thường xuyên quét dọn thu gom rác nên không gian sạch sẽ. Tại các đền, chùa, động  có nhân viên hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định. Tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức, gài tiền vào tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích đã được hạn chế nhiều”.

Đổi mới, an toàn, văn minh - ảnh 2
Nhân viên làm vệ sinh môi trường tại thắng cảnh chùa Hương.

Ghi nhận của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, ngay từ khu vực bãi để xe được sắp xếp đường ra vào thông thoáng, đảm bảo không ùn tắc. Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội bố trí 4 bãi xe rộng, có sức chứa lên đến 5.000 xe. Khu vực bến Yến, lượng khách đến đông nhưng đều được hướng dẫn theo trật tự, xuống thuyền đò tại 10 cửa kiểm soát vé điện tử nên không có tình trạng ùn tắc. Thuyền đò rất đông được xếp theo thứ tự, các lái đò cũng xếp hàng lần lượt, đò thuyền ra vào tuần tự, an toàn, các lái đò đều mặc áo phao, trên thuyền đò đều được trang bị thiết bị cứu hộ. Dọc hai bên đường lên chùa Thiên Trù có các dãy hàng quán cũng được sắp xếp ngay ngắn. Trên tuyến đường đi đều sạch sẽ, rác thải được thu gom, vận chuyển đảm bảo vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. 

Có được những kết quả tích cực như vậy là nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Hương của huyện Mỹ Đức với điểm nhấn là phương thức quản lý vận hành thuyền đò, đưa xe điện phục vụ khách, ứng dụng công nghệ số vào bán vé thắng cảnh, vé đò... Chủ đò Bùi Thị Tâm, xóm 11, xã Hương Sơn chia sẻ, du khách được lực lượng của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Chùa Hương sắp xếp, đò nào đủ khách theo quy định thì rời bến và đến lượt đò tiếp theo được nhận khách. Tất cả các nhà đò, chủ thuyền không còn được tự ý mời khách như trước đây nữa. Do đó, tình trạng tranh nhau kéo khách về đò của mình và “vòi” tiền khách bồi dưỡng cũng được hạn chế. 

Đổi mới, an toàn, văn minh - ảnh 3
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại hội Gióng đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Có mặt tại Lễ hội Gióng vào sáng khai hội, chị Nguyễn Thị Loan (Hà Nam) cho hay, đoàn gia đình chị có 8 người, đi từ sớm để được xem trọn vẹn lễ rước và lễ tế của các thôn làng. “Những lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Giáp Thìn dâng lên đức Thánh Gióng gồm: Thần mã (ngựa sắt), cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng và giò hoa tre được dân làng chuẩn bị rất công phu đẹp mắt, thể hiện lòng biết ơn và giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ hôm nay. Đặc biệt, lượng du khách khá đông song không có cảnh chen lấn, tranh giành lễ vật như mọi năm trước” - chị Loan chia sẻ. 

Theo ông Hồ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024, rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay các hoạt động dịch vụ như trông giữ xe và kinh doanh buôn bán tại lễ hội được siết chặt hơn. Ban tổ chức kiên quyết ngăn chặn tình trạng “bắt chẹt” du khách về giá vé trông giữ xe. Theo ghi nhận của phóng viên, dọc lối dẫn vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, lòng đường, vỉa hè khá thông thoáng, quang cảnh được trang hoàng sạch đẹp. Tình trạng bán hàng rong được kiểm soát. Nhìn chung công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo, các nội dung thiết thực, nghi lễ trang trọng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và lành mạnh.

Tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác trang trí khánh tiết, vệ sinh môi trường, việc tiếp đón, hướng dẫn người dân và du khách đến làm lễ Hai Bà và tham quan, vãn cảnh Đền được tiếp tục quan tâm. Các lực lượng chức năng huyện triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn lưới điện,… phục vụ lễ hội. Đặc biệt, Công an huyện Mê Linh đã bố trí 6 tổ công tác, 24 chốt và 5 vòng xuyến đảm bảo an toàn tại các khu vực bên trong và bên ngoài khuôn viên Đền, đồng thời có phương án phân luồng giao thông tại các tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn cho du khách đến lễ hội.

Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và ngành văn hóa Thủ đô, mùa lễ hội xuân năm nay vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức đã mang đến không khí vui tươi, an toàn cho người dân và du khách. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Hà Nội dự kiến có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Có lễ hội chỉ trong vài ngày nhưng cũng có những lễ hội kéo dài vài tháng. Sự quan tâm, chuẩn bị chu đáo hoạt động tại các lễ hội của các địa phương, đơn vị đã góp phần để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống cũng như tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương và du khách, những hình ảnh gây phản cảm trong lễ hội đã được hạn chế đáng kể.

Để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh trong suốt thời gian diễn ra, Sở đã đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm túc bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, có ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.