Hàng nghìn người tham dự khai hội Bia Bà (La Khê, Hà Đông)

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 11/2 (tức 14 tháng Giêng) phường La Khê, quận Hà Đông tổ chức Lễ khai hội Bia Bà Xuân Ất Tỵ 2025. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đến chiêm bái, cầu lộc, cầu may đầu năm.

Tương truyền Đình La Khê là nơi phụng thờ Thiên tướng Hắc Diện Đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa - hai vị thần đã có công giúp đỡ nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giúp nhân dân có cuộc sống no đủ.

Đình La Khê được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Trong quần thể đình còn có đền thờ (nhà mẫu) đặt bia thờ Đức Thánh Bà (còn gọi là Bia Bà).

Hàng nghìn người tham dự khai hội Bia Bà (La Khê, Hà Đông) - ảnh 1
Lễ rước Đức Bà trong ngày khai hội

Cạnh đình là chùa Diên Khánh (Diên Khánh tự), tương truyền xây dựng từ đời nhà Lý. Đình và chùa còn giữ lại được nhiều hiện vật quý hiếm. Chùa Diên Khánh được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989, đình được xếp hạng năm 1998.

Bia Bà nằm bên phải sân đình La Khê, điện thờ gồm: Chính điện thờ Thánh Bà, Hữu điện thờ Đệ nhất công chúa và Tả điện thờ Đệ nhị công chúa. Tương truyền, Thánh Bà ở đây là Đức Thánh Bà Trần Thị Hiền (1511- 1538), người làng La Khê, là con gái đại thần triều Lê - Quận công Trần Trân.

Bà là Đệ nhị Vương phi, vợ vua Mạc Đăng Doanh. Bà vừa xinh đẹp dịu dàng vừa đức thục đoan trang. Lúc còn sống Bà hay giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt... Trước khi mất Bà trao lại toàn bộ ruộng vườn, tài sản cho nhân dân.

Năm Canh Tuất (1538) bà đã yên nghỉ vĩnh hằng tại cánh đồng Vang - nơi mảnh đất quê hương. Tương truyền bà rất linh thiêng, hay hiển linh tiếp tục giúp đỡ mọi người, nên tư đời này sang đời khác trải qua hơn 550 năm, nơi thờ phụng Bà được nhân dân quanh vùng sùng kính, nghi lễ trang nghiêm.

Nhớ ơn công đức của Đức Bà nhân dân đã lập đền thờ Bà tại cổng làng. Năm 1982 dân làng La Khê đã rước tấm Bia về khu di tích La Khê để thờ phụng. Để ghi nhớ công ơn, tỏ lòng thành kính của hai vị thần có công đức âm phù giúp, hàng năm dân làng La Khê đều mở hội từ ngày 14 tháng giêng đến hết ngày 16 tháng giêng.

Hàng nghìn người tham dự khai hội Bia Bà (La Khê, Hà Đông) - ảnh 2
Đông đảo người dân và du khách tham dự lễ hội.

Năm 2025, phường La Khê là một trong 19 phường trên địa bàn quận tổ chức lễ hội đại đám. Đây là hoạt động giàu ý nghĩa nhân dân và tính văn hoá, không những để tôn vinh các bậc tiền nhân có công với nước, với làng mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước và để giữ gìn bản sắc văn hoá tốt đẹp của địa phương.

Nổi bật trong phần lễ là nghi thức rước Thánh ra Đình Mới vào buổi sáng ngày 14 và rước Thánh hồi cung an vị vào sáng ngày 16. Ngoài ra, các cụ bà sẽ thực hiện nghi thức tế tại cung Đức Thánh bà vào tối ngày 14, còn các cụ ông sẽ tiến hành tế nhập tịch vào sáng ngày 15 và tế mãn tịch vào chiều ngày 16.

Hàng nghìn người tham dự khai hội Bia Bà (La Khê, Hà Đông) - ảnh 3
Nhiều màn múa lân biểu diễn tại lễ khai mạc.

Sau phần dâng hương, nhân dân phường La Khê đã tổ chức lễ rước kiệu Thánh ra đình mới. Trong những ngày diễn ra lễ hội năm nay sẽ có các hoạt động vui chơi giải trí, thi đấu thể dục thể thao như: bóng đá, bóng bàn, cầu lông, võ thuật, thi đấu cờ tướng, thi chọi gà…

Tối ngày 14, nhân dân và du khách sẽ được thưởng thức chương trình diễn chèo do đoàn Hát chèo Hà Nội biểu diễn; hát quan họ tại Giếng đình sẽ tái hiện không gian nghệ thuật dân gian độc đáo, tạo nên nét chấm phá riêng biệt cho lễ hội.

Chương trình nghệ thuật quần chúng sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc chào mừng lễ hội. Đặc biệt, tối ngày 16 – ngày cuối của lễ hội, một chương trình Ca – Múa – Nhạc tổng hợp sẽ được tổ chức tại sân bóng La Khê.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi sới vật Việt Nam “vươn tầm quốc tế“

Khi sới vật Việt Nam “vươn tầm quốc tế“

(PNTĐ) - Cuối tuần qua, đô vật người Belarus Zakhar Dzmitrychenka gây chú ý khi xuất hiện tại giải vật truyền thống làng Triều Khúc và thách thức mọi đối thủ. Zakhar được khán giả ví như Thor (Thần Sấm) với mái tóc dài buộc gọn phía sau, râu quai nón, chiều cao hơn 1,8 m và thân hình lực lưỡng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị có biện pháp bảo vệ di tích chùa Vẽ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị có biện pháp bảo vệ di tích chùa Vẽ

(PNTĐ) - Ngày 10/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 101/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đề nghị khẩn trương có biện pháp bảo vệ di tích, đánh giá thiệt hại và đề xuất phương án xử lý đối với chùa Vẽ vừa bị cháy vào sáng sớm nay.
Nhiều nét mới tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định

Nhiều nét mới tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định

(PNTĐ) - Nghi lễ khai ấn đền Trần được tổ chức với ý nghĩa nhân văn cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người chung hưởng lộc ấn, tích phúc vô cương. Lễ khai ấn tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng hàng năm tại Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định).
Khai mạc lễ hội Đền Trần  2025

Khai mạc lễ hội Đền Trần 2025

(PNTĐ) - Tối ngày 10/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), lễ khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái năm 2025 đã long trọng diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt - lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.