Gợi nhớ lại cảnh đốt tay gây ám ảnh nhất trong phim chiến tranh “Nổi gió”
(PNTĐ) - Bộ phim "Nổi Gió" của đạo diễn Huy Thành được đánh giá là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh của đồng bào miền Nam chống Mỹ. Trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt phát sóng trên VTV3, bộ phim với những câu chuyện hậu trường gây ám ảnh giúp người xem hiểu hơn những khốc liệt trong làm phim chiến tranh cũng như trong chiến tranh.
Phim “Nổi gió” được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, kể về nhân vật Vân - một nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, sau một thời gian dài gặp lại người em trai thất lạc trong chiến tranh, cô đau đớn phát hiện ra em mình - Phương - lại là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà. Những xung đột gia đình trở thành tấm gương phản chiếu cuộc đấu tranh tư tưởng của cả dân tộc, khi mỗi con người phải đưa ra lựa chọn của riêng mình giữa danh dự, tình thân và lý tưởng.
Không chỉ thành công trong việc xây dựng kịch tính và chiều sâu tâm lý nhân vật, “Nổi gió” còn gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi những màn đối thoại sắc sảo, giàu tính triết lý. Bộ phim đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất năm 1970, khẳng định vị trí của mình trong dòng phim chiến tranh cách mạng. Qua câu chuyện của Phương và Vân, bộ phim không chỉ tái hiện hiện thực lịch sử đầy biến động mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước và lòng trung kiên của những con người dám đấu tranh vì chính nghĩa.

Một trong những thành công của “Nổi gió” là khắc hoạ được hình tượng nhân vật nữ có tính biểu tượng - nhân vật Vân - một người phụ nữ vừa kiên trung, vừa mạnh mẽ nhưng cũng đầy xót thương, do cố NSND Thuỵ Vân thủ vai.
Trong phim, Vân là một chiến sĩ cách mạng. Chiến tranh đã tước đi của cô cả gia đình, cả người em trai, và đau xót hơn cả, con trai cô dù mới 3 tuổi đã bị hạ sát ngay trong tù. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng chưa bao giờ đủ sức lung lay ý chí và lòng kiên định của người phụ nữ ấy.
Tại chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt, nhà phê bình điện ảnh - TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam - nhận định: “Nổi gió” đã thể hiện rõ nét một yếu tố đặc sắc của điện ảnh Việt - đó là “tính nữ”. Theo bà, nhân vật nữ trong phim không chỉ đại diện cho tình yêu thương, sự thủy chung và hy sinh, mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ vượt lên gian khó, đại diện cho phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
Đáng chú ý, cố NSND Thuỵ Vân - người đảm nhận vai chị Vân - không phải là người con gái miền Nam mà sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Tuy vậy, bà đã hóa thân đầy thuyết phục vào vai người phụ nữ Bến Tre, khiến khán giả liên tưởng đến hình ảnh “Đội quân tóc dài” gắn liền với tên tuổi nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Một trong những cảnh quay gây ám ảnh nhất là khi nhân vật Vân bị địch tra tấn bằng cách đốt mười đầu ngón tay. Chia sẻ về cảnh quay này, TS. Ngô Anh Đào - con gái của NSND Thuỵ Vân - cho biết: “Đây là cảnh quay đạo diễn Huy Thành yêu cầu chỉ thực hiện một lần duy nhất. Tay mẹ tôi được quấn băng, đắp thạch cao và đốt bên ngoài. Bên cạnh luôn có người cầm sẵn xô nước để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Khi tôi hỏi mẹ có sợ không, mẹ chỉ đáp: “Không. Trong khoảnh khắc đó, mẹ là chị Vân”.

Bộ phim “Nổi gió” được sản xuất khi chiến tranh vô cùng khốc liệt. Mặc dù khắc hoạ cuộc chiến của đồng bào miền Nam, nhưng đoàn phim phải quay tại một bối cảnh khác là nông trường Quý Cao tại Hải Phòng - nơi tập trung đông đảo đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Khi nghe có đoàn phim về làm phim muốn khắc họa bối cảnh quê hương, bà con rất mừng. Mỗi người góp một tay tạo dựng bối cảnh, từ nhà lá, cầu khỉ đến từng cái ghế, từng bộ ấm chén trong nhà. Và thế là một miền Tây sông nước Bến Tre ra đời ngay tại Hải Phòng. Các diễn viên chính của bộ phim như cố NSND Thuỵ Vân, cố NSND Thế Anh (vai Trung uý Phương) cũng phải dành hàng tháng trời tới Quý Cao thực tế, tập sống cuộc sống của người Bến Tre.
Nghệ sĩ Thu Hằng - vợ của NSND Thế Anh - chia sẻ, mặc dù ngày ấy phim vô cùng quý giá, nhưng đạo diễn Huy Thành vẫn sẵn sàng quay tới 400 mét phim rồi bỏ, vì chưa chọn được người vào vai Trung úy Phương ưng ý. Cho tới khi gặp NSND Thế Anh, ông mới thực sự thấy hài lòng. Nhân vật Trung úy Phương sau này đã trở thành vai diễn để đời, gắn liền với tên tuổi của cố NSND Thế Anh trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Chương trình được phát sóng lúc 21h10 ngày 12/4/2025 trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam.