Hà Nội đánh thức di sản để biến thành tài sản

Bài & ảnh: TRANG THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sở hữu kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhưng phải đến vài ba năm gần đây, người yêu di sản Hà Nội mới thực sự được tận hưởng cảm xúc tự hào từ dòng chảy văn hóa mang vóc dáng ngàn năm trong nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và hướng đến mục tiêu thực sự trở thành “Thành phố sáng tạo”.

Khơi dòng di sản, đánh thức khối tài sản “ngủ quên” và biến chúng trở thành những không gian của sáng tạo và nghệ thuật lâu nay không còn xa lạ ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển. Thế nhưng ở ta, điều này vẫn đang còn là những trải nghiệm. Ngay tại Hà Nội, Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, việc đánh thức di sản, biến chúng thành tài sản thì phải đến Lễ hội Thiết kế sáng tạo diễn ra cuối năm 2023 mới thành hình hài một cách rõ nét.

Có thể nói, hướng khai thác di sản gắn với sáng tạo nhiều mặt đã đưa Lễ hội Thiết kế sáng tạo trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong năm 2023.

Hà Nội đánh thức di sản để biến thành tài sản - ảnh 1

Khi khối di sản khổng lồ tỏa sáng

Trong bức tranh đa sắc của công nghiệp văn hóa Thủ đô, nổi lên có nhiều điểm sáng. Không chỉ dừng lại ở việc bán vé tham quan đơn thuần như nhiều di tích trên khắp cả nước bấy lâu, di tích nhà tù Hỏa Lò có lẽ là mô hình đầu tiên biết biến di sản thành sản phẩm dịch vụ thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều tạo nên dấu ấn ở nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” không chỉ còn là những trưng bày tĩnh tại, những trải nghiệm tái hiện thực cảnh mà còn là những hành trình tour đêm đầy sức hút.

Theo Ban quản lý di tích, có những thời điểm du khách phải đặt mua vé trước cả tháng. Những thông tin đa dạng, sinh động mà di tích Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên đăng tải qua fanpage, facebook và các nền tảng mạng xã hội khác cũng đã hấp dẫn, thôi thúc du khách đến với di tích, tạo nên luồng gió mới ở không gian di tích giữa lòng Hà Nội. Dư luận gần đây cũng từng xôn xao với hình ảnh hai ngôi sao Hollywood Matthew McConaughey và Woody Harrelson bất ngờ đến tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) trong hành trình du lịch Việt Nam.

Hà Nội đánh thức di sản để biến thành tài sản - ảnh 2
Hà Nội đánh thức di sản để biến thành tài sản - ảnh 3
  Một hoạt động trình diễn nghệ thuật trong tour khám phá Hoàng thành Thăng Long về đêm.

Từ mô hình của Hỏa Lò, hai di sản văn hóa trọng điểm ở Hà Nội là Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đã lần lượt ra mắt những tour đêm thú vị nhằm đem đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới mẻ với di sản. Việc khai thác những tiềm năng, thế mạnh từ di sản cũng đồng thời đem đến những nguồn thu không nhỏ.

Đơn cử, tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, trải nghiệm tour đêm mang đến nhiều xúc cảm mới lạ. Sau hơn 10 năm khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, nơi vương triều phong kiến Việt ngự trị suốt 13 thế kỷ vẫn chỉ đến với du khách trong hình hài có phần rời rạc, khô cứng. Dấu tích cung điện các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… được phát lộ, nhưng vóc dáng cung điện xa xưa cùng cuộc sống vàng son lộng lẫy vẫn chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng của nhiều người. Bởi thế, “Đêm Hoàng cung Thăng Long - Một cảm nhận độc đáo” đã mở ra cánh cửa rộng để du khách bước vào bên trong khám phá, tìm hiểu xung quanh những bí ẩn huyền diệu của cuộc sống cung đình nhiều thế kỷ trước.

Hành trình ngược thời gian, khám phá vẻ đẹp, sự huyền bí của Hoàng thành Thăng Long về đêm thực sự là một trải nghiệm tuyệt diệu. Đắm mình trong những không gian lịch sử dưới thời Lý, Trần, Lê, cùng với các lát cắt của văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam như ẩm thực, trà đạo, rối nước... Đêm Hoàng cung Thăng Long được tái hiện sinh động, với đầy đủ sự linh hoạt, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng.

Một du khách đến từ Mỹ bày tỏ sự hào hứng khi ông lần đầu được khám phá bí ẩn tại một di sản văn hóa thế giới ngay giữa lòng Hà Nội: “Thật tuyệt vời khi tham gia tour đêm ở Hoàng thành Thăng Long, những thông tin được cung cấp dễ hiểu, đầy đủ đã giúp tôi hiểu hơn về lịch sử Việt Nam, nhất là cuộc sống Hoàng cung thời xa xưa. Hành trình tham quan khiến tôi có cảm giác như được đến với một bảo tàng lịch sử của Việt Nam. Những điều đã đọc trong sách về Hoàng thành hiện lên thật dễ hiểu và gần gũi...”.

