Gameshow Việt ngập trong sóng chỉ trích
(PNTĐ) -Nhiều chương trình gameshow Việt trở lại và gây chú ý những ngày qua, không phải bởi sức hấp dẫn mà bởi những chiêu trò, những hạt sạn và những tình tiết gây tranh cãi.

Rap Việt mùa 3 vừa trở lại đã nhận làn sóng phản đối gay gắt sau tập 2 bởi phần thi của thí sinh Dubbie (Khương Lê, đội Andree Right Hand) có nhiều ca từ nhạy cảm, thiếu chuẩn mực. Trong gameshow vừa phát sóng, thí sinh này đã trình diễn ca khúc Đóng băng trên nền nhạc gốc Mình cùng nhau đóng băng của Tiên Cookie. Đáng nói là lời bản rap có những từ nhạy cảm như: “Trời vừa sập tối anh xả vai, đi lượn vòng thành phố nhìn girl xinh lên đồ… Các em lại phát thêm rồ, phải ngoan thì mới được phát thêm đồ”… Chữ “đồ” là tiếng lóng của giới trẻ hiện nay, có thể hiểu là chất kích thích.
Chưa dừng lại ở đó, bài hát có nhắc đến nhân vật lịch sử của Việt Nam với ý nghĩa sai lệch. Trên mạng xã hội, khán giả chỉ trích ban tổ chức thiếu trách nhiệm trong khâu biên tập, kiểm duyệt. Trước áp lực của dư luận, nhà sản xuất đã cắt bỏ câu từ nhạy cảm trên các nền tảng mạng nhưng vẫn chưa đưa ra lời giải thích cụ thể.
Cùng thời điểm, màn tái xuất của The Face Vietnam cũng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả sau 5 năm vắng bóng. Đáng tiếc, chủ đề được người hâm mộ bàn tán lại là trận tranh cãi nảy lửa giữa 4 huấn luyện viên Kỳ Duyên - Minh Triệu và Anh Thư - Vũ Thu Phương về vị trí chụp hình kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Không ít người cho rằng đây là chiêu trò lố để hâm nóng chương trình của nhà sản xuất.
Một chương trình cũng được quan tâm không kém là Người ấy là ai mùa 4 gây chú ý bởi… MC Trấn Thành nói sai kiến thức về quá trình chuyển giới từ nữ sang nam của người chơi. Các bác sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, nam MC nói sai việc tiêm hormone nam vào mạch máu, đây là việc có thể gây tử vong.
Thời điểm hiện tại khi gameshow truyền hình đang bão hòa, các nhà sản xuất chịu áp lực rất lớn về tính hấp dẫn, thu hút người xem, nên thường cố ý tạo mâu thuẫn, scandal để kéo khán giả. Nhà nghiên cứu âm nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long bày tỏ sự cảm thông với những người thực hiện chương trình ở góc độ này: “Rap ở Việt Nam những năm qua luôn xuất hiện xung đột giữa cộng đồng rap tự phát và yếu tố quản lý Nhà nước cũng như các giá trị thuộc về thuần phong mỹ tục. Trong khi các rapper hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội, bài vở tự nhiên thoải mái, muốn đăng gì thì đăng, không qua bất cứ kiểm soát hay xét duyệt nào. Nhà quản lý thì gần như chỉ xử lý những trường hợp mà dư luận phản đối dữ dội, còn chi tiết tới từng rapper, từng sản phẩm thì có làm cũng không xuể. Và như vậy, nhà tổ chức sẽ là người ở giữa hứng chịu những rủi ro. Công chúng cũng nên có nhìn nhận chia sẻ hơn với nhà sản xuất”.
Dù vậy, theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhà sản xuất và nghệ sĩ vẫn phải thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức nghệ thuật biểu diễn, tổ chức show, chất lượng nghệ thuật của chương trình và của từng tác phẩm.
Dù những “drama” là vô tình hay sắp xếp, vẫn phải khẳng định, khán giả luôn thiếu thiện cảm và chắc chắn sẽ ngừng ủng hộ những gameshow truyền hình lạm dụng “chiêu trò”, kém chất lượng, thiếu tính nhân văn…