Hà Nội và những dấu ấn trong phát triển công nghiệp văn hóa

Mộc Miên
Chia sẻ

(PNTĐ) -Là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, với tiềm năng to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội cũng mang trong mình thương hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo với hệ thống các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh. Khối “tài sản” to lớn này đã và đang tạo nền tảng để Thủ đô triển khai mạnh mẽ các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hà Nội và những dấu ấn trong phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Hà Nội có nhiều nguồn lực, tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa Ảnh: Int

Dấu ấn của sự bùng nổ sáng tạo
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, sự ra đời của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là nỗ lực của Việt Nam nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo nên sự đổi thay và hội nhập của các ngành công nghiệp văn hóa. Ba năm sau khi chiến lược tổng thể được ban hành, tại Bảo tàng Hà Nội tiếp tục diễn ra một Hội thảo quốc tế ấn tượng, truyền tới mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trên toàn cầu một quyết tâm rằng Hà Nội sẽ tạo đột phá đầu tiên của Chiến lược quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa bằng việc trở thành thành phố Thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tham gia vào mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN). Sự xuất hiện của Hà Nội trong mạng lưới toàn cầu sau đó như một minh chứng sống động, khẳng định những giá trị bền vững và hội nhập có chiều sâu của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng.

Một trong những chuyển biến rõ nét từ mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô là sự bùng nổ của các yếu tố sáng tạo. Trong những năm gần đây, số lượng các không gian văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều, cùng với sự tăng lên về cả chất lượng và số lượng của các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật do các đơn vị Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân tổ chức đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân nhiều thành phố, đặc biệt phải kể đến Hà Nội. 

Nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển trong đô thị được nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm chuyển đổi công năng thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật như trường hợp của tổ hợp Complex 1 ở phố Tây Sơn, điểm đến yêu thích hiện nay của giới trẻ, vốn trước là một xưởng in cũ; không gian sáng tạo về Thiết kế 282 Design ở phố Phú Viên (Gia Lâm), trước là nhà máy sản xuất mũ cối nằm trong khu dân cư đông đúc, hiện đã trở thành một địa điểm thường xuyên tổ chức các sự kiện thiết kế, triển lãm nghệ thuật, workshop về thiết kế nội thất gỗ...; Hanoi Creative City trên thực tế được vận hành ở một tòa nhà xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long. Nhiều năm qua, các không gian này đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bối cảnh văn hóa sáng tạo đương đại của Thành phố.

Nắm bắt được những tiềm năng, lợi thế là lý do để Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ngàn năm, vừa đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, có tiềm năng to lớn về sáng tạo để phát triển công nghiệp văn hóa. Trên địa bàn Thành phố có nhiều trường văn hóa, nghệ thuật; khoảng 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu tạo ra những sản phẩm độc đáo... Đây cũng là nơi lao động nghệ thuật của đông đảo nghệ sĩ. Ngoài ra, Hà Nội còn mang trong mình thương hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo với hệ thống các di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận... Từ những lợi thế này, việc Thành ủy Hà Nội lựa chọn, đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. 

Từ Nghị quyết chuyên đề đến những nỗ lực, hành động thực tiễn, trong thời gian qua, phát triển công nghiệp văn hóa- công nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa sẽ giúp cho văn hóa Thăng Long-Hà Nội tỏa sáng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, đồng thời cũng sẽ có tác động tích cực trong việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch. 

Tháo gỡ khó khăn hướng tới mục tiêu “ngành kinh tế mũi nhọn” 
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, với tư duy và tầm nhìn chiến lược, Hà Nội tiếp tục định vị và phát triển đúng đắn, bắt nhịp với hơi thở của thời đại, phấn đấu trở thành trung tâm sáng tạo, định hướng phát triển bền vững trên cơ sở không chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cho thời đại mới. Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng chính là tìm cho Hà Nội một giá trị cốt lõi. Từ đó, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị cốt lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng lao động sáng tạo văn hóa tạo ra những giá trị mới, để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.

Năm 2018, công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của Thủ đô. Đây là tiền đề để Hà Nội đặt mục tiêu cao hơn trung bình cả nước, cụ thể: Năm 2030, đóng góp khoảng 8% GRDP; năm 2045 đóng góp 10% GRDP, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với tiềm năng dồi dào, đặc biệt là các giá trị di sản, văn hóa truyền thống, ông Đỗ Đình Hồng cho biết: “Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long-Hà Nội…”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hà Nội cũng nhìn thấy nhiều vấn đề cần giải pháp khắc phục để công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi là chính quyền Hà Nội cần phải tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, chính sách nhằm khơi dậy nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp văn hóa. Cụ thể, Hà Nội cần phải tạo ra các sự kiện, thương hiệu văn hóa nổi bật của mình, như các lễ hội ẩm thực, liên hoan phim, tuần lễ thời trang, triển lãm mỹ thuật...; đồng thời cũng cần tích cực tham dự các sự kiện văn hóa lớn trên thế giới. Nếu có nguồn lực xã hội tiếp sức, Hà Nội sẽ có điều kiện tạo ra sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế, kích thích công nghiệp văn hóa phát triển.

Từ một góc nhìn cụ thể, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, để thành một nền công nghiệp người ta cần phải quy tụ những đơn vị, những mảng sáng tạo lại thành những Zone (khu) nghệ thuật, trong đó các lĩnh vực sáng tạo được tạo điều kiện tự do phát triển tối đa, thoải mái cạnh tranh, tạo nên một bức tranh tổng thể hấp dẫn, thu hút cả người trong cuộc và người ngoài cuộc.

 “Những thành phố lớn như Hà Nội với lợi thế về các công trình văn hóa di sản cần được nhìn nhận như những nguồn lực, những trung tâm kết nối sẵn có để thiết kế, vận hành những quy chế hoạt động cho chúng. Bài học ở những nước phát triển đi trước, các không gian di sản nếu biết khéo kết hợp với ngành công nghiệp sáng tạo sẽ mang lại hiệu quả từ nhiều phía. Về lâu dài nên biến khu phố cổ Hoàn Kiếm trở thành một trung tâm kết nối sáng tạo, tập trung vào nền kinh tế sáng tạo, văn hóa...” - họa sĩ Thế Sơn lưu ý.

Nghị quyết số 09-NQ/TU có thể coi là chỉ dẫn đầu tiên thể hiện rõ nét nhất mong muốn, quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực văn hóa tiềm năng của Thủ đô. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 09 đề ra, Hà Nội xác định phải đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.