Động lực cho phát triển văn học thiếu nhi

PHÚ ĐỖ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Văn học thiếu nhi luôn đóng một vai trò quan trọng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, sự "xâm chiếm" của văn học nước ngoài ở mảng thiếu nhi thời gian gần đây đòi hỏi phải có những hành động thiết thực hơn nữa nhằm khuyến khích các tác phẩm văn học thực sự hấp dẫn dành cho lứa tuổi này.

"Xếp hàng" mua truyện tranh nước ngoài

Thời gian gần đây, không hiếm những cảnh các bạn trẻ ở nhiều lứa tuổi từ học sinh đến cả người đã đi làm xếp hàng từ sáng sớm để có thể mua được những cuốn truyện tranh yêu thích mỗi khi các bộ truyện mới được ra mắt. Ghi nhận thực tế tại các nhà sách, gian hàng truyện tranh hoặc văn học nước ngoài thường thu hút đông đảo các bạn học sinh đủ mọi lứa tuổi. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi: Phải chăng văn học Việt dành cho lứa tuổi thiếu nhi đang "thua" ngay ở trên sân nhà?

Trên thực tế, đã có những giai đoạn mảng văn học thiếu nhi để lộ ra nhiều "khoảng trống". Có thể lý giải do những người làm công tác quản lý và ngay cả đội ngũ tác giả còn chưa thực sự nhận thức hết được tầm quan trọng, cũng như đầu tư đúng mức cho mảng đề tài này, cùng với đó là việc thiếu đi các kế hoạch, hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy, khuyến khích phát triển mảng văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Bên cạnh đó, sáng tác cho thiếu nhi cũng là một thử thách thực sự, ngay cả đối với những cây bút kỳ cựu. Thừa nhận điều này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, các nhà văn vốn quen viết về những vấn đề lớn lao nên các trang viết thường có sự phức tạp nhất định của người lớn, trong khi viết cho thiếu nhi cần sự trong sáng, ngây thơ cũng như trí tưởng tượng phong phú; điều này khiến họ gặp lúng túng. 
Ngoài ra, sự "tấn công như vũ bão" của các thể loại văn học thiếu nhi nước ngoài với số lượng tác phẩm xuất hiện ngày càng dày đặc trên các kệ sách, cộng với nội dung đa dạng, phong phú, hình thức trình bày đẹp mắt và sự xuất hiện của các thể loại sách mới như sách điện tử đã phần nào làm giảm đi sự hứng thú của trẻ nhỏ đối với các sách thiếu nhi truyền thống, khiến văn học thiếu nhi trong nước trở nên "lép vế".

Động lực cho phát triển văn học thiếu nhi - ảnh 1
Các tác giả có tác phẩm lọt vào chung khảo Giải thưởng Dế Mèn 2023. Ảnh: PHÚ ĐỖ

"Kế sách" cho phát triển văn học thiếu nhi nước nhà

Nhận thức rõ những thách thức mà nền văn học thiếu nhi trong nước đang phải đối diện, đội ngũ nhà văn, nhà thơ, những người làm quản lý và các đơn vị xuất bản đã cùng chung tay. 

Một trong những "động lực" nhằm khuyến khích các tác phẩm có chất lượng, đó là xây dựng các phong trào viết, tổ chức những giải thưởng nhằm tôn vinh tác giả, tác phẩm xuất sắc trong thể loại văn học đặc biệt này.

Các giải thưởng uy tín có thể kể đến như Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phát động, đến nay đã trải qua 4 mùa giải, thu hút hàng ngàn tác phẩm có chất lượng cao tham dự. Cũng thông qua giải, nhiều tài năng mới được phát hiện và phát triển. 

Hay gần đây nhất, Nhà xuất bản Kim Đồng công bố: Giải thưởng văn học Kim Đồng gắn liền với Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, hướng đến là một giải thưởng uy tín, đi vào đời sống văn học thông qua những tác phẩm chất lượng dành cho bạn đọc yêu văn thơ và cổ vũ các tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Giải hứa hẹn không chỉ là một sân chơi mới cho các tác giả yêu thể loại văn học này mà còn làm phong phú thêm kho tàng văn học thiếu nhi nước nhà. Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nếu không có giải thưởng thì nhà văn vẫn viết, nhưng có giải thưởng thì sẽ khích lệ, kích thích hơn tinh thần của người cầm bút và cũng sẽ chọn ra được những tác phẩm có chất lượng cao.

