Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hưng Thịnh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…

Từ cách hâm mộ văn minh

Kể từ khi các chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” ra mắt, chúng ta chứng kiến một làn sóng hâm mộ mạnh mẽ trong giới trẻ Việt. Đây là tín hiệu vui cho nền giải trí nước nhà, khi mà trước đó không lâu, người ta thường than phiền về việc giới trẻ chỉ chăm chú thần tượng các nghệ sĩ quốc tế, số nghệ sĩ Việt được hâm mộ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại thế cuộc đã xoay chiều một cách ngoạn mục khi các bạn trẻ “quay đầu” thần tượng nhiều nghệ sĩ trong nước, thông qua các chương trình. Bởi vậy, mặc dù concert “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã diễn đến 5-6 đêm, nhưng lượng khán giả vẫn đông kín khán đài. Người ta vẫn giành nhau để có 1 tấm vé xem. Các khán giả trẻ tiếp ứng cho các nghệ sĩ mình hâm mộ bằng việc diện thật đẹp, trang điểm thật xinh, in ấn hình ảnh, băng rôn nghệ sĩ mình yêu thích chỉn chu…và nhiệt tình cổ vũ.

Văn hóa hâm mộ ở khán giả Việt còn rất đáng khen ngợi khi các bạn tạo nên những cộng đồng hâm mộ gắn kết, không chỉ cùng trao đổi, chia sẻ tình cảm với thần tượng mà còn giúp đỡ nhau trong nhiều hoạt động. Nhiều cộng đồng hâm mộ của các nghệ sĩ nổi tiếng cùng nhau thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa như gây quỹ trồng cây, quyên góp từ thiện, bảo vệ môi trường hay truyền cảm hứng sống…

Văn hóa hâm mộ văn minh của khán giả Việt cũng để lại ấn tượng với các nghệ sĩ quốc tế như G-Dragon trong đêm diễn 21/6 tại Mỹ Đình. Không hề có một hình ảnh nào gây bức xúc dù khán giả “phát cuồng” khi G-Dragon về Việt Nam. Trước giờ diễn của G-Dragon, các fandom của G-Dragon cũng như các nghệ sĩ Hàn đã thuê ba xe buýt cùng xe mui trần làm xe roadshow đi khắp phố phường Hà Nội với những hình ảnh ấn tượng chào mừng các thần tượng đến Việt Nam. Cũng như khi BlackPink, khán giả của G-Dragon cũng không ngại chi bộn tiền để sắm áo, mũ, lightstick… để chào đón, cổ vũ thần tượng. Chính tình cảm, cách yêu mến của khán giả Việt đã khiến ngay sau đó có thông tin G-Dragon sẽ trở lại với concert riêng vào cuối năm.

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam - ảnh 1
Fans hâm mộ G-Dragon cổ vũ thần tượng trước đêm diễn tại Hà Nội.

Đến văn hóa thần tượng “lệch chuẩn”

Tuy nhiên, vừa qua cũng có những câu chuyện về văn hóa thần tượng gây ra nhiều tiếng thở dài.

Chỉ với vài giây bước xuống từ xe buýt trong lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), Thượng úy Lê Hoàng Hiệp bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý trên mạng xã hội. Gương mặt sáng, thần thái nghiêm nghị cùng dáng đi dứt khoát của một người lính trong lễ phục đã nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem, chia sẻ và bình luận. Từ một quân nhân lặng lẽ trong đội hình diễu hành, anh trở thành một hiện tượng xã hội với nhiều tầng ý nghĩa, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Lê Hoàng Hiệp là quân nhân thuộc Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Trước khi được biết đến rộng rãi, anh là một sĩ quan trẻ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ như bao đồng đội khác. Tuy nhiên, đoạn video ghi lại khoảnh khắc anh bước xuống xe, ánh mắt nhìn thẳng, tư thế thẳng tắp, biểu cảm điềm đạm đã tạo nên một sức hút lạ thường. Sự xuất hiện ngắn ngủi đó không đơn thuần là một hình ảnh đẹp, mà còn gợi ra một cảm xúc sâu xa về hình tượng người lính trong tâm thức công chúng - kỷ luật, chính trực và đáng tin cậy.

Ở thời điểm mà mạng xã hội tràn ngập những xu hướng nhất thời, hình ảnh một quân nhân điềm đạm, không phô trương, không chủ động xuất hiện trước công chúng lại trở thành một điểm nhấn. Lê Hoàng Hiệp không trả lời phỏng vấn sâu, không tận dụng sự nổi tiếng để xuất hiện trên các nền tảng thương mại hay truyền thông, cũng không có bất kỳ động thái nào nhằm “tận dụng” sự quan tâm của công chúng. Chính điều đó khiến hình ảnh của anh càng được đánh giá cao, thậm chí được lý tưởng hóa như một hình mẫu quân nhân thời đại mới.