Kho di sản đồ sộ trên đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến sau những đổi thay, sáng tạo đã mở ra những cánh cửa đẹp như cổ tích, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị văn hóa ngàn năm của Hà Nội, vừa tạo sức hút phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, đúng với mục tiêu mà Thành phố đã và đang tích cực triển khai.

Hà Nội đánh thức di sản để biến thành tài sản - ảnh 4
Sao Hollywood Matthew McConaughey và Woody Harrelson bất ngờ đến tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Nỗ lực bứt ra khỏi đường ray xưa cũ

Bữa tiệc ánh sáng 3D mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một điển hình trong cách thức đổi mới, chạm đến cảm xúc và khát vọng khám phá của du khách. “Chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính thức ra mắt du khách và người dân Thủ đô với mong muốn mang đến cho khách tham quan một diện mạo mới của khu di tích, tạo nên những trải nghiệm mới, những cảm xúc khác biệt so với các nội dung tham quan và khám phá vào thời gian  ban ngày”- TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết. Với thông điệp xuyên suốt về “Tinh hoa đạo học”, điểm nhấn tạo sự khác biệt của tour đêm Văn Miếu nằm ở yếu tố dùng công nghệ ánh sáng để kể chuyện di sản.

“Sản phẩm ra đời phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế đêm, tạo sản phẩm có sức hút mới mẻ cho du khách đến với di tích. Trong tour đêm, mọi di tích kiến trúc và không gian di sản đều trở nên ấn tượng hơn, lung linh hơn, song vẫn giữ được nét thâm trầm, tinh tế của khu di sản. Tất cả các hạng mục sẽ mở ra một không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa quen, vừa lạ”- TS Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Những thành công ban đầu từ phát triển công nghiệp văn hóa ở các di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội một lần nữa cho thấy những giá trị từ di sản sẽ được phát huy nếu được nhìn nhận, tận dụng đúng cách. GS.TS Từ Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) chia sẻ, bảo vệ không có nghĩa là khư khư giữ gìn di sản, mà phải biết khai thác giá trị gia tăng của di sản qua nhiều hình thức. Quan điểm này càng chứng minh tính đúng đắn qua những ví dụ cụ thể tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo mà Hà Nội tổ chức mới đây. Một Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ kỹ, một tháp nước hàng Đậu lặng yên sau gần 13 thập kỷ tồn tại, một chuyến tàu với hành trình đặc biệt qua những miền di sản… Tất cả như đã thức giấc bởi những ý tưởng thiết kế sáng tạo chưa từng có. Sự háo hức đón nhận của  hàng vạn du khách cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng nhận thấy kho tàng di sản công nghiệp chính là “kho báu”  mà lâu nay, vì lý do này khác mà chúng đã bị lãng quên.

Hà Nội đánh thức di sản để biến thành tài sản - ảnh 5
Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nhanh chóng trở thành một đặc sản văn hóa Thủ đô.
 

GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, việc các nhà sáng tạo cải tạo không gian hai di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian nghệ thuật rất phù hợp và có giá trị thu hút, kịp thời lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cũng nhấn mạnh, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 có tới 60 hoạt động văn hóa nhưng điều đáng chú ý là đã làm bật lên vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là cách ứng xử với những di sản công nghiệp. Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội đã được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, hấp dẫn.

Lãnh đạo ngành văn hóa Thủ đô cũng nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội sẽ chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Với kho tàng đồ sộ các di sản vật thể, phi vật thể, Hà Nội thực sự là một vùng đất có tiềm năng văn hóa và nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác giá trị kinh tế của di sản.

Thiết nghĩ, đã đến lúc người làm văn hóa ở Hà Nội bứt ra khỏi đường ray xưa cũ để tìm đến với những ý tưởng bay bổng, sáng tạo. Với những con người cả cuộc đời đã gắn bó với mảnh đất kinh kỳ, niềm mong mỏi cũng chính là những khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới lạ trên vùng đất chất chứa dấu tích của một thuở vàng son, tất cả được tái hiện trong những sản phẩm, hình hài mới mẻ, sinh động và cuốn hút. Năm 2024, Hà Nội sẽ kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), một dấu mốc quan trọng để có nhiều bứt phá hơn trong công cuộc phát triển mọi mặt đời sống xã hội cũng như tiến tới trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa của cả nước đã đặt ra. Kỳ vọng, năm tới và sau này, phát huy những thành tựu thời gian qua, Hà Nội sẽ có thêm nhiều sáng tạo hơn nữa trong khai thác di sản, biến chúng thành tài sản phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.