Hãy là người du lịch thông thái để giữ văn hóa Việt

Bài và ảnh: Nam Phong
Chia sẻ

(PNTĐ) -Sự việc Hoa hậu Hoà bình thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên mặc trang phục Mông Cổ chụp ảnh du lịch trên sông Nho Quế (Hà Giang) đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, để lại rất nhiều suy ngẫm.

Hãy là người du lịch thông thái để giữ văn hóa Việt - ảnh 1
Hình ảnh Hoa hậu Thùy Tiên mặc cổ phục Mông Cổ trên sông Nho Quế gây tranh cãi.

1. Sự việc được khơi mào từ một bài viết của blogger du lịch Khoai Lang Thang với lời nhắn nhủ: "Nếu du khách có đi du lịch sông Nho Quế, Hà Giang hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam nên hạn chế mặc đồ của những nước khác. Gần đây, tôi thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Bạn tôi là người nước ngoài hỏi: "Nho Quế có phải của Việt Nam không?". Thật lòng nghe câu đó cùng mấy tấm hình bạn ấy đưa, mình cũng có chút buồn”. 

Cộng đồng mạng đã lập tức liên hệ đến hình ảnh Hoa hậu Thùy Tiên cũng vừa mặc trang phục Mông Cổ khi du lịch ở sông Nho Quế. 

Sự việc Thùy Tiên mặc cổ phục người Mông Cổ trên sông Nho Quế cùng lời nhắn nhủ, góp ý của Khoai Lang Thang gây ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một luồng cho rằng mặc trang phục nào khi đi du lịch là tự do cá nhân, cần tôn trọng. Một luồng dư luận khác mạnh mẽ hơn là mong muốn người Việt đi du lịch hãy tôn vinh văn hóa, trang phục, quảng bá vẻ đẹp nước mình một cách triệt để chứ đừng tùy tiện, gây nhầm lẫn đáng tiếc như thế.

 Rất nhanh chóng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận góp ý và phản hồi rằng sẽ có những động thái đề nghị kiểm tra và đình chỉ các điểm cho thuê trang phục nước ngoài trên sông Nho Quế, đồng thời đưa ra khuyến cáo du khách đến với Hà Giang hãy là khách du lịch thông thái, tìm hiểu và lựa chọn trang phục truyền thống thích hợp. 

2. Trên nền tảng Tiktok, có một Tiktoker khá nổi vì đẹp trai với những video đẹp ở nhiều nơi sơn thủy hữu tình. Xem video, nhiều người phán đoán Tiktoker này là người Tân Cương, Trung Quốc do tạo hình khá giống. Đến khi xem kỹ mới té ngửa hóa ra chàng Tiktoker là người Việt 100%, rất nhiều cảnh trong video được quay ở vùng cao Tây Bắc. Cũng có đôi khi Tiktoker này mặc trang phục dân tộc của Việt Nam, nhưng không đáng kể. Điều quan ngại là rất đông người theo dõi đã vào tung hô tạo hình này của Tiktoker, nức nở khen đẹp, và bày tỏ sẽ học hỏi theo. Đây là một hiệu ứng đám đông mà ai cũng nhìn thấy hậu quả. 

Hậu quả nhãn tiền nhất mà chúng ta đang nhìn thấy là hiện nay không chỉ ở sông Nho Quế, mà theo phản ánh của các du khách, hiện tượng mặc cổ phục các nước khác để chụp ảnh tại các địa danh, phong cảnh đẹp đã sôi động ở nhiều điểm du lịch lớn như Sapa, Ninh Bình. Những bộ ảnh mặc cổ phục của nước khác giữa mây trắng bồng bềnh, núi non bát ngát của du khách Việt ở Sapa ngập tràn mạng xã hội sau Tết. Còn ở Ninh Bình có một địa chỉ khá nổi tiếng là cây hồng có tuổi đời (được truyền tai) là 200 tuổi ở Hoa Lư. Mỗi năm đến mùa quả chín đỏ, đông đảo du khách đổ về đây chụp ảnh. Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là đa số các du khách trẻ lại chọn mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc để chụp ảnh thay vì trang phục Việt. Có người giải thích vì cảnh sắc cây hồng bên bờ tường cổ hơi giống cảnh cây hồng ở bên Hàn Quốc, nên mới sinh ra ý tưởng chụp cổ trang Hàn Quốc như vậy. Thuận theo thị hiếu, các hàng cho thuê quần áo quanh đó cũng cho thuê trang phục Hàn Quốc “áp đảo” trang phục Việt. Hiện tượng này khá đáng buồn, khi rõ ràng bờ tường đá, cái cổng gỗ của ngôi nhà đều mang dấu ấn Việt đậm nét, nhưng nam thanh nữ tú lại nô nức mặc trang phục nước khác để “lạ hóa” hình ảnh của mình, gây tổn thương đến việc quảng bá vẻ đẹp quê hương. 

3. Trả lời báo chí về việc trào lưu du khách mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh trên sông Nho Quế, nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng đó là một thực trạng đáng buồn, gây tổn thương giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc. “Sự mất mát lớn nhất chính là sự mai một bản sắc văn hóa dân tộc"- bà Hồng nhấn mạnh. 

Trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy quảng bá hình ảnh, du lịch đất nước, những sự việc trên đã đặt ra một yêu cầu bức thiết đó là tính định hướng trong việc khai thác, tôn vinh giá trị văn hóa bản địa tại các danh thắng, đặc biệt là những danh thắng nổi bật, gắn với niềm tự hào Việt Nam. Nhiều du khách cũng như cộng đồng mạng đồng tình với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang rằng cần nêu cao khẩu hiệu hãy là người du lịch thông thái. Theo đó, các du khách Việt, người Việt hãy đồng lòng đồng sức tôn vinh văn hóa, du lịch, hình ảnh nước nhà bằng việc thể hiện niềm tự hào dân tộc, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa bản địa, góp phần xây dựng, bảo vệ và quảng bá văn hóa, vẻ đẹp đất nước Việt Nam một cách đặc sắc, riêng có nhất.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

Xúc động xem MV huyền thoại saxophone Kenny G quảng bá vẻ đẹp Hà Nội

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc "Going Home" tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.
Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

Xuất bản song ngữ 5 thứ tiếng bộ sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân”

(PNTĐ) - Vừa qua, tại tỉnh Điện Biên, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ra mắt, giới thiệu bộ sách 6 cuốn Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân (tiếng Việt và song ngữ gồm 5 ngoại ngữ: Việt - Anh, Việt - Pháp, Việt - Tây Ban Nha, Việt - Trung, Việt - Ả rập) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.