Du lịch gượng dậy sau đại dịch, cần chính sách hỗ trợ

Chia sẻ

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang khẩn trương hoàn thành, trình Chính phủ ban hành hướng dẫn du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đây là cơ sở triển khai phục hồi hoạt động du lịch thống nhất trên toàn quốc.

Tìm cơ hội ở “đáy”

Với những tác động sâu sắc của dịch bệnh, đến thời điểm này, dựa trên cơ sở khảo sát, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhận định: Ngành du lịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Năm 2021, lượng khách quốc tế giảm 90%, 10% còn lại là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao. Khách nội địa cũng trong tình trạng tương tự, hầu như đóng băng. Các cơ sở lưu trú đóng góp 46-50% cho hoạt động du lịch thì 90% cơ sở lưu trú đều phải đóng cửa và không hoạt động, công suất hoạt động phòng khách sạn không có, chỉ sử dụng 10% là tối thiểu. Do không có khách nên việc làm trong ngành bị đứt gãy buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp phải rút giấy phép, xin ngừng hoạt động liên tục tăng, chỉ còn lại một phần doanh nghiệp trụ vững, giữ thương hiệu để chờ thời điểm phục hồi.

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng khi nhận thấy một số tín hiệu khả quan từ những nỗ lực của các doanh nghiệp, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao đổi thêm: Theo dự báo của Hiệp hội, có ít nhất 30% doanh nghiệp du lịch bị giải thể và dừng hoạt động, song cũng không đáng lo ngại. Dựa trên sự nhận thức về các thay đổi, biến chuyển và chớp lấy cơ hội mới, cũng có khoảng 30% doanh nghiệp mới dự kiến được thành lập. Cái gì cũng có khó khăn và cơ hội, nhiều doanh nghiệp trước đây hình thành dựa trên các cơ hội không bền vững, đương nhiên khi có bão tố cũng khó có thể trụ lại được.

Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống sẽ không còn phù hợp, các loại hình du lịch mới sẽ phát triển ở Việt Nam góp phần làm thay đổi hình ảnh của ngành du lịch. Đây cũng là nhận định được Hiệp hội Du lịch thế giới đưa ra.

Là một trong những thương hiệu lớn kinh doanh trong 2 mảng là hàng không và du lịch, bà Nguyễn Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc Vietravel chia sẻ thêm: Năm 2021, doanh thu của công ty chỉ đạt 10% và chủ yếu trong những tháng đầu năm. Từ ngày 11/5 đến hết 30/10/2021, doanh thu của công ty gần như bằng 0, lượng nhân viên làm việc chỉ từ 3-5%.

Khó khăn rất nhiều nhưng chưa khi nào, các doanh nghiệp lữ hành “buông” mà luôn nỗ lực cầm cự. Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc công ty du lịch Flamingo Redtours cho biết: Các bộ phận của công ty vẫn hoạt động, mỗi người một việc, người thì theo dõi chính sách, tình hình tiêm phòng và khống chế dịch ở các địa phương; Người thì kết nối khách hàng…

Trong giai đoạn bình thường mới, mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọnTrong giai đoạn bình thường mới, mỗi tỉnh có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn (Ảnh: minh họa)

Đề xuất cơ chế hỗ trợ để phục hồi và phát triển du lịch

Cùng với các ngành kinh tế, ngành du lịch sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới. Để biến những tín hiệu lạc quan trở thành hiện thực, thời gian tới là giai đoạn vượt khó của ngành du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Bộ VHTTDL được Chính phủ giao nhiệm vụ tham mưu và phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong đó, nhóm nhiệm vụ về lĩnh vực du lịch - dịch vụ được ưu tiên số 2 sau nhóm về tài chính và tín dụng. Vì vậy, Bộ đang tiếp cận theo hướng: Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, phù hợp hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển du lịch. Bên cạnh một số cơ chế chính sách hỗ trợ đã được thực hiện, thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị có gói tín dụng dành cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL có chính sách hỗ trợ để không bị đứt gãy nguồn lao động. Do tác động của dịch bệnh, lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt đã bỏ nghề và chuyển sang ngành nghề khác. Khi thị trường mở cửa trở lại, sự thiếu hụt này sẽ được bù đắp như thế nào và đây là vấn đề khó của doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ đề xuất Chính phủ để cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm trong doanh nghiệp du lịch.

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động kinh tế mà còn tác động tâm lý, tình cảm, sở thích nguyện vọng người dân. Qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông tour lớn thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình. Ở phần việc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn sản phẩm du lịch và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch.

VIỆT BÁCH

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.