Du lịch an toàn, cần xác định rõ tiêu chí

Chia sẻ

Từ đầu tháng 10, hoạt động khôi phục du lịch, mở cửa các khu du lịch, nghỉ dưỡng… diễn ra sôi động tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, các địa phương và cơ sở kinh doanh đều đang chờ đợi bộ tiêu chí với những quy định cụ thể, thống nhất để triển khai hoạt động kích cầu du lịch đảm bảo an toàn phòng dịch, đạt hiệu quả cao

Từ ngày 1/10, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở cửa đón khách nội tỉnh tham quan khu vực ngoài trời di tích Đại Nội và lăng các vua (Ảnh minh hoạ)Từ ngày 1/10, tỉnh Thừa Thiên - Huế mở cửa đón khách nội tỉnh tham quan khu vực ngoài trời di tích Đại Nội và lăng các vua (Ảnh minh hoạ)

Vừa làm, vừa chờ đợi

Từ đầu tháng 10, thêm nhiều tỉnh ở miền Bắc như Lào Cai, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Ninh…; Ở miền Trung là Huế, Đà Nẵng; Khu vực Nam Trung Bộ là Khánh Hoà, Lâm Đồng… mở cửa nhiều danh thắng, di tích, điểm vui chơi dành cho du khách địa phương và xây dựng kế hoạch đón khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng dịch Covid-19 ở các tỉnh lân cận. Là ngành kinh tế tổng hợp, việc khôi phục hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú, nhà hàng… vốn đã “ngủ đông” khá lâu. Tại Hà Nội, tuy nhiều khu di tích, danh thắng vẫn tạm dừng hoạt động nhưng nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch đã và đang triển khai nhiều hoạt động khảo sát, xây dựng tour, tuyến mới để chuẩn bị đón khách, trong đó ưu tiên số 1 là phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thủ đô dự kiến trong thời gian tới, chương trình du lịch nghỉ dưỡng tại homestay ở khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây tiếp tục là lợi thế được đẩy mạnh khai thác. Đây là khu vực có không gian rộng, thoáng, đảm bảo điều kiện về khoảng cách, an toàn phòng chống dịch. Tuỳ vào tình hình thực tế, các doanh nghiệp lữ hành sẽ mở rộng tour, tuyến khai thác điểm đến văn hoá ở khu vực nội, ngoại thành, sau đó mới tính tiếp đến việc liên kết với các địa phương lân cận.

“Hiện nay, người dân hoàn thành tiêm chủng 2 mũi vắc-xin ngày càng nhiều nhưng việc đi lại chỉ dễ dàng trong nội tỉnh, nội thành, đi sang các tỉnh khác, một số nơi vẫn yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 tiếng với chi phí khá cao. Vì thế, trong giai đoạn đầu khôi phục du lịch, doanh nghiệp vừa làm thí điểm, vừa điều chỉnh chương trình cho phù hợp” - ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.

Sau hơn 4 tháng thực hiện quy định phòng dịch, gia đình chị Lê Thị Ngần ở phố Hào Nam, quận Đống Đa gần như không ra ngoài. Vì vậy, sau khi TP chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, chị Ngần đã lên kế hoạch tổ chức dã ngoại cuối tuần, đổi không khí cho các thành viên. Tuy nhiên, chuyến đi dã ngoại này khác với những lần trước, không ồn ào, ồ ạt theo kiểu “thích thì mấy gia đình cùng xách va ly lên và đi mà tính toán đến sự an toàn để đi điểm gần trước, khám phá chuyến đi tham quan di tích lịch sử trong nội đô rồi mới đi xa, ra ngoại thành hay sang tỉnh lân cận” - chị Ngần chia sẻ.

Trong điều kiện “sống chung với dịch bệnh” nên cả doanh nghiệp và những người yêu thích xê dịch đều vừa nghe ngóng, vừa điều chỉnh kế hoạch du lịch phù hợp với tình hình thực tế. “Thị trường du lịch sắp bước giai đoạn cao điểm mùa đông xuân với các điểm đến ở khu vực miền núi phía Bắc. Hiện khu vực này khá an toàn dịch bệnh. Cùng với kế hoạch kích cầu, phục hồi du lịch, tôi mong chờ các địa phương nhanh chóng xây dựng và công khai danh sách các cơ sở, tuyến điểm an toàn có QR code, các tiêu chí an toàn mà du khách, nhà hàng, khách sạn, đơn vị vận chuyển… phải tuân thủ để mọi người cùng biết, ai đủ điều kiện tham gia, tạo thói quen du lịch an toàn”- anh Nguyễn Lê Huy, quản trị viên chuyên trang về xê dịch cho hay.

Gỡ nút thắt để du lịch an toàn

Ngay tại lễ phát động chương trình kích cầu phục hồi du lịch nội địa sau đợt dịch lần thứ 4 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, đã có hơn 30 tỉnh, thành đăng ký tham gia đợt đầu đón khách. Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá: Du lịch được xem như công cụ để khôi phục lại kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay khi ngành du lịch đang ở đỉnh đáy, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động rất nặng nề, ngành du lịch sẽ biết rõ nhất mình cần làm gì là phù hợp nhất và tìm ra điểm yếu để khắc phục. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương và Hiệp hội Du lịch Việt Nam thừa nhận, yêu cầu đặt ra để “sống chung với dịch bệnh” là phải du lịch an toàn trong tất cả các khâu nhưng các tiêu chí cụ thể để du lịch an toàn lại đang từng bước hoàn thiện. Tương tự, khái niệm “vùng xanh” an toàn trong du lịch cần được làm rõ để xác định “vùng xanh” là những điểm nhỏ như một phường, một xã an toàn, thậm chí một ngôi chùa… an toàn vẫn có thể đi tham quan được, không nhất thiết cứ phải một tỉnh an toàn. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống các điểm xanh, liên kết thành con đường xanh để khái niệm về liên vùng, liên ngành mới thực chất hơn, tạo điều kiện cho việc đón khách ngoại tỉnh được thuận lợi.

Đối với các doanh nghiệp, yêu cầu cấp bách hiện nay là lấp đầy khoảng trống về nguồn nhân lực đã bị thiếu hụt quá nhiều. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch hiện vẫn duy trì một lực lượng lao động rất nhỏ để giải quyết các vấn đề liên quan.

Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cho rằng: Vì mưu sinh, một bộ phận lớn nhân lực trong ngành chuyển công tác. Vì thế, trong giai đoạn tới, doanh nghiệp cần phải tính đến việc đào tạo lại nhân sự, nhất là trong điều kiện hoạt động du lịch đã có thay đổi, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Đây là việc khó vì liên quan đến thay đổi nhận thức, thói quen, hành động của hàng triệu người làm du lịch. Từ đó lan toả khái niệm này tới du khách để tạo được thói quen đi du lịch an toàn cho người Việt, ngay cả trong lúc khó khăn nhất.

NGUYỄN HƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật bất ngờ biến thành công trình nghệ thuật hấp dẫn

(PNTĐ) - Tối qua, 23/4 công trình nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã chính thức khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan, checkin mới cho người dân và du khách. Đây là công trình chào mừng ngày kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

Nữ GenZ với mong muốn mang tài năng của mình giúp ích cho cuộc đời

(PNTĐ) - Lọt vào top 25 Hoa hậu Thế giới Việt Nam và là Hoa hậu tuổi teen châu Á năm 2019, nhưng Phan Anh Thư không bước chân vào làng giải trí mà theo đuổi con đường hội họa, trở thành họa sĩ trẻ. Cô từng chia sẻ: "Tôi nghĩ mình có nhiều con đường để đạt được mục đích sau cùng. Tuy nhiên con đường tôi cảm thấy tốt nhất, hạnh phúc nhất là vẽ tranh, làm việc góp sức cho cộng đồng".
Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

Minh chứng về sự kế thừa thành công của gia đình truyền thống nghệ thuật

(PNTĐ) - Từ 20-25/4/2024, 100 tác phẩm hội hoạ đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến sẽ được trưng bày tại triển lãm “Kỷ niệm và trải nghiệm: 100 tác phẩm nghệ thuật từ họa sĩ Văn Chiến”. Đây không chỉ là một triển lãm sưu tầm các bức tranh, tác phẩm nghệ thuật như thông thường, mà còn là buổi triển lãm được đúc kết từ khát vọng tôn vinh di sản nghệ thuật của cha, cũng như gìn giữ giá trị văn hoá.