Tuy nhiên, hiện tượng Lê Hoàng Hiệp không dừng lại ở sự lan tỏa tích cực. Sự quan tâm quá mức, đặc biệt từ một bộ phận bạn trẻ, đã dẫn đến những hệ lụy không nhỏ. Thời gian vừa rồi, khi Lê Hoàng Hiệp cùng đơn vị mình di chuyển ra Bắc làm nhiệm vụ tập luyện chuẩn bị tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hàng trăm người đã đổ về ga Hà Nội để chờ gặp anh. Họ chen lấn, tìm mọi cách tiếp cận, xin chụp ảnh, gây náo loạn khu vực. Một số video thậm chí còn ghi lại cảnh các bạn nữ khóc khi không thể đến gần anh. Trước tình hình đó, đơn vị đã phải bố trí lối đi riêng để tránh ảnh hưởng đến an ninh và công tác tổ chức của đoàn quân.

Một điều đáng lưu ý là bản thân Thượng úy Lê Hoàng Hiệp từng khẳng định mình đã có bạn gái và họ đang tiến tới hôn nhân. Trên một số diễn đàn quân đội, thông tin về việc anh là “hoa đã có chủ” được xác nhận là chính xác. Thế nhưng điều này dường như không ngăn được làn sóng hâm mộ, thậm chí có phần thái quá, từ một số bạn nữ. Trên mạng xã hội, nhiều người vẫn tiếp tục đăng ảnh ghép, viết lời "tỏ tình công khai", gửi tin nhắn riêng hoặc thậm chí là tìm cách liên hệ với anh qua các kênh cá nhân. Những hành vi tưởng chừng vô hại đó thực chất có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống riêng của anh, đặc biệt là vị hôn thê của mình. Việc gia đình phải đối mặt với áp lực không mong muốn từ dư luận, từ sự săm soi đời tư, là điều hoàn toàn không nên.

Sự ngưỡng mộ nếu vượt quá giới hạn có thể tạo ra áp lực vô hình. Một quân nhân không sinh ra để trở thành biểu tượng truyền thông. Họ làm việc trong một môi trường tập thể, nơi kỷ luật và ẩn danh là nền tảng, chứ không phải danh tiếng cá nhân. Việc đẩy một người lính ra ánh sáng quá mức dễ khiến chính người đó phải gồng mình giữ gìn hình ảnh “nam thần quân đội” trong mọi tình huống, thay vì được sống đúng với bản chất thầm lặng của mình. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý đồng đội và bầu không khí nội bộ trong đơn vị nếu không được xử lý hợp lý.

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam - ảnh 2
Khán giả hâm mộ chen lấn để tiếp cận Thượng úy Lê Hoàng Hiệp - hành động gây bức xúc vừa qua.

Cần xây dựng văn hóa thần tượng

Hiện tượng thần tượng Thượng úy Lê Hoàng Hiệp một cách thái quá đã dấy lên hồi chuông về việc cần xây dựng văn hóa thần tượng. Không chỉ có hiện tượng thần tượng Lê Hoàng Hiệp, mà hiện nay vẫn tồn tại không ít biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa hâm mộ. Từ việc mù quáng bênh vực thần tượng, tấn công người có ý kiến trái chiều, cổ súy cho hành vi chưa chuẩn mực đến việc bỏ bê học hành, công kích người nổi tiếng khác… Những hiện tượng như vậy không còn đơn thuần là vấn đề cá nhân, mà dần trở thành nguyên nhân gây bức xúc xã hội.

Thực tế, dù với Lê Hoàng Hiệp hay bất cứ ai, văn hóa thần tượng cần được thể hiện một cách có văn hóa, đúng chừng mực và không gây xáo trộn cho người được yêu mến. Ngưỡng mộ không có nghĩa là xâm phạm đời tư, càng không phải là đặt lên vai người khác kỳ vọng phi thực tế.

Có thể thấy, nguyên nhân tiêu cực gây ra lệch chuẩn văn hóa thần tượng đến từ nhiều phía: Sự thiếu định hướng trong giáo dục truyền thông, kỹ năng sử dụng mạng xã hội còn hạn chế, môi trường công nghệ lan truyền nhanh hơn khả năng kiểm soát, và không ít trường hợp, chính người nổi tiếng cũng chưa ý thức rõ trách nhiệm của mình trước công chúng.

Thần tượng là quyền tự do cá nhân, nhưng cách thể hiện sự thần tượng cần được dẫn dắt bằng hiểu biết và văn hóa. Điều đầu tiên là người trẻ cần được giáo dục về kỹ năng tiếp nhận truyền thông và ứng xử có trách nhiệm trên môi trường mạng. Thần tượng không có nghĩa là đánh mất lý trí hay cá tính cá nhân.

Các nhà trường và gia đình đóng vai trò định hướng, giúp người trẻ hiểu rằng mỗi hình mẫu chỉ là một điểm tựa tinh thần, không phải là chân lý tuyệt đối. Truyền thông cũng cần có những nội dung “gỡ rối” - không cổ súy văn hóa thần thánh hóa cá nhân, mà khuyến khích việc ngưỡng mộ người thật - việc thật - giá trị thật, đúng mực.

Về phía nghệ sĩ và người nổi tiếng cũng cần nhận thức rằng mỗi hành động, lời nói của mình đều có sức ảnh hưởng lớn. Sự chuẩn mực, tích cực và trách nhiệm trong phát ngôn, đời sống cá nhân lẫn hoạt động nghề nghiệp chính là lời “dạy bằng hành động” sâu sắc nhất với người hâm mộ.

Tin cùng chuyên mục

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.