Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo thông tin của Sở Du lịch TP Hà Nội, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 6% so với cùng kỳ.

Theo số liệu tổng hợp thống kê, 9 ngày nghỉ lễ của dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 5/1/2025 âm lịch, tức ngày 25/1 đến hết ngày 2/2 dương lịch), ước tính Thủ đô Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó 142.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước (các thị trường có lượng khách hàng đầu bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Anh, Malaysia, Ấn Độ, Đức, Pháp, Nhật Bản...) và 859 nghìn lượt khách du lịch nội địa, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu vẫn là người dân Thủ đô và 1 số người dân địa phương lân cận đi du xuân đầu năm như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang,...).

Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - ảnh 1
Đông đảo du khách đến Phủ Tây Hồ dịp Tết Nguyên đán.

Dự kiến tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm trước. Theo Sở Du lịch TP Hà Nội, dịp trong và sau Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Tiêu biểu như: Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long 2025” tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình và khu vực Đường đua F1 (quận Nam Từ Liêm) từ 20h ngày 28/1/2025 đến 2h00 ngày 29/1/2025; Chương trình biểu diễn Chào năm mới 2025 diễn ra vào đêm giao thừa: Tại đền Ngọc Sơn, Sân khấu phía trước tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (khu vực đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm); vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); hồ Văn Quán (quận Hà Đông), Lễ hội “Khu vườn trên mây” tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn…

Theo thông tin từ huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội), mặc dù ngày mùng 6 tháng Giêng mới khai hội nhưng dịp nghỉ Tết (từ chiều 28/1, tức 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày 2/2 - mùng 5 Tết Ất Tỵ) chùa Hương đã đón hơn 8,7 vạn khách tới tham quan, vãn cảnh chùa. Riêng ngày 2/2 đã có hơn 3,6 vạn du khách về tham quan, vãn cảnh chùa Hương.

Theo Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), tính đến mùng 3 Tết, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón trên 65.000 lượt du khách. Dự kiến, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng người dân và du khách tham quan, trải nghiệm tại di tích sẽ còn tăng cao.

Năm nay, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn dịp Tết Ất Tỵ. Điểm nhấn là Hội chữ Xuân 2025 diễn ra từ ngày 23/1 - 9/2 (24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng) tại khu vực Hồ Văn. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dịp này tại khu vực Hồ Văn cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa phục vụ khách tham quan. Ngoài ra còn có nhiều chương trình văn hóa đặc sắc như: giáo dục di sản, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân; biểu diễn nghệ thuật truyền thống (quan họ, ca trù, chèo...). Trong khu Nội tự, bên cạnh hai khu trưng bày "Trường Quốc học đầu tiên" và "Khơi nguồn đạo học", khách tham quan được thưởng thức triển lãm "Dấu xưa văn hiến 3: Thiên Quang" đang diễn ra tại Tiền Đường nhà Thái học.

Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - ảnh 2
Hoàng Thành Thăng Long với nhiều chương trình hấp dẫn du khách

Trong suốt kỳ nghỉ qua, không khí lễ hội tràn ngập tại thủ đô với hàng loạt sự kiện đặc sắc. Tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chương trình “Tết làng Việt năm 2025” do chính quyền địa phương phối hợp Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm tái hiện không gian tết cổ truyền Bắc Bộ; Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô) tổ chức chương trình “Xuân về trên bản làng”, mang đến trải nghiệm đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Các con phố trung tâm Thành phố rộn ràng với chuỗi hoạt động của chương trình “Tết Việt-Tết phố 2025” do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội triển khai. Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long cũng thu hút du khách với không gian trưng bày Tết truyền thống. Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng đón hàng chục nghìn khách mỗi ngày với điểm nhấn là Hội chữ Xuân Ất Tỵ. Các điểm di tích như: Nhà tù Hỏa Lò, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh… cũng rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng tổ chức các lễ hội lớn vào đầu năm mới như hàng năm đó là: Lễ hội Chùa Hương (khai hội và công bố khu du lịch cấp Thành phố vào ngày 06 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội Gióng đền Sóc; Lễ hội truyền thống Cổ Loa, Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.
Đảm bảo đến 15/8 phải hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước

Đảm bảo đến 15/8 phải hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước

(PNTĐ) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 352/TB-VPCP ngày 7/7/2025 Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Triển lãm tại cuộc họp triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025).