Du lịch Thủ đô hút khách trong dịp lễ 30/4
(PNTĐ) - Theo số liệu từ Sở Du lịch Hà Nội, Thủ đô đã đón khoảng 875.200 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ, tăng 18,64% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó có 136.190 lượt khách quốc tế (tăng 55,35%) và 739.000 lượt khách nội địa (tăng 13,69%). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 25,21% so với cùng kỳ năm trước. Con số ấn tượng này cho thấy sức hút của du lịch Thủ đô và khẳng định vị thế của Hà Nội trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, khu vực quận Hoàn Kiếm ghi nhận lượng khách tăng đột biến tại các di tích nổi tiếng: Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 35.000 lượt khách, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón gần 27.800 lượt khách, và Di tích Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 30.000 lượt khách. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm nay, Văn Miếu đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt cao điểm này. Không chỉ tăng cường công tác an ninh, vệ sinh môi trường mà còn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Ví như tại đây, du khách có thể tham quan triển lãm "Kể" - Thiết kế trẻ trong lòng di sản.
Không chỉ khu vực nội thành, các điểm du lịch ngoại thành Hà Nội cũng ghi nhận lượng khách tăng cao trong dịp nghỉ lễ. Đặc biệt, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trở thành lựa chọn lý tưởng cho các gia đình muốn tránh xa không khí ồn ào, tấp nập của trung tâm Thành phố.
Khu du lịch Hồng Vân với Lễ hội Tình Yêu 2025 đã thu hút gần 100.000 lượt khách, trở thành điểm đến "hot" nhất ở ngoại thành. Tiếp theo là Vườn thú Hà Nội với 88.430 lượt khách, Thiên đường Bảo Sơn với 27.100 lượt khách, và Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam với khoảng 22.000 lượt khách

Tại huyện Ba Vì, chương trình du lịch độc đáo "Khám phá bản sắc Ba Vì" đã thu hút nhiều du khách với các trải nghiệm độc đáo như văn hóa thờ cúng của người Mường, thực hành nông cụ, nông nghiệp Mường, vẽ nghệ thuật trên trứng đà điểu và trị liệu dưỡng sinh bằng lá thuốc người Dao.
Với lượng khách tăng đột biến, hệ thống cơ sở lưu trú và dịch vụ vận chuyển trên địa bàn Hà Nội đã hoạt động hết công suất trong dịp nghỉ lễ. Nhiều khách sạn cao cấp ghi nhận công suất phòng "kỷ lục": khu căn hộ Somerset Grand Hanoi đạt 99%, khách sạn Sofitel Legend Metropole đạt 88,3%, khách sạn Fraser Suites đạt 88%. Công suất sử dụng phòng bình quân của các khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 69,67%, tăng 9,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2024.
Không chỉ dịch vụ lưu trú, các dịch vụ vận chuyển như taxi, xe buýt, xe điện phục vụ du khách cũng hoạt động hết công suất. Nhiều hãng taxi phải huy động 100% đội xe để đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách. Dịch vụ xe buýt 2 tầng tham quan Hà Nội ghi nhận lượng khách tăng gấp đôi so với ngày thường, với nhiều chuyến đã được đặt kín trước 2-3 ngày.
Trong dịp lễ, hoạt động tặng quà cho du khách đến viếng Lăng Bác của Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục được thực hiện. Năm 2025, Sở Du lịch tặng khoảng 110.000 suất quà (gồm nước, sữa, bánh mì) cho du khách về Lăng viếng Bác vào các dịp lễ lớn, trong đó có dịp 30/4 - 1/5. Những suất quà tuy giá trị không lớn nhưng chứa đựng tình cảm của Thủ đô dành cho du khách thập phương. Nhiều du khách bày tỏ xúc động khi nhận được suất quà này, đặc biệt là những người đến từ xa.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Hoạt động tặng quà cho du khách đến viếng Lăng Bác là một trong những việc làm thường niên của Sở Du lịch. Qua đó, chúng tôi muốn thể hiện tinh thần "Hà Nội - Điểm đến thân thiện", đồng thời cũng là cách để quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô với du khách trong và ngoài nước, tạo ấn tượng tốt đẹp về một Thủ đô mến khách.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách trong dịp nghỉ lễ, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát tại các khu, điểm du lịch tập trung đông người. Đoàn kiểm tra của Sở Du lịch đã tiến hành kiểm tra tại nhiều điểm du lịch trọng điểm như Khu vực Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và chùa Trấn Quốc. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ quan, đơn vị quản lý tại các điểm du lịch đã tăng cường cơ sở vật chất, công tác tổ chức đón tiếp khách du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Qua quá trình kiểm tra, không có trường hợp nào phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Các hướng dẫn viên du lịch đều đeo thẻ khi làm nhiệm vụ, xuất trình được chương trình du lịch, danh sách khách và văn bản phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp. Không xuất hiện tình trạng bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch tại các điểm tham quan.