Nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam:

“Đừng thương mại hóa thi hoa hậu ở Việt Nam“

CHUYẾT NHI (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đó là ý kiến của nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người được coi là “cha đẻ” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, đồng thời cũng là tác giả của Quy chế thi Hoa hậu đầu tiên được Bộ Văn hóa sử dụng từ năm 1989-2006. Theo ông Dương Xuân Nam, hoa hậu tức là con người, mà đã là con người thì không thể thương mại hoá được. Nếu không có quy chế rõ ràng và chặt chẽ, sẽ dẫn đến loạn và mất đi tính vô tư, trong sáng của các cuộc thi.

“Đừng thương mại hóa thi hoa hậu ở Việt Nam“ - ảnh 1
Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ 2022, trong đó tân Hoa hậu đã từng đăng quang Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2018 Ảnh: Kiếng Cận

Thưa ông, chỉ trong 2 tuần vừa qua, hàng loạt cuộc họp báo công bố các cuộc thi nhan sắc đã diễn ra, trong đó có nhiều cuộc thi lần đầu nghe tên như Hoa hậu Biển đảo Việt Nam… Công chúng lo sợ tình trạng “bội thực” các cuộc thi nhan sắc, quan điểm của ông thì sao? 

- Từ khi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên năm 1988, tôi quan niệm cuộc thi hoa hậu là một sinh hoạt văn hóa mới và là ngày hội tôn vinh sắc đẹp của người phụ nữ Việt Nam và định hướng cái đẹp cho người trẻ. Với quan điểm này, theo tôi, tổ chức quá nhiều cuộc thi người đẹp như hiện tại là không nên.

Bởi vì, quá nhiều cuộc thi mà tổ chức không tốt sẽ dẫn đến loạn. Tôi nhớ, năm 1989, sau thành công của cuộc thi hoa hậu Việt Nam đầu tiên, đã xảy ra loạn các cuộc thi hoa hậu, khắp nơi trên toàn quốc tổ chức thi hoa hậu từ phường, xã, tỉnh…

Và sau đó có cuộc họp cấp các Thứ trưởng để chấn chỉnh và mọi người giao cho tôi soạn Quy chế các cuộc thi hoa hậu của Việt Nam. Quy chế ấy được Bộ Văn hóa chấp nhận và ban hành từ năm 1989 đến năm 2006.

Quy chế quy định chặt chẽ và hợp lý nên không dẫn tới tình trạng loạn các cuộc thi hoa hậu. Tôi cũng cho rằng, cái gì ít thì quý, chứ nhiều quá dẫn đến loạn và không còn nhiều giá trị nữa. Người đẹp chạy hết từ cuộc thi nọ sang cuộc thi kia thì đâu còn đẹp nữa.

Từ trước tới nay, chúng ta vẫn coi các người đẹp đăng quang các cuộc thi nhan sắc là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp người phụ nữ Việt. Theo ông, quan điểm đó còn đúng ở thời điểm hiện tại với nhan nhản các cuộc thi và người không chiến thắng ở cuộc thi này có thể trở thành hoa hậu của cuộc thi kia? 

- Có nhiều người đẹp đạt giải thưởng từ cuộc thi này thấp thì chạy sang cuộc thi khác để đạt được giải thưởng cao hơn. Tôi thấy không hay. Đã là cuộc thi sắc đẹp thì phải phát hiện ra sắc đẹp chưa từng xuất hiện ở đâu mới chuẩn chứ. Có thể là tôi bảo thủ và quá chính thống, nhưng không thể coi thi hoa hậu là một nghề được.

Cũng không thể coi thi hoa hậu như show giải trí vì nó liên quan đến con người, mà có cái gì quý hơn con người đâu để có thể thương mại hóa? Thương mại hóa cái gì cũng có thể chấp nhận, nhưng con người thì không nên làm thế. 

Thi hoa hậu chỉ có thể là một ngày hội để giao lưu, học hỏi và định hướng cái đẹp cho công chúng, cho tuổi trẻ. Cái đẹp không chỉ là ở vẻ bề ngoài mà còn ở tâm hồn, ứng xử, phong cách, văn hóa…

Như bây giờ, tôi thấy hơi buồn. Nhiều cuộc thi dẫn đến cạnh tranh gay gắt và những hệ lụy không tốt. Sẽ không còn sự hồn nhiên, tốt đẹp như bản chất cần có và thực chất nữa. Như vậy thì quả là đáng tiếc.

Tôi nghĩ Bộ chủ quản cần có quy chế về các cuộc thi sắc đẹp, vừa chặt chẽ, vừa cởi mở để hoa hậu xứng đáng với sự yêu mến của công chúng. 

Hàng chục cuộc thi nhan sắc diễn ra, chưa kể các người đẹp tham gia các cuộc thi quốc tế, tức là trung bình mỗi tháng chúng ta sẽ có 1-2 hoa hậu, hoa khôi ra đời, theo ông chúng ta nên làm gì để khai thác được hiệu quả hình ảnh từ các hoa hậu, hoa khôi này? 

- Bây giờ có thể ví von là “ra ngõ gặp hoa hậu”. Cứ như bây giờ, có khi chẳng biết đâu là hoa hậu nữa. Một khi vướng phải scandal không hay thì sẽ làm mất hết bản chất tốt đẹp của cuộc thi nhan sắc trong mắt công chúng và người yêu cái đẹp.

Do vậy, tôi nghĩ, phải quy định rõ ràng từng cấp có những cuộc thi phù hợp. Cấp này thì được tổ chức thi hoa hậu, cấp kia thì được tổ chức thi người đẹp. Như bây giờ thì loạn hết cả. Hiện tại, chúng ta đã có quy chế thi người đẹp, nhưng cần phải xem xét lại.

Có như vậy, người đăng quang hoa hậu mới có thể xứng đáng là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt được. 

Trong mấy chục năm làm công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, có những lúc, hoa hậu đăng quang đã xảy ra scandal hay lùm xùm đáng tiếc. Theo ông, làm thế nào để tránh những trường hợp như vậy?

- Thực ra, thời tôi làm Hoa hậu Việt Nam cũng chưa có trường hợp nào đáng tiếc đến mức phải tước vương miện. Nếu có thì cũng chỉ liên quan đến người yêu của hoa hậu như Hà Kiều Anh hay chồng của Hoa hậu Ngọc Khánh, Hoa hậu Phan Thu Ngân chứ bản thân họ thì đâu có tội gì đâu. Cuộc đời vô thường, sau khi đăng quang, họ gặp chuyện thì biết làm sao.

Bên cạnh đó có rất nhiều hoa hậu tiêu biểu như Bùi Bích Phương có thành tích học tập nghiên cứu và biết đến vài ngoại ngữ, tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội; Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa giờ là tiến sỹ, biết đến 4-5 ngoại ngữ: Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga cũng là tiến sỹ, nhận nuôi bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Họ là những vẻ đẹp phụ nữ Việt thực sự tiêu biểu. 

- Xin cảm ơn ông!

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.