Hà Nội không để văn minh lễ hội chỉ là khẩu hiệu

Bài và ảnh: Mai Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) -Xuân Quý Mão 2023, các lễ hội trên cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng trở lại hoạt động mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tất cả các lễ hội, cơ sở thờ tự đều sẵn sàng phương án cho mùa lễ hội sôi động với dự trù lượng du khách tăng vọt. Do đó, việc giữ gìn văn hóa, văn minh tại các lễ hội là vấn đề được đặt ra cấp thiết.

Hà Nội không để văn minh lễ hội chỉ là khẩu hiệu - ảnh 1
Khai mạc hội Gióng (Sóc Sơn) diễn ra vui tươi, phấn khởi

Nét đẹp lễ hội từ những đổi mới 
Hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) khai mạc vào sáng mùng 6 Tết Quý Mão là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội dịp đầu xuân năm mới. Năm 2023, huyện Sóc Sơn đã có những đổi mới để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, huyện đã xây dựng kịch bản cụ thể với tâm thế mùa lễ hội năm nay chắc chắn sẽ diễn ra náo nhiệt do thời gian dài người dân ít du xuân trẩy hội để phòng chống dịch. Địa phương cũng mở rộng khu vực diễn ra các trò chơi dân gian để tránh tình trạng tập trung cục bộ tại khu vực trung tâm; bố trí những bãi đỗ xe rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội được thực hiện đúng quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc. 

Nhiều du khách cho biết, dù đông người dự lễ nhưng việc chặt chém, chèo kéo đã hạn chế rất nhiều so với những lễ hội trước. Lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho hay, nhờ địa phương đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát… giúp giảm hiện tượng gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ. 

Một lễ hội lớn nhất phía Bắc là lễ hội chùa Hương diễn ra từ ngày 23/1 đến ngày 23/4 (tức từ ngày mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày mùng 4/3 âm lịch) với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện". Lễ khai hội diễn ra vào ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), mỗi ngày đón hàng vạn du khách. Với 15 chốt trạm để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, đổi mới hình thức bán vé từ bán vé truyền thống sang mô hình vé điện tử… nên đã hạn chế được việc ùn ứ hay việc sử dụng lại vé. Việc đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương được thưởng ngoạn vẻ đẹp của xã Hương Sơn với mức giá vé xe điện là 10.000 đồng/ người/lượt, đồng giá cho các tuyến cũng tạo được sự thích thú, mới lạ cho du khách. 

Một trong những điểm đến đầu năm khác của người Hà Nội là Hội xuân Yên Tử. Sau hai năm không tổ chức các hoạt động phần hội do đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm nay, Hội xuân Yên Tử 2023 đã thu hút rất đông nhân dân và du khách thập phương hành hương, chiêm bái lễ Phật. Vì vậy, các phương án, dự báo tình huống có thể nảy sinh đã được chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là các vấn đề về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh lễ hội... Năm nay, tuyến đường giao thông vào di tích đã được mở rộng, khu vực bãi đỗ xe được quy hoạch kết nối tốt, các tuyến cáp treo cũng được vận hành thông suốt nhằm đảm bảo không ùn tắc, thuận lợi cho du khách. 

Theo đại diện Ban Quản lý chùa Tam Chúc, năm nay lượng khách đến chùa tăng đáng kể so với những năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ mùng 3 đến mùng 6 Tết, mỗi ngày có khoảng 1 vạn du khách đến chùa. Để tránh xảy ra tình trạng chen lấn, quá tải như những năm trước, năm nay, Ban quản lý bố trí các hàng rào điều tiết dòng người xếp hàng lên thuyền một cách khoa học, chặt chẽ. Bên cạnh đó, để phục vụ đưa đón du khách, Ban Quản lý chùa bố trí khoảng 20 thuyền lớn và 60 thuyền nhỏ. Ngoài ra, cũng có khoảng 100 xe buýt tăng cường để tránh tình trạng ùn tắc, hoặc không có phương tiện phục vụ du khách. 

Cần sớm khắc phục những bất cập, tồn tại
Mặc dù đã có những đổi mới trong khâu tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay, song theo quan sát của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, một số vấn đề tồn tại ở lễ hội vẫn chưa thể giải quyết triệt để như: Tình trạng chèo kéo khách; nâng giá dịch vụ thuyền, đò; tình trạng bán hàng tràn lan gây cản trở lối đi... vẫn xảy ra. Do lượng khách về lễ hội chùa Hương đông nên lượng xe điện vận chuyển không đủ đáp ứng. Ngay từ cổng vào, rất nhiều xe ôm đứng chờ du khách xuống xe là mời chào, chèo kéo du khách đi xe vào khu vực phía trong, mời chào đi đò khiến du khách có cảm giác khó chịu. Nhiều quán cóc bán hàng mọc lên như nấm khiến khu vực này trở nên lộn xộn, ảnh hưởng đến giao thông. Cùng với đó, tình trạng xuồng máy hoạt động sai quy định cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ, dù đã có quy định không được sử dụng xuồng máy đưa đón khách. 

Ông Ngô Tùng, du khách đến từ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: Mặc dù biết lễ hội sẽ đông, nhưng tôi vẫn bị "sốc" bởi lượng người đến lễ hội quá đông. Ban tổ chức mặc dù đã niêm yết giá dịch vụ xuồng, đò, song chúng tôi vẫn bị chủ đò đề nghị trả thêm một số tiền nhất định tùy số lượng người đi. Ngoài ra, do quá đông tôi không thể bắt được xe điện để đi.

 Tại phủ Tây Hồ, các cửa hàng ăn uống hay bán động vật để phóng sinh chiếm khá nhiều diện tích khiến lối đi trở nên nhỏ hẹp khi lượng người đổ về đông, đôi chỗ bán động vật phóng sinh còn gây mất vệ sinh môi trường. Được biết, hầu hết các di tích tại Thành phố đều niêm yết quy tắc ứng xử nơi công cộng ở nơi dễ thấy, trong đó có nội dung về quy tắc ứng xử tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều người đi lễ vẫn cố tình “phớt lờ”. Tại chùa Hương hay phủ Tây Hồ và một số đền, chùa vẫn xảy ra hiện tượng tiền lẻ được đặt bừa bãi, mất mỹ quan. Cùng với đó là ở nhiều nơi “mọc” ra nhiều điểm trông xe tự phát, thu giá cao hơn so với quy định như phủ Tây Hồ, vé gửi xe ô tô dưới 9 chỗ thu 50-60 nghìn đồng/lượt...

Để chấn chỉnh các hoạt động lễ hội xuân Quý Mão, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành các văn bản, kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội hướng đến văn minh, văn hóa, an toàn, lành mạnh. Mong rằng, những hạn chế trên sẽ được cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có giải pháp khắc phục triệt để, không để văn minh lễ hội chỉ là khẩu hiệu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

Tổng Thư ký OIF trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại Nhà Triển lãm Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 10/7/2025, Nhà Triển lãm Việt Nam vinh dự đón Bà Louise Mushikiwabo, Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đến thăm nhân chuyến công tác đến EXPO 2025 Osaka, Kansai, Nhật Bản. Hình ảnh bà Tổng Thư ký trải nghiệm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam và chơi một bản nhạc ngẫu hứng trên sân khấu Nhà triển lãm gây ấn tượng với quan khách.
Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Sáng 10/7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo là diễn đàn học thuật quan trọng, quy tụ đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật trên cả nước, cùng trao đổi, hiến kế, góp phần xác lập những định hướng chiến lược cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

Góp sức cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Sáng 10/7/2025, Báo Việt Nam News and Law, Thông Tấn Xã Việt Nam, phối hợp với Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tổ chức tọa đàm “Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới”, nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

“Sông Đà – Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam”: Bức tranh sử thi của miền Thượng qua góc nhìn Pháp học

(PNTĐ) - Trong không gian địa - chính trị - văn hóa rộng lớn của Việt Nam, vùng sông Đà từ lâu đã tồn tại như một cột mốc vừa mờ ảo vừa quyết liệt. Đó là miền Thượng hiểm trở, nơi dòng sông cuộn trào vượt qua ba thung lũng Lai Châu, cắt dọc lãnh thổ phía Tây Bắc, mang theo bao lớp trầm tích địa chất lẫn ký ức con người.
Đảm bảo đến 15/8 phải hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước

Đảm bảo đến 15/8 phải hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước

(PNTĐ) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 352/TB-VPCP ngày 7/7/2025 Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Triển lãm tại cuộc họp triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025).