Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng:

Đồng thầy và vai trò chấn hưng văn hóa thờ Mẫu

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thủ nhang Đền Nguyên Khiết Linh Từ (Đền Hàng Bạc, Hà Nội) - Đồng thầy Nguyễn Tất Kim Hùng nhiều năm qua đã truyền dạy cho hàng trăm con nhang đệ tử gìn giữ, thực hành và phát huy nghi lễ Hầu đồng theo nét cổ truyền nơi đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Thanh Đồng xuất sắc

Năm 2019, Nguyễn Tất Kim Hùng được vinh dự là một trong số các Đồng thầy trẻ đạt danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) do Chủ Tịch nước phong tặng. Bên cạnh đó, Đồng thầy còn được giới Thanh đồng trong cả nước mến mộ đánh giá là có phong thái hào hoa, mang đậm dấu ấn người Tràng An xưa.

Ngay từ khi còn là một cậu bé, Nguyễn Tất Kim Hùng đã theo phụng sự Phật Giáo, đến năm 14 tuổi được trụ trì đưa vào chùa Vũ Thành, nằm trên phố Bà Triệu chấp táp. Năm 16 tuổi, cậu cảm được sự hữu duyên với Tiên Thánh tại Đền Hàng Bạc và chính thức tôn nhang bản mệnh, bước vào nghiệp tu học thực hành tín ngưỡng Hầu đồng và phụng sự tại Đền từ đó. Trong suốt hơn 30 năm rèn luyện, tu tập, cậu đã trở thành thanh đồng xuất sắc và được Đồng thầy làm lễ tứ phủ, bái tạ cờ am cho cậu chính thức trở thành Đồng thầy dẫn trình lễ tấu cho các đệ tử vào năm 2001.

Đồng thầy và vai trò chấn hưng văn hóa thờ Mẫu - ảnh 1
NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng thực hành giá chầu Ông hoàng Mười

Nhờ tài năng của mình, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng luôn được các thanh đồng trong giới yêu mến, trân trọng và tin tưởng mời điều hành việc phụng sự tế lễ trong các lễ lớn như: Lễ Hội Phủ Dày, Lễ hội Đền Hàn Sơn (Thanh Hóa), Đại lễ Kiều năm Quan Lớn tại phủ Chính Tiên Hương (Phủ Dày, Nam Định)… Ngoài ra, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng còn được Ban Đại diện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mời tham gia chỉ đạo biên kịch Đại lễ Phật Đản hàng năm.

Đau đáu “sứ mệnh” chấn hưng văn hóa thờ Mẫu

Chia sẻ về Đạo Tứ Phủ, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng nói: “Đạo Tứ Phủ là nền tảng cơ bản của tín ngưỡng thuần Việt. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đời sống tâm linh người Việt vẫn luôn gắn liền với các hình thức thờ tự nguyên thủy, tức là thờ các hiện tượng thiên nhiên, các hiện tượng chi phối đến đời sống vật chất và tinh thần của con người”.

Theo nghệ nhân Hùng, Đạo Tứ Phủ là một bước nâng cao hoàn toàn mới, thể hiện rõ nét sự thăng hoa trong đời sống tâm linh người Việt, nhưng vẫn gìn giữ được những hình thức thờ tự nguyên thủy ban đầu. Ngày nay, mặc dù Đạo đã và đang phát triển một cách rực rõ, tuy nhiên, không ít các hình thức biến tướng đã diễn ra làm méo mó bản chất, dẫn tới sự sai lệch của mọi người trong hiểu biết về Đạo cũng lớn theo.

NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng khẳng định: “Nét văn hóa Hầu đồng, Thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ là tín ngưỡng bản địa nổi bật, đặc sắc, mang đậm tính chất đoàn kết, gắn bó của các dân tộc anh em, là đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng dân tộc đã có công khai quốc lập nước. Do đó, với vai trò là “cầu nối”, các thanh đồng cần chú trọng đến những nguyên tắc nghiêm ngặt trong thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc biệt tránh sa vào những hình thức biến tướng, vừa làm mất đi tính văn hóa lại làm xấu hình ảnh của chính các thanh đồng”.

Đồng thầy và vai trò chấn hưng văn hóa thờ Mẫu - ảnh 2
Các thanh đồng luôn có người giúp dâng khăn áo, thay lễ phục sau mỗi giá đồng

Tài hoa của các thanh đồng được thể hiện trong thời gian thực hành giá đồng. Bởi mỗi giá đồng lại có những tính cách hoàn toàn khác nhau, lúc vi nam, vi nữ, mỗi giá hầu đều biểu hiện sắc thái, tính cách riêng biệt. “Chẳng hạn, hầu giá quan Hoàng Mười là phải thể hiện ra nét uy nghi, mạnh mẽ. Giá Chầu, Chúa là tướng nghiêm trang, giá Cô là đi đứng nhẹ nhàng, uyển chuyển… Rồi trước mỗi giá hầu là phải giữ giới để cơ thể được thanh lọc, bước vào cửa điện là phải nghiêm trang, như thế mới giữ được sự tôn nghiêm, linh thiêng của đạo Mẫu”, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng cho hay.

Luôn trăn trở với ý niệm phải phát triển những giá trị của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng đã nỗ lực đưa tín ngưỡng thờ Mẫu đến với bạn bè quốc tế. Ở Thập niên 2000 NNƯT Hùng đã cùng các đoàn thanh đồng – cung văn tham dự nhiều cuộc giao lưu liên hoan văn hóa dân tộc thế giới tổ chức tại Pháp, được cộng đồng Quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo của nét văn hóa di sản tín ngưỡng Thờ Tam, Tứ phủ Việt Nam.

Hơn 30 năm tham gia cống hiến cho Phật Thánh và phục dựng các lễ hội ở các Chùa Đền, Phủ, Miếu khu vực miền Bắc, NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng đã được nhận nhiều huy chương kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen của các cấp các ngành thành phố, trung ương và nhiều phần thưởng cao quý của nhiều cơ quan tổ chức sự kiện truyền thông văn hóa trong nước và Quốc tế. Giờ đây NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng vẫn tiếp tục tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt” với mong muốn sẽ lưu truyền mãi cho các thế hệ sau.

Tin cùng chuyên mục

Để di sản hát Then “sống” trong đời sống đương đại

Để di sản hát Then “sống” trong đời sống đương đại

(PNTĐ) - Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái trong giai đoạn hiện nay", Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng Thái lần thứ VII năm 2024 lần đầu được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa của dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời tôn vinh, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc này.
“Đêm Trúc Bạch” quảng bá du lịch đêm Hà Nội tái hiện thời bao cấp

“Đêm Trúc Bạch” quảng bá du lịch đêm Hà Nội tái hiện thời bao cấp

(PNTĐ) - Từ ngày 29/11 - 1/12/2024, không gian đảo Ngọc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ trở thành một không gian của văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm phong phú trong Chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Đêm Hà Nội 2024 với chủ đề “Đêm Trúc Bạch”. Chương trình do Sở Du lịch Hà Nội và Ủy ban nhân dân quận Ba Đình phối hợp tổ chức.