Gìn giữ Tết xưa giữa nhịp sống hiện đại

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước những ngày này đã và đang diễn ra nhiều hoạt động tái hiện Tết xưa, nhằm gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa tới người dân, du khách, đặc biệt là các bạn trẻ giữa nhịp sống hiện đại những giá trị văn hóa truyền thống Tết dân tộc.

Từ nay đến ngày 28/2/2024, chương trình “Tết Việt- Tết phố” giới thiệu đến công chúng các trải nghiệm hấp dẫn trong ngày tết cổ truyền như không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ qua “Nếp nhà xưa”, biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội ở 50 Đào Duy Từ; tổ chức gói và luộc bánh chưng tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; nghệ nhân và thợ thủ công của các làng nghề ở Hà Nội giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống tại không gian bích hoạ phố Phùng Hưng...

Đây là các hoạt động nằm trong chương trình Tết Việt, Tết phố 2024 được tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Với trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, hơn 100 bạn trẻ tham gia đoàn rước lễ từ Ngôi nhà di sản số 87 phố Mã Mây đi qua nhiều tuyến phố, di tích với điểm đến là đình Kim Ngân (số 42 - 44 phố Hàng Bạc). Việc phỏng dựng các nghi lễ truyền thống trong ngày tết cổ truyền không những quảng bá nét đẹp văn hoá của người Việt đến du khách trong và ngoài nước mà còn giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu những giá trị quý giá của dân tộc.

Gìn giữ Tết xưa giữa nhịp sống hiện đại  - ảnh 1
Học sinh trường THCS  và THPT M.V. Lomonoxop (Hà Nội) háo hức tham gia hoạt động gói bánh chưng Tết

Còn tại các trường học từ mầm non cho đến THPT trên địa bàn Hà Nội cũng đã diễn ra các chương trình hoạt động Lễ hội chào xuân, chợ phiên, tết, các trò chơi dân gian mang đến những trải nghiệm hấp dẫn cho các em học sinh. Những hoạt động này không chỉ tạo giờ học ngoại khóa bổ ích mà còn giúp cho các em thêm hiểu, trân trọng yêu quý văn hóa truyền thống của dân tộc vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. Sinh viên nhiều trường đại học cũng tổ chức gói và trao tặng những chiếc bánh chưng xanh cho những hoàn cảnh kém may mắn; trình diễn áo dài dân tộc và vô vàn những hoạt động ý nghĩa khác.

Năm nay là năm thứ 2, thành phố Thanh Hóa tổ chức chương trình "Tết xưa làng cổ" tại làng cổ Đông Sơn - được mệnh danh là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, để giới thiệu, bán sản phẩm tại chợ quê; thực hiện hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian; ẩm thực, mua sắm tại làng cổ Đông Sơn; tham quan, chụp ảnh check-in tại các điểm di tích lịch sử, các ngõ trong làng cổ; kết nối với nhiều khu, điểm du lịch như di chỉ văn hóa Đông Sơn, Động Tiên Sơn, giếng cổ 2.000 năm.

Gìn giữ Tết xưa giữa nhịp sống hiện đại  - ảnh 2
 Hát văn tại Chương trình “Tết xưa làng cổ”

Tại Chương trình, du khách được tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian (bịt mắt đập nồi, cà kheo, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, kéo co), tưởng thức các món ăn đặc trưng như bánh cuốn, bánh xèo, bánh lá, bánh nếp, bánh đúc, cháo lươn, bún chả, xôi ngũ sắc, ngô, khoai, sắn... Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng Lê Thị Thanh cho biết: "Tết xưa làng cổ" là dịp để quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch của phường Hàm Rồng tới du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, Ban tổ chức muốn giáo dục cho các thế hệ mai sau về phong tục Tết cổ truyền của ông cha ta từ ngàn xưa để lại, từ đó tăng thêm niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Gìn giữ Tết xưa giữa nhịp sống hiện đại  - ảnh 3
Học sinh Cơ sở Mầm non tư thục Vàng Anh, thành phố Ninh Bình trải nghiệm Phiên chợ Xuân tại do cơ sở tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Những ngày này, “Phiên chợ Tết xưa” tổ chức tại Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình thu hút rất đông người dân, du khách đến tham gia, trải nghiệm. Phiên chợ được tổ chức nhằm kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo không gian vui chơi, trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của dân tộc. Phiên chợ tái hiện chợ Tết của người dân đồng bằng Bắc Bộ với các chuỗi hoạt động trải nghiệm ẩm thực, quà tặng, cây hoa Tết, thủ công, quần áo, trang trí, ông Đồ, tò he… hay cuộc thi gói bánh chưng, trò chơi dân gian và chương trình nghệ thuật. Theo bà Trần Thị Diệp Anh, Giám đốc Ban Quản lý Phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, “Phiên chợ Tết xưa” là dịp để người dân, du khách có cơ hội đắm chìm trong không khí Tết, tìm hiểu về nền văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc. Bên cạnh việc tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng địa phương, phiên chợ mang đến không khí Tết cổ truyền để nhân dân, du khách cùng nhau trải nghiệm, khám phá.

Những hoạt động đó đã góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để mỗi người Việt gửi gắm mong muốn, khát vọng và quyết tâm thực hiện trong năm mới, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.