Để văn học thiếu nhi có thể tiến xa hơn còn cần có sự sáng tạo tác phẩm và niềm đam mê với nghề của các cây viết. "Hiệp sĩ Dế Mèn" mùa giải 2023 - nhà văn Trần Đức Tiến tiết lộ "bí quyết" để tạo ra những tác phẩm đặc sắc ở mảng đề tài này, đó là phải luôn "tự coi mình là một đứa trẻ mỗi khi viết cho trẻ em". Không chỉ vậy, ông luôn theo dõi sự vận động của đời sống văn học và nghiêm túc nhận diện sự khác biệt giữa những nhà văn thế hệ sau với thế hệ mình để tiếp cận độc giả theo hướng đi của các nhà văn trẻ từ đó làm mới các tác phẩm của mình.

Động lực cho phát triển văn học thiếu nhi - ảnh 2
Văn học thiếu nhi luôn là người bạn đồng hành với các em nhỏ. Ảnh: PHÚ ĐỖ

Còn dưới góc nhìn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, để có thể "chung thủy" với sáng tác văn học thiếu nhi không có bí quyết gì ngoài tình yêu trẻ, yêu và tâm huyết với nghề. "Tình yêu đó sẽ tạo nên đam mê và thành quả trong quá trình sáng tạo", ông cho hay. Đồng quan điểm, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ, người viết cho các em phải là người mong muốn sống cùng nhịp với các em, qua nhịp điệu ấy mà chia sẻ tâm tình về cuộc sống. Ngoài ra, còn cần luôn nghĩ đến trẻ em, hạnh phúc khi ở bên các em, tìm thấy ý nghĩa và giá trị của mình khi được chia sẻ cùng các em, chứ không viết vì bất kỳ mục đích vụ lợi nào khác.

"Hiến kế" cho các nhà văn tham gia viết mảng thiếu nhi, nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá cho rằng, tác phẩm văn học thiếu nhi không chỉ cần thông minh mà còn cần chứa đựng trong đó nhiều cảm xúc. Theo ông, nếu văn chương chỉ chạy theo các gạch đầu dòng mà bỏ quên cảm xúc, đó là một cách giết chết tâm hồn con trẻ. Ông chia sẻ: "Sự thông minh quan trọng, tôi không phủ nhận. Nhưng sẽ thế nào khi những đứa trẻ thiếu đi lòng thương xót với con người, sự yêu thương đối với tạo vật. Tôi nghĩ rằng những người cầm bút, những nhà văn phải có sự quan tâm đến chuyện đấy". Ngoài ra, ông còn gợi ý một số đề tài văn học thiếu nhi về nông thôn, môi trường, hoa cỏ, nơi chốn mình đang sống... đó là mảnh đất màu mỡ để các nhà văn thỏa sức trổ tài.

Đồng hành cùng với tác giả, các đơn vị xuất bản cũng đang nỗ lực cải thiện cả về nội dung lẫn hình thức các ấn phẩm dành cho thiếu nhi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Nhiều đầu sách mới ra mắt có tranh minh họa phong phú đẹp mắt, nội dung rõ ràng, mạch lạc, dễ đọc, dễ hiểu. Bên cạnh đó, theo sự phát triển của công nghệ, những hình thức sách mới xuất hiện như sách điện tử, sách nói, sách tương tác hay các phiên bản sách được "chuyển thể" sang phiên bản truyện tranh, phim hoạt hình cũng được các nhà xuất bản phát hành. Các cuốn sách đều được ứng dụng tốt nền tảng đồ họa, công nghệ, kỹ thuật mới, mang lại sự lôi cuốn về thị giác cho bạn đọc.

Trên thị trường, văn học thiếu nhi luôn được đánh giá là một mảnh đất đầy tiềm năng. Không chỉ đơn thuần là hình thức giải trí, đó còn là cuốn cẩm nang hữu ích, cung cấp những kiến thức cần thiết về các lĩnh vực trong đời sống, xã hội cho trẻ em. Do đó, cần có sự chung tay khuyến khích sáng tác, cũng như nâng cao chất lượng văn học dành cho lứa tuổi tương lai của đất nước, để văn học thiếu nhi Việt Nam thực sự trở thành người bạn đồng hành với các em nhỏ trong suốt chặng đường trưởng thành của mình. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục