Hà Nội triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ trong công tác văn hóa
(PNTĐ) - Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, góp phần đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025 với chủ đề “Kỷ cương - Nêu gương - Trách nhiệm - Tinh gọn - Hiệu quả - Về đích” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Năm 2025 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong công tác văn hóa, thể thao và du lịch đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được thực hiện tốt. Các di tích như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long tổ chức tốt các hoạt động như tour đêm, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Lĩnh vực thể dục thể thao được tổ chức sâu rộng trong toàn dân; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực, các vận động viên Thủ đô đạt được 1.132 huy chương trong nước và quốc tế.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục thực hiện hiệu quả, lan tỏa giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Về hoạt động biểu diễn, Hà Nội đã tổ chức 1.290 buổi diễn văn hóa, nghệ thuật… tạo nguồn thu lớn cho các lĩnh vực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố. Thành phố Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới” với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến tiếp tục xây dựng TP Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. Để đạt được mục tiêu này, trong nhiều năm qua, TP đã tập trung, ưu tiên nhiều nguồn lực cho phát triển con người.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hoá Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa trên địa bàn TP luôn được chú trọng.
Về lĩnh vực du lịch, Hà Nội phát triển các tour, sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có nhiều tuyến du lịch mới như: Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội”, sản phẩm du lịch “Con đường đạo học” tại điểm du lịch Hạ Mỗ (xã Ô Diên), “Sắc hoa Tường Phiêu” (xã Phúc Thọ)… Trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội đã đón khoảng 15,56 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với năm 2024, trong đó có hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành VHTTDL Hà Nội đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. GRDP ước tăng 7,63%, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Tổng thu ngân sách đạt khoảng 410 nghìn tỷ đồng, bằng 79,9% dự toán, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2024”.
Để đạt được kết quả đó, thành phố Hà Nội đã nhận thức sâu sắc và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự quan tâm sát sao, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân Thủ đô.

Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp, hỗ trợ thành phố Hà Nội trong công tác tổ chức các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là công tác phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình để kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ VHTTDL sớm ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ công trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của địa phương, làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và đơn giá dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực VHTTDL theo mô hình chính quyền 2 cấp; phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, Bộ cũng sớm trình Chính phủ các nghị định về hoạt động biểu diễn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